Doanh nghiệp châu Âu muốn Bộ Y tế bỏ xét duyệt nội dung quảng cáo mỹ phẩm

Đề nghị gửi tới Bộ Y tế trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2019 sắp diễn ra, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) kiến nghị Bộ bãi bỏ, cắt giảm một loạt thủ tục hành chính.

Doanh nghiệp châu Âu muốn Bộ Y tế kiểm soát nội dung quảng cáo bằng hậu kiểm.

Về xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm, các doanh nghiệp châu Âu cho rằng, việc yêu cầu xác nhận nội dung quảng cáo trước khi thực hiện quảng cáo không có ý nghĩa nhiều về mặt quản lý và xử lý các vi phạm so với việc hậu kiểm, cụ thể tăng cường thanh kiểm tra trên thị trường giúp phát hiện và xử lý vi phạm hiệu quả hơn.

Đây cũng là hình thức quản lý của nhiều quốc gia khi không yêu cầu phê duyệt nội dung quảng cáo bởi cơ quan có thẩm quyền (Ví dụ như: châu Âu, Australia, New Zealand, Mỹ, Canada, Singapore, Philippines, Thái Lan). Trong khi đó điều này lại hạn chế sự tăng trưởng của ngành mỹ phẩm, giảm cơ hội kinh doanh cũng như làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Do đó, EuroCham đề xuất bãi bỏ yêu cầu phê duyệt nội dung quảng cáo mỹ phẩm và đề nghị quy trình nộp hồ sơ lưu phục vụ cho hậu kiểm cần đơn giản, nhanh gọn hơn, không yêu cầu thời gian chờ nhằm đảm bảo tính nhất quán trong hệ thống pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Được biết, trong dự thảo nghị định sửa đổi một số điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã bãi bỏ yêu cầu này. EuroCham hy vọng nghị định sửa đổi sẽ sớm được ban hành và đưa vào thực tiễn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng đề nghị Bộ bãi bỏ yêu cầu Giấy chứng nhận lưu hành tự do (“CFS”) từ các nước xuất khẩu cho mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam.

Lý do được Eurocham đưa ra là: CFS chỉ là giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc nước sản xuất cấp để chứng nhận mỹ phẩm đó có thể được bán tại nước xuất khẩu. Giấy chứng nhận này không chứng nhận về chất lượng cũng như sự an toàn của sản phẩm. Trong nhiều trường hợp, sản phẩm được cấp CFS không thực sự được lưu hành tại quốc gia cấp CFS.

Vì vậy, việc yêu cầu phải nộp CFS khi công bố sản phẩm mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn của sản phẩm mà lại là gánh nặng thủ tục hành chính không cần thiết. Vì vậy, EuroCham đề nghị Bộ có kế hoạch cụ thể cho việc bãi bỏ CFS cho các nước nằm ngoài Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (“CPTPP”).

Ngoài ra, một số doah nghiệp xuất khẩu thực phẩm cũng đề nghị Bộ Y tế cắt giảm thủ tục hơn nữa.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, họ phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí để có được giấy chứng nhận y tế. Tuy nhiên, giấy chứng nhận y tế chỉ có giá trị cho từng lô hàng. Như vậy, doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu cho cùng một mặt hàng thực phẩm ra nước ngoài nếu có nhiều lô hàng khác nhau thì doanh nghiệp đó vẫn phải lặp lại quy trình trên cho từng lô hàng đó. Điều đó trở nên một rào cản lớn ảnh hưởng tới tiến độ xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.

Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị nên giảm tần xuất kiểm nghiệm từ tất cả các lô hàng xuất khẩu xuống 1 lần/năm đối với các sản phẩm được sản xuất tại các cơ sở áp dụng một trong các hệ thống quản lý GMP, ISO 22000, HACCP, IFC, FSSC 22000, BRC hoặc tương đương. Đồng thời, giảm thời gian cấp giấy chứng nhận y tế từ 2 tuần xuống 3 ngày làm việc.

H.T

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-chau-au-muon-bo-y-te-bo-xet-duyet-noi-dung-quang-cao-my-pham-d114105.html