Doanh nghiệp cần chủ động lên kế hoạch phòng tránh rủi ro tỷ giá

Trong bối cảnh tỷ giá biến động mạnh, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần có các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Theo Báo cáo Thị trường Tài chính Tiền tệ Việt Nam tháng 5/2019 vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố, trong tháng 5, tỷ giá USD/VND đã tạo sóng đầu tiên kể từ đầu năm.

Cụ thể, chịu tác động của diễn biến quốc tế, tỷ giá giao dịch USD/VND tháng qua dao động khá mạnh, kết thúc tháng tăng thêm 130 VND/USD ở chiều mua vào và 150 VND/USD ở chiều bán ra trên ngân hàng, lên mức 23.360 - 23.480; và tăng thêm 90 VND/USD trên thị trường tự do lên mức 23.415 - 23.430.

Như vậy chỉ trong vòng 1 tháng, VND đã giảm giá -0,6% so với USD, một biến động tương đối lớn sau 4 tháng ổn định nhưng vẫn ít hơn sự mất giá của hầu hết các đồng tiền trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Philippines…

Trong tháng 5, tỷ giá trung tâm cũng tăng thêm 37 VND/USD, tương đương tăng 0,16% sau 1 tháng.

Khác với diễn biến đi ngang trong gần 4 tháng đầu năm và bật tăng từ cuối tháng 4 đến nay của tỷ giá giao dịch, tỷ giá trung tâm đã liên tục tăng từ đầu năm, mức tăng tổng cộng là 1,05%, đảm bảo biên độ đủ rộng cho biến động tỷ giá.

“Qua đó thể hiện sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành tỷ giá khi thị trường chịu tác động bởi các yếu tố khó lường từ bên ngoài", SSI đánh giá.

Một diễn biến đáng chú ý khác trong tháng vừa qua là việc Việt Nam lọt vào danh sách đối tác thương mại cần giám sát của Mỹ cùng với 8 quốc gia khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Ailen, Singapore, Malaysia.

Việc Mỹ hạ các tiêu chuẩn đã mở rộng danh sách các nước thuộc diện giám sát. Ngoại trừ Trung Quốc chỉ chạm 1 tiêu chí, Việt Nam và 7 nước còn lại đều chạm 2 tiêu chí về thặng dư cán cân thương mại và cán cân thanh toán hiện thời.

Nguồn cung USD đã không còn dồi dào như trước

Nguồn cung USD đã không còn dồi dào như trước

Theo SSI, khả năng Việt Nam bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ trong lần rà soát tới là rất thấp. Do đó, thị trường tài chính tiền tệ sẽ không bị tác động bởi câu chuyện trên, ít nhất là trong năm nay.

Cần chủ động phòng ngừa rủi ro

Theo các chuyên gia, với xu hướng chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc ngày càng leo thang có thể dẫn tới biến động mạnh trên thị trường ngoại hối quốc tế, tác động nhất định tới tỷ giá của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần xem xét tới các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Hiện nay, Việt Nam đã có các sản phẩm phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu như: giao dịch kỳ hạn (forward), hoán đổi (swap), giao ngay (spot)...

Tuy nhiên, trên thực tế hiện các công cụ này còn ít được các doanh nghiệp trong nước sử dụng do khi mua USD theo hợp đồng kỳ hạn, họ sẽ phải mua với giá cao hơn so với hiện tại.

Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, nhiều doanh nghiệp tin tưởng vào chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì sự ổn định, không để tỷ giá tăng mạnh. Cùng với đó, thanh khoản ngoại tệ cũng đang rất tốt, nên các doanh nghiệp không muốn mua hợp đồng kỳ hạn phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, điều đó rất rủi ro cho các doanh nghiệp vì diễn biến tỷ giá có thể biến động rất mạnh, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Chính vì thế đối với các doanh nghiệp làm ăn một cách bài bản thì nên mua hợp đồng kỳ hạn, chấp nhận chi phí cao nhưng lại được đảm bảo chắc chắn có một lượng tiền USD sẵn sàng bán cho doanh nghiệp khi cần phục vụ cho hoạt động kinh doanh” – TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Linh Nhật

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-can-chu-dong-len-ke-hoach-phong-tranh-rui-ro-ty-gia/813636.antd