'Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các ngân hàng'

Đại diện các doanh nghiệp gỗ cho biết cần sự hỗ trợ để vực dậy tình hình kinh doanh trong dịch Covid-19, từ phía Chính phủ hoặc các ngân hàng.

Chia sẻ tại Hội thảo Hồi phục, bứt phá và tăng tốc phát triển ngành gỗ sau đại dịch chiều 28/4, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết các doanh nghiệp trong ngành chưa nhận được hỗ trợ theo các chính sách Chính phủ đã đưa ra.

Cần đẩy nhanh thực thi chính sách

"Tiêu biểu là Nghị định 41 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất được ban hành từ ngày 8/4 nhưng vừa qua chúng tôi vẫn nhận thông báo nộp thuế liên tục. Các gói hỗ trợ là để doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh, dần khôi phục và phát triển", ông chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Huỳnh Quang Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), đồng thời là Tổng giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, đề xuất các ngân hàng chung tay với doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

"Ngân hàng chính là 'máy trợ thở' của chúng tôi nhưng lại vịn vào cớ rủi ro cao thì lãi suất phải cao. Tôi nghĩ Chính phủ nên có ban ngành kiểm soát chặt chẽ và đẩy nhanh việc thực thi chính sách để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp", ông Huỳnh Quang Thanh nêu quan điểm.

Ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng chưa nhận được hỗ trợ.

Năm 2020, ngành gỗ đặt mục tiêu 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nhưng theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vifores dự báo, “tăng trưởng trong xuất khẩu của ngành năm 2020 có thể bằng 0”.

Khảo sát do các hiệp hội gỗ thực hiện với 124 doanh nghiệp trong ngành vào cuối tháng 3 vừa qua cho thấy tất cả đơn vị bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khi 80% người mua dừng hoặc hủy đơn hàng.

Trong số 124 doanh nghiệp này, 75% đơn vị cho biết thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 3.066 tỷ đồng, 50% phải thu hẹp quy mô sản xuất. Đặc biệt, chỉ có 7% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.

Đại dịch cũng tác động tới khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu và chế biến, tiêu thụ trong nước. Cụ thể, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi - nguồn cung gỗ nguyên liệu nhiệt đới lớn nhất cho Việt Nam đã dừng hẳn, trong khi lượng nhập gỗ ôn đới giảm 70%. Bên cạnh đó, giá gỗ nguyên liệu và cước vận chuyển cũng tăng.

Nhu cầu tiêu dùng gỗ trong các dự án dân sinh và công cộng hiện không nhiều. Tình trạng này khiến các làng nghề giảm 80% hoạt động sản xuất, khoảng 50-60% xưởng xẻ sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước cũng dừng hoạt động.

Linh hoạt tận dụng tối đa các cơ hội

Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành, bên cạnh các gói hỗ trợ riêng cho các đối tượng chịu thiệt hại bởi Covid-19 chưa được hấp thụ trên thực tế, doanh nghiệp cần chủ động tận dụng các cơ hội sẵn có khác.

Hiện nay, Chính phủ đang chủ trương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng cường mua sắm công để khôi phục kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội. Nếu sớm tìm hiểu và đón đầu việc triển khai các kế hoạch này, doanh nghiệp ngành gỗ có thể gia tăng thị trường nội địa.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng khẳng định, thông qua việc thực hiện chính sách mua sắm công đồ gỗ, Chính phủ có thể dẫn dắt phát triển thị trường nội địa, ưu tiên sử dụng các sản phẩm gỗ hợp pháp và bền vững cho các công trình công cộng, khuyến khích doanh nghiệp và các làng nghề tham gia cung cấp các sản phẩm này.

Bên cạnh đó, ông Võ Trí Thành cho rằng các doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận toàn bộ nền kinh tế với nhiều ngành hàng, lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các lĩnh vực có thể là đầu ra của ngành gỗ như xây dựng, bất động sản để nắm bắt cơ hội.

Ông đánh giá những doanh nghiệp còn duy trì hoạt động kinh doanh hiện nay đều có khả năng linh hoạt thị trường và đối tác. Bên cạnh áp dụng công nghệ số, chuyển đổi mô hình kinh doanh online hay tìm kiếm thị trường mới, ông đề xuất doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu hoặc gắn thêm vào sản phẩm của mình một số tính năng cần thiết trong giai đoạn dịch bệnh.

Thậm chí, khi thị trường Trung Quốc dần ổn định nhưng các nhà cung cấp nội địa hoặc quốc tế chưa kịp phục hồi, Việt Nam có thể tận dụng giai đoạn này để gia tăng thị phần trong ngắn hạn, đồng thời chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng ở thị trường đông dân này thông qua chất lượng sản phẩm.

"Đây là giai đoạn tư duy lại, lập chiến lược lại. Doanh nghiệp cần linh hoạt, bình tĩnh và hướng theo xu thế để trụ vững", TS Võ Trí Thành chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cũng nêu 3 tiêu chí quan trọng nhất để doanh nghiệp phục hồi là tốc độ, sáng tạo và tinh thần lạc quan.

Trong khi đó, Vụ trưởng Nông nghiệp Phạm Mạnh Cường bày tỏ mong muốn doanh nghiệp bình tĩnh phân tích tình hình để có chiến lược kinh doanh hiệu quả, đồng thời không ngừng kiến nghị, đề xuất với Chính phủ để các chính sách đưa ra có giá trị thực tiễn hơn.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-can-som-duoc-ho-tro-post1078679.html