Doanh nghiệp chật vật thích ứng khi tiêu dùng dịch vụ tăng, mua sắm giảm

Khi người tiêu dùng chuyển sang chi tiêu cho các dịch vụ nhiều hơn, các nhà bán lẻ ở phương Tây đã không kịp trở tay và phải 'cắn răng' bán giảm giá một loạt sản phẩm để giải phóng hàng tồn kho. Ở chiều ngược lại, các công ty hoạt động trong ngành dịch vụ cũng không lường được nhu cầu tăng mạnh như hiện nay, dẫn đến những hỗn loạn và căng thẳng, khiến khách hàng bất mãn.

Nhu cầu mua sắm trực tuyến lắng xuống

Một số chuỗi siêu thị bán lẻ ở Mỹ, bao gồm Target, giảm giá các sản phẩm tiêu thụ chậm đến 50% để giải phóng hàng tồn kho. Ảnh: AP

Một số chuỗi siêu thị bán lẻ ở Mỹ, bao gồm Target, giảm giá các sản phẩm tiêu thụ chậm đến 50% để giải phóng hàng tồn kho. Ảnh: AP

Trong gần hai năm, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy tốc độ mua sắm trực tuyến của mọi thứ, từ thiết bị điện tử, đồ nội thất văn phòng, gia đình cho đến dụng cụ nấu ăn, dụng cụ làm vườn… Nhu cầu về hàng hóa tăng cao đã làm trầm trọng thêm những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng đồng thời khiến giá cả tăng vọt, ngay cả khi các lệnh phong tỏa làm sụp đổ dòng tiền chi tiêu cho hoạt động du lịch và giải trí.

Nhưng giờ đây, các nền kinh tế phương Tây đang tái cân bằng trở lại theo hướng chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ và hạn chế mua sắm hàng hóa vào thời điểm mà mối lo ngại về lạm phát đang tăng cao và thị trường lao động vẫn còn thắt chặt. Sự thay đổi đó đã khiến các doanh nghiệp lớn ở cả hai phía hàng hóa bất ngờ và phải chật vật để thích ứng.

3/4 số việc làm tăng trưởng trong tháng trước ở Mỹ, tương đương khoảng 400.000 việc làm mới, đã thuộc về lĩnh vực dịch vụ. Chi tiêu cho dịch vụ sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát của người Mỹ tiếp tục tăng, trong khi đó, chi tiêu của họ cho hàng hóa đã đạt đỉnh vào năm ngoái. Ngay cả chi tiêu cho quần áo, vốn bùng nổ sau khi các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 được dỡ bỏ, cũng bắt đầu giảm trong thời gian gần đây. Tại Anh, tổng chi tiêu mua sắm đồ nội thất, đèn điện và đồ gia dụng đã giảm xuống dưới mức của năm 2019.

Các nhà bán lẻ hàng tiêu dùng và các công ty thương mại điện tử được hưởng lợi trong thời kỳ dịch bệnh đã kỳ vọng rằng thời kỳ kinh doanh tốt đẹp sẽ tiếp tục kéo dài. Nhưng điều đó đã không xảy ra và họ đã bị tác động nặng nề. Các chuỗi siêu thị bán lẻ lớn như Target và Walmart (Mỹ), những công ty đã kiếm được lợi nhuận lớn hồi năm ngoái bằng cách tích trữ hàng tồn kho và trả thêm tiền để vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, hiện đang phải giảm giá bán hàng loạt mặt hàng cũng như hủy đơn đặt hàng để giải phóng lượng hàng tồn đọng quá lớn.

Các công ty thương mại điện tử như công ty bán thời trang nhanh và mỹ phẩm trực tuyến Asos của Anh cũng rơi vào tình trạng tương tự khi cơn sốt mua sắm online trong đại dịch Covid-19 chỉ là sự kiện diễn ra một lần chứ không tạo ra sự thay đổi về lâu dài để giúp họ tăng trưởng nhanh hơn.

Giá cả hàng hóa bán trực tuyến nói chung ở Mỹ đã giảm trong tháng 7, lần đầu tiên kể từ tháng 5 -2020, với xu hướng giảm giá được ghi nhận ở 14 trong số 18 danh mục hàng hóa được Adobe theo dõi. Hàng điện tử tiêu dùng, danh mục thương mại điện tử lớn nhất, chứng kiến mức giảm giá 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, khi nhu cầu nâng cấp văn phòng làm việc tại nhà bắt đầu giảm xuống.

