Doanh nghiệp 'chây ì', dân bất an

Đã hơn 8 tháng kể từ khi hết hạn khai thác cát tại mỏ Bãi Trằm (xã Lộc Tiến, H. Phú Lộc, TT-Huế), nhưng Cty Cổ phần Vật liệu Xây dựng 368 (Cty 368) vẫn chưa chịu hoàn thổ, để lại nhiều hố sâu gây sạt lở, nguy hiểm đến tính mạng người dân. Điều đáng nói, chính quyền địa phương đã nhiều lần liên lạc với doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Đã hơn 8 tháng kể từ khi hết hạn khai thác cát tại mỏ Bãi Trằm (xã Lộc Tiến, H. Phú Lộc, TT-Huế), nhưng Cty Cổ phần Vật liệu Xây dựng 368 (Cty 368) vẫn chưa chịu hoàn thổ, để lại nhiều hố sâu gây sạt lở, nguy hiểm đến tính mạng người dân. Điều đáng nói, chính quyền địa phương đã nhiều lần liên lạc với doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Sau khi “ăn hết” cát ở mỏ Bãi Trằm, Cty 368 để lại những hố sâu nguy hiểm và mặt bằng nham nhở.

Dân lo lắng

Năm 2015, Cty 368 được UBND tỉnh TT-Huế cấp phép khai thác cát tại Bãi Trằm với diện tích 3ha, sâu 3 mét so với hiện trạng, trữ lượng 65.000m3. Mỏ cát này được cấp để làm vật liệu san lấp, chủ yếu phục vụ Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A qua địa bàn TT-Huế. Giấy phép khai thác khoáng sản có hạn đến tháng 12-2018. Thế nhưng, đến nay đã quá hạn hơn 8 tháng nhưng doanh nghiệp này vẫn không chịu hoàn thổ mặt bằng. Nhiều người dân sống cạnh mỏ cát Bãi Trằm bức xúc cho biết, từ khi mỏ cát được hình thành, cuộc sống người dân trong khu vực bị đảo lộn. Trước đó, nhiều xe tải liên tục ra vào, cày nát cả tuyến đường dân sinh đi vào khu sinh thái Suối Voi khiến bụi bay mù mịt, trên đường xuất hiện nhiều “ổ gà”, “ổ voi” khiến giao thông đi lại khó khăn. Việc khai thác cát còn khiến nhiều diện tích ruộng vườn và nhiều diện tích keo tràm của dân sạt lở nặng...

Có mặt tại mỏ cát Bãi Trằm vào một ngày giữa tháng 9, sau khi hàng chục ngàn khối cát được lấy đi đã để lại nhiều hố sâu hoắm, bán kính rộng hàng chục mét. Tại đây, không một hàng rào che chắn, xuất hiện nhiều “hàm ếch” ăn sâu vào nhà dân. Tình trạng sạt lở hai bên hố cũng xuất hiện rất nhiều, cây cối của người dân xói rễ, ngã đổ và chết héo. “Mấy trận mưa vừa rồi, không đêm nào, gia đình tui chợp mắt được vì lo sợ sạt lở núi từ khu vực khai thác cát đổ xuống. Phía doanh nghiệp khai thác cát đã rời đi lâu rồi để 2 hồ chỉ cách nhà dân chừng 10 mét. Ở trên 2 hồ này là đồi núi, nếu mưa lớn thì đất đá rất dễ sập xuống. Buổi chiều, trẻ em trong xóm thường ra đây chơi nên rất nguy hiểm, chỉ sơ sẩy một chút là không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Rồi còn người dân hàng ngày vào đây trồng keo nên tâm lý lúc nào cũng lo sợ đuối nước”- bà Lê Thị M. (trú thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến) lo lắng.

Ông Vương Đình Cẩm - Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết, mấy tháng nay, người dân liên tục phản ánh, kêu cứu đến xã và xã vẫn đang tiếp tục đề xuất cấp trên nhanh chóng xử lý doanh nghiệp để sớm hoàn thổ, lấp các hồ nước. Theo ông Cẩm, khu vực khai thác của Cty 368 rất dễ xảy ra sạt lở núi. Nếu không sớm hoàn thổ sẽ xảy ra cảnh sạt lở tương tự như các hộ ở chân núi Phú Gia...

Không chịu nộp phạt

Ông Phan Văn Trọng - Trưởng phòng TN&MT H. Phú Lộc cho rằng, việc khai thác cát của Cty 368 từng vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác từ 1 mét đến dưới 2 mét và đã từng bị đình chỉ. Hiện nay, mỏ đã hết hạn và việc ảnh hưởng đến người dân đang hiện hữu... “Phòng đã đưa ra mức phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng do Cty 368 vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định. Sau đó đã nhiều lần gửi văn bản xử phạt, mời họp đến văn phòng Cty nhưng không có sự hồi âm nào. Tất cả nhân viên, giám đốc đều đã rời đi, gọi điện không liên lạc được. Như thế việc xử phạt cũng khó chứ chưa nói đến việc hoàn thổ...”- ông Trọng nói.

Còn ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Trưởng phòng TN&MT Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh TT-Huế thông tin thêm, Cty 368 đã vi phạm khi không hoàn thổ trong thời gian quy định. Ban sẽ báo cáo UBND tỉnh vì mỏ cát này do UBND tỉnh cấp phép. “Còn một phương án nữa là nhà nước sẽ dùng tiền ký quỹ môi trường của doanh nghiệp để hoàn thổ. Trường hợp doanh nghiệp tiếp tục chây ì, Ban sẽ quyết định sử dụng quỹ để hoàn thổ và cũng đảm bảo với người dân rằng sẽ hoàn thiện trước mùa mưa lũ”- ông Dũng thông tin. Tuy nhiên, theo một cán bộ phòng TN&MT H. Phú Lộc, doanh nghiệp này chỉ mới ký quỹ bảo vệ môi trường với mức hơn 200 triệu đồng trong tổng số 850 triệu đồng. Qua ước tính, số tiền trên chỉ mới đủ hoàn thổ khoảng 1/5 diện tích, đó là chưa nói đến kinh phí tu sửa đường sá hư hỏng do hậu quả của việc vận chuyển cát ra vào khu vực mỏ.

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/150_213074_doanh-nghiep-chay-i-dan-bat-an.aspx