Doanh nghiệp cao su thiên nhiên 'thấm đòn'

Tình trạng cung vượt cầu kéo dài cùng với những tác động của tình hình chính trị, thương mại thế giới đã khép lại thời 'hoàng kim' của ngành cao su thiên nhiên. Từ mặt hàng được ví như 'vàng trắng', cao su thiên nhiên ngày càng giảm giá, khiến các DN khai thác cao su thiên nhiên đối mặt với tình trạng sụt giảm kéo lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.

Triển vọng giá cao su được dự báo không mấy lạc qua do thị trường cao su toàn cầu vẫn trong tình trạng dư cung, giao dịch ảm đạm.

Phú quý giật lùi

Công ty CP Cao su Hòa Bình (HRC) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2018 với doanh thu và lợi nhuận cùng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu quý III/2018 của HRC đạt 51,6 tỷ đồng, giảm 26% so với quý III/2017. Nhờ giá vốn có mức giảm mạnh hơn, giảm 29%, nên lợi nhuận gộp trong kỳ đạt được gần 8,2 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau khi trừ các chi phí, đặc biệt là khoản chi phí tài chính tăng mạnh 75%, lợi nhuận trước thuế của HRC còn lại chỉ 971 triệu đồng, giảm 59% so với quý III/2017. Lũy kế 9 tháng năm 2018, lãi trước thuế của HRC chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo giải trình của ban lãnh đạo công ty, dù sản lượng tiêu thụ trong quý III năm nay tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá bán mủ cao su lại giảm sâu. Đây chính là nguyên nhân khiến cho lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của công ty trong quý III/2018 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, chi phí lãi vay vốn lưu động tăng cao cũng góp phần kéo giảm lợi nhuận của công ty.

Tương tự HRC, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 của Công ty CP Cao su Tây Ninh (TRC) cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. Cụ thể, doanh thu quý III của công ty “bốc hơi” 27% so với cùng kỳ năm 2017, chỉ đạt 93 tỷ đồng. Mặc dù các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN đều được tiết giảm so với cùng kỳ năm trước, song lãi trước thuế của công ty vẫn giảm mạnh chỉ bằng ¼ của quý III/2017 với vỏn vẹn trên 8 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2018, lợi nhuận trước thuế của TRC sụt giảm 40%, đạt xấp xỉ 64 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại Công ty CP Cao su Phước Hòa (PHR), sản lượng tiêu thụ cao su trong quý III/2018 thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 700 tấn thành phẩm. Trong khi đó, giá bán cũng giảm 5,25 triệu đồng/tấn, tương đương mức giảm 14%. Do đó, lợi nhuận kinh doanh mủ cao su sụt giảm 885 triệu đồng, tương đương mức giảm gần 75% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điểm tích cực là lợi nhuận từ hoạt động tài chính trong kỳ của công ty tăng tới 30 tỷ đồng, chủ yếu do thu nhập từ cổ tức của các hoạt động đầu tư liên doanh liên kết tăng. Ngoài ra, hoạt động thanh lý cây cao su cũng giúp lợi nhuận khác của công ty tăng thêm 51%. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế trong kỳ tăng 75% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 216 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, công ty đạt 666 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước, lãi trước thuế đạt 425 tỷ đồng, tăng 49%. Sự tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng của công ty chủ yếu cũng đến từ hoạt động tài chính và việc thanh lý cây cao su.

Đặc biệt, Công ty CP Cao su Tân Biên – Kampong Thom thậm chí còn lỗ trước thuế tới 6,8 tỷ đồng trong quý III/2018, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 2,2 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2018, công ty lỗ trước thuế gần 27 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước số lỗ chỉ ở mức 6,7 tỷ đồng.