Ngành dịch vụ căng thẳng vì không theo kịp nhu cầu

Hành khách rồng rắn xếp hàng để làm thủ tục check in ở sân bay quốc tế tại Frankfurt, Đức hồi cuối tháng 7. Ảnh: AP

Giờ đây, chính các nhà cung cấp dịch vụ cũng đang xoay xở để theo kịp nhu cầu. Sau hai năm kinh doanh ảm đạm do tình trạng phong tỏa và nhu cầu giảm, doanh số của họ đang phục hồi mạnh mẽ. Tập đoàn truyền thông và giải trí Walt Disney (Mỹ) báo cáo doanh thu kỷ lục ở bộ phận công viên chủ đề, còn chuỗi khách sạn Marriott công bố về kết quả kinh doanh vượt trội. Hai hãng bay của Mỹ American Airlines và United Airlines đều có lãi trở lại lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng toàn cầu.

Nhưng đằng sau những con số màu hồng đó là một số căng thẳng ngày càng tồi tệ hơn. Hàng ngàn chuyến bay bị hủy, các quán bar, khách sạn, nhà hàng thiếu nhân viên… là tình trạng phổ biến ở các nước phương Tây trong những tháng qua. Chẳng hạn, hãng bay Deutsche Lufthansa (Đức) đã phải cắt giảm hàng ngàn chuyến bay để giảm tải cho sân bay chính của hãng ở Frankfurt, vốn đang thiếu nhân viên mặt đất trầm trọng.

Mức độ hài lòng của khách hàng đối với các hãng bay, khách sạn và nhà hàng thức ăn nhanh của Mỹ đều giảm trong năm nay, với các cuộc khảo sát ghi nhận sự sụt giảm lớn trong thang điểm hài lòng về tốc độ phục vụ, mức độ sạch sẽ, cùng những tiêu chí khác.

Các doanh nghiệp dịch vụ ở châu Âu cũng chứng kiến những căng thẳng tương tự. Sân bay Heathrow ở London (Anh) và sân bay Schiphol ở Amsterdam (Hà Lan) phải giới hạn số lượng hành khách, và các hãng hàng không trên khắp lục địa này phải cắt giảm lượng vé máy bay giá rẻ.

Các lãnh đạo trong ngành dịch vụ thường đổ lỗi vấn đề này là do thiếu nhân viên, mặc dù đã nỗ lực tuyển dụng với mức lương cao hơn.

Aaron Cheris, nhà tư vấn ở Công ty tư vấn quản lý Bain, cho biết một số nhu cầu về dịch vụ bị kìm hãm một cách bất thường. Khách hàng cho biết tốc độ phục vụ ở một chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh đang chậm lại vì không có đủ nhân viên.

Triển vọng kinh doanh bất ổn

Câu chuyện thiếu nhân viên cũng đặt các nhà cung cấp dịch vụ du lịch và khách sạn vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ muốn tăng tốc tuyển dụng để tận dụng nhu cầu đang bung ra sau một thời gian dài bị dồn nén và giành lấy thị phần, nhưng cũng sợ không kịp trở tay giống như các nhà cung cấp hàng hóa, nếu như tâm lý của người tiêu dùng thay đổi một lần nữa.

Các cuộc khảo sát cho thấy người tiêu dùng phương Tây đang lo lắng trước đà tăng giá nhanh chóng của thực phẩm và năng lượng. Mặc dù đà tăng giá bắt đầu hạ nhiệt, nhưng người tiêu dùng đang cân nhắc giảm ngân sách chi tiêu, một điềm báo xấu cho các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ không thiết yếu.

Các cuộc khảo sát người tiêu dùng định kỳ của McKinsey trong tháng 7 cho thấy 39% người dân châu Âu có kế hoạch chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng mua sắm tùy ý phi thực phẩm trong 3 tháng tới, một phần vì họ dự kiến phải tốn nhiều ngân sách hơn cho thực phẩm và năng lượng. Ở Anh, 2/3 lượng người mua sắm bắt đầu mua quần áo và đồ điện tử ít hơn hoặc rẻ hơn, theo một cuộc khảo sát của hãng kiểm toán Ernst & Young.

Các doanh nghiệp dịch vụ có thể không tránh được viễn cảnh này. Hơn một nửa số người tiêu dùng ở Anh nói với Ernst & Young rằng họ có kế hoạch tiết kiệm tiền bằng cách chi tiêu ít hơn cho dịch vụ mua sắm và giao hàng tận nhà. Trong khi đó, tăng trưởng chi tiêu cho du lịch ở Mỹ đã gần như đi ngang trong tháng 7, ngay cả khi tổng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong tháng đó tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Earnest Research. .

Những tháng tới sẽ đặc biệt khó dự báo đối với những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Các nhà bán lẻ phải tính toán kỹ để đặt hàng chuẩn bị cho mùa mua sắm cao điểm dịp Giáng sinh. Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ khách sạn phải cân nhắc liệu xu hướng số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại kết hợp với nỗi lo kinh tế suy thoái có khiến nhu cầu du lịch chùng xuống hay không.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-chat-vat-thich-ung-khi-tieu-dung-dich-vu-tang-mua-sam-giam/