Doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực cung ứng

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp hỗ trợ (Sở Công Thương TP HCM) trả lời phỏng vấn Báo Hải quan.

Bà đánh giá như thế nào về năng lực cung ứng và điểm mạnh, điểm yếu của các DN CNHT TP HCM hiện nay?

Theo đánh giá chung, năng lực cung ứng của các DN CNHT Việt Nam nói chung và DN CNHT của TP HCM nói riêng còn khá hạn chế. Theo kết quả khảo sát mới nhất của Trung tâm xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản thực hiện trong năm 2017 thì khả năng cung ứng của các DN Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của các DN Nhật Bản.

DN CNHT Việt Nam có điểm mạnh là cần cù, lao động đang độ tuổi vàng, khả năng tương tác với khách hàng khá tốt. Tuy nhiên, bên cạnh các điểm mạnh nêu trên thì các DN CNHT cũng còn nhiều điểm yếu như: Tư duy quản trị của lãnh đạo không nhất quán, không mạnh dạn cam kết dài hạn trong cưng ứng; tư duy đổi mới xây dựng triết lý kinh doanh còn yếu; năng lực vận hành không hiệu quả do không được đào tạo bài bản; máy móc thiết bị còn lạc hậu do nhiều năm không được đầu tư. Bên cạnh đó, thông tin và công tác thị trường của các DN cũng còn nhiều khó khăn, nguyên phụ liệu không ổn định phụ thuộc vào NK.

Với vai trò của mình Trung tâm Công nghiệp hỗ trợ đã làm gì đã hỗ trợ DN khắc phục những hạn chế nêu trên, thưa bà?

Trong quá trình đồng hành cùng các DN, thời gian qua, Trung tâm Công nghiệp hỗ trợ đã tập trung vào các hoạt động hỗ trợ DN cải tiến năng suất qua việc áp dụng tiêu chuẩn, công cụ quản lý và hỗ trợ DN tiếp cận các chính sách kích cầu đầu tư, kết nối cơ hội kinh doanh với các đối tác. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành CNHT như đẩy mạnh công tác truyền thông, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển CNHT giúp các DN nâng cao năng lực sản xuất.

Bên cạnh đó, TP HCM còn liên tục triển khai các hoạt động xúc tiến, tổ chức kết nối giữa DN CNHT trong nước với các DN FDI thông qua các chương trình như "Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp CNHT” tổ chức vào giữa tháng 3/2018 với sự tham gia của 17 DN FDI/DN sản xuất công nghiệp đầu cuối với nhu cầu hơn 250 cụm chi tiết/linh kiện cần tìm kiếm nhà cung ứng và sự tham gia của 80 DN CNHT trong nước; Hội nghị thảo luận chuyên sâu về các dịch vụ và sản phẩm tài chính dành cho DN CNHT tổ chức vào giữa tháng 5/2018 kết nối cho 17 DN và hội ngành nghề với nhóm Ngân hàng thế giới và tổ chức tín dụng; Chương trình Giao lưu DN sản xuất CNHT của Việt Nam với cộng đồng DN Nhật Bản” tại TP HCM tổ chức vào cuối tháng 5/2018 với sự tham gia của 10 DN Việt Nam. Mỗi DN Việt Nam tiếp xúc trực tiếp từ 3- 6 DN Nhật Bản và Hội nghị tìm kiếm nhà cung ứng cho các DN FDI trong Khu công nghệ cao TP HCM tổ chức vào cuối tháng 8 kết nối cho 16 DN CNHT với 3 DN FDI (Samsung, Nidec, Sonion)...

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục hỗ trợ các DN CNHT cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững, TP HCM còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ và nâng cao năng lực quản lý chất lượng cho DN CNHT thông qua các chương trình như: Chương trình đào tạo DN phát triển bền vững (SCORE); Chương trình đào tạo DN phát triển toàn cầu của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Chương trình tư vấn cải tiến cho DN Việt Nam của Samsung; Chương trình đào tạo tư vấn viên về năng suất và chất lượng cho các DN Việt Nam, Chương trình thí điểm Phát triển nhà cung cấp (SDP) đầu tiên tại Việt Nam do Cục công nghiệp – Bộ Công Thương phối hợp cùng Tổ chức Tài chính quốc tế/Nhóm Ngân hàng Thế giới (IFC/WB) tổ chức.

Vậy về phía các DN thì cần phải làm gì, thưa bà?

Chúng tôi nhận thấy quan trọng nhất để DN CNHT đáp ứng được các đơn hàng, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là phải có kế hoạch dài hạn và sự chủ động. Kế hoạch dài hạn phải bắt đầu tư tư duy của người lãnh đạo. Lãnh đạo các DN phải xác định được triết lý kinh doanh cho riêng mình. Tư duy của người lãnh đạo DN cũng phải xác định rằng khi tham gia vào chuỗi cung ứng thì phải có sự chuẩn bị về năng lực cung ứng bao gồm cả chất lượng và cả kế hoạch nhân sự. Thứ 2 là hệ thống sản xuất, qua đánh giá hệ thống máy móc thiết bị của nhiều DN chưa có hiệu suất đạt công suất. DN cũng chưa có sự đầu tư về nguồn nhân lực để có sự phối hợp máy móc thiết bị và nguồn nhân lực để ra hiệu quả sản xuất tối ưu. Ngoài ra, các DN phải chuẩn bị tư thế cho mình tham gia vào chuỗi cung ứng là thực thi các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, tiêu chuẩn môi trường, độ minh bạch về tài chính...