Triển vọng chưa sáng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá mủ cao su tiếp tục sụt giảm trong tháng 9/2018. Cụ thể, tại Bình Phước, giá thu mua mủ cao su giảm từ mức 255 đồng/độ xuống 240 đồng/độ. Tại Đồng Nai, giá mủ tiếp tục giảm 500 đ/kg, từ 12.500 đ/kg xuống còn 12.000 đ/kg. Nguyên nhân giảm do mưa tập trung kéo dài, làm gián đoạn việc khai thác mủ tại nhiều nơi, nhất là khu vực Tây Nguyên, Lào và một số nơi ở miền Đông Nam Bộ. Riêng khu vực Tây Nguyên bị ảnh hưởng nặng của bệnh rụng lá mùa mưa. Sức tiêu thụ rất chậm, giá cao su giống cũng giảm chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, giá cao su nguyên liệu trong nước tiếp tục giảm trong thời gian tới với bối cảnh thị trường cao su toàn cầu dư cung, giao dịch ảm đạm.

Cùng với thị trường nội địa, hoạt động xuất khẩu trong tháng 9 cũng ảm đạm, với mức giảm lần lượt 10,7% và 9,6% về lượng và giá trị so với tháng 8/2018. Nguyên nhân, do giá cao su trên thị trường thế giới biến động không đồng nhất so với tháng 8/2018 đã tác động đến tình hình xuất khẩu cao su của Việt Nam. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 9/2018, Việt Nam đã xuất khẩu trên 1 triệu tấn cao su, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 8,3% về lượng nhưng giảm 11,9% trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất bình quân 1.381,07 USD/tấn, giảm 18,6%.

Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều có sự sụt giảm. Trong đó, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tăng 8,6% về lượng nhưng giảm 12,53% về trị giá, giá xuất khẩu giảm 19,47%. Tương tự, xuất khẩu sang EU cũng giảm gần 4% về lượng và 22,4% trị giá so với cùng kỳ. Nhiều thị trường khác cũng có kim ngạch sụt giảm mạnh là Séc giảm 83%, Singapore giảm 68%...

Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, từ đầu năm 2018 đến nay, giá cao su trong nước luôn ở mức thấp do nguồn cung toàn cầu tăng cao, trong khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc kéo dài khiến cho ngành cao su Việt Nam cũng bị tác động, bởi mặt hàng lốp xe ô tô nằmtrong danh sách các mặt hàng chịu thuế bổ sung 10% của Mỹ. Dự báo giá cao su trên thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu sự chi phối bởi diễn biến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và tồn kho cao su vẫn ở mức cao. Các DN xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn do nhu cầu thấp từ các nước nhập khẩu cao su chủ chốt.

Do đó, Hiệp hội cao su khuyến cáo các DN cần chủ động tìm kiếm đối tác mới để tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống trong thời kỳ ngành cao su thiên nhiên còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, để tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ hội nhập trong việc mở rộng thị trường, các DN cần tập trung xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam. Đồng thời, để thu được giá trị cao hơn, các DN Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu các sản phẩm cao su thay vì xuất thô như hiện nay.

Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi đầu năm, các DN cao su thiên nhiên đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 dựa trên mức giá bán cao su khoảng 36,5-37 triệu đồng/tấn, giảm đáng kể so với mức bình quân khoảng 40 triệu đồng/tấn trong năm 2017 (giảm khoảng 8%). Tuy nhiên, giá cao su từ đầu năm đến nay tiếp tục có những diễn biến bất lợi, trái với dự báo của các DN. Theo đó, mức giá xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay đã giảm 18,6% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 1.381 USD/tấn, tương đương chưa tới 32 triệu đồng/tấn. Mức giá này đã khiến việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch của các DN gặp nhiều khó khăn. Theo đó, đến hết quý III, HRC mới hoàn thành được gần 48% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018; TRC đạt gần 57%. Riêng PHR, nhờ nguồn thu từ hoạt động tài chính và thanh lý cây cao su nên công ty đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 2018.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doanh-nghiep-cao-su-thien-nhien-tham-don.aspx