TP HCM triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ và nâng cao năng lực quản lý chất lượng cho DN CNHT.

Nhiều ý kiến cho rằng, các DN CNHT Việt Nam mới chỉ bán những gì mình có, chứ chưa quan tâm đến thị trường cần gì dẫn đến việc kết nối thị trường còn lỏng lẻo và kết nối với các nhà sản xuất sản phẩm đầu cuối không chặt chẽ. Đây cũng là lý do DN khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Để khắc phục vấn đề này, theo bà, DN cần làm gì và các cơ quan có giải pháp gì để hỗ trợ DN kết nối với thị trường?

Thực tế là hiện nay các DN cũng có hạn chế trong việc tìm hiểu những nhu cầu của thị trường, đặc biệt đối với các sản phẩm chi tiết linh kiện khi sự thay đổi chóng mặt của ngành điện tử sẽ tác động đến ngành CNHT của Việt Nam. Để làm được điều này Sở Công Thương TP HCM đã chỉ đạo trung tâm phát triển CNHT phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện kết nối trực tiếp các DN CNHT với người mua để làm sao các DN nắm rõ người mua đang tìm cái gì. Về phía các DN phải nhìn lại phương thức sản xuất của mình, đã đến lúc các DN phải thay đổi phương thức sản xuất, tăng cường học hỏi từ các chuyên gia để làm sao có phương thức sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó, DN phải chuẩn bị về năng lực tài chính ổn định, bền vững và năng lực cung ứng đã được áp dụng các quy chuẩn tốt để thường xuyên cập nhật, tiếp cận với người mua. Giữa tháng 10 vừa qua, Trung tâm Công nghiệp hỗ trợ đã phối hợp với Jettro tổ chức một triển lãm về CNHT, trong đó, ngoài hoạt động trưng bày các sản phẩm CNHT mà DN Nhật Bản muốn mua còn có các hoạt động kết nối các DN CNHT Việt Nam với người mua Nhật Bản. Qua triển lãm này các DN đã tự tin hơn và có sự tiếp cận rất tốt với các khách hàng Nhật Bản. Các DN Nhật Bản tại Việt Nam hiện rất quan tâm đến việc tìm kiếm nguồn cung ứng CNHT từ trong nước, yêu cầu về đơn hàng của các DN Nhật cũng rất phù hợp với quy mô sản xuất của các DN Việt Nam. Đây là cơ hội rất tốt cho các DN CNHT của Việt Nam. Tuy nhiên, để tham gia vào chuỗi và các hợp đồng cung ứng thì DN Nhật Bản lại đòi hỏi rất cao về chất lượng, chữ tín, sự trung trung thực và năng lực thực thi, do vậy các DN Việt Nam cũng phải cố gắng rất nhiều.

Xin cảm ơn bà!

Ông Idei Ippei, nghiên cứu cấp cao của JETRO:

Theo kết quả khảo sát của JETRO trong năm 2017 cho thấy, tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam là 33,2%, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan. Trong đó, tỷ lệ cung ứng từ các DN nội địa Việt Nam chỉ đạt trên 13%, trong khi Trung Quốc là 40%, Thái Lan gần 24%...Trong khi đó, nhu cầu tìm kiếm nguồn cung ứng tại chỗ của các DN Nhật Bản là rất lớn. Khoảng 80% các DN được khảo sát gần đây cho biết, sẽ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa lên, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cũng như giảm chi phí. Đồng thời, 64% DN Nhật Bản cũng mong muốn tăng tỷ lệ cung ứng nội địa để rút ngắn thời gian giao hàng.

Ông Nguyễn Trọng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH CNS AMURA PRECISION:

Để tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN nước ngoài, các DN phải nắm rõ được các thông tin về đối tác, về yêu cầu chất lượng, về khả năng đáp ứng của mình. Bên cạnh đó, các đối tác nước ngoài, đặc biệt là đối tác Nhật Bản cũng yêu cầu rất cao về sự thành thật, chữ tín và việc thực hiện các kế hoạch đã cam kết. Đặc biệt, khi có vấn để phát sinh hai bên phải cùng hợp tác để giải quyết thì mới có thể hợp tác lâu dài.

Ông Yoshihide Osuga, đại diện Công ty Mitshubishi:

Sau khi khảo sát và tham quan gian hàng của các DN Việt Nam tại một số triển lãm gần đây tôi thấy tay nghề của các DN Việt Nam ngày càng được nâng cao, theo đà này có thể đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi. Tuy nhiên, các DN Việt Nam cần lưu ý hơn tới độ chính xác, chất lượng đồng đều của các đơn hàng cũng quan trọng. Đây là việc các công ty Việt Nam có thể làm được. Mitshubishi kỳ vọng có thể hợp tác với các DN Việt Nam trong các đơn hàng tới đây.

N.H (ghi)

Hải Anh ( thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doanh-nghiep-can-chu-dong-nang-cao-nang-luc-cung-ung.aspx