Doanh nghiệp chây ỳ đóng bảo hiểm, Công đoàn đào tạo 50 luật sư xử lý

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết đang có đề án xây dựng lực lượng luật sư Công đoàn để chuyên xử lý những vụ việc liên quan đến pháp luật lao động (đến năm 2023 sẽ có 50 luật sư); nâng cao năng lực của cán bộ CĐ cấp cơ sở…

Theo ông Hiểu, đơn vị đang có đề án xây dựng lực lượng luật sư Công đoàn để chuyên xử lý những vụ việc liên quan đến pháp luật lao động

Theo ông Hiểu, đơn vị đang có đề án xây dựng lực lượng luật sư Công đoàn để chuyên xử lý những vụ việc liên quan đến pháp luật lao động

Nhiều vụ khởi kiện gặp khó vì pháp luật còn bất cập

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), tình trạng các doanh nghiệp (DN) chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) còn diễn ra khá phổ biến, nổi bật là nợ đóng, chậm đóng BHXH.

Đơn cử, năm 2017 tại 5 địa phương được đoàn liên ngành thực hiện giám sát có tổng số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) lên tới trên 332 tỉ đồng. Có 7/14 DN được giám sát thường xuyên chậm đóng, nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN (trong khoảng 1-3 tháng) với tổng số tiền chậm đóng và nợ đóng BHXH trên 28 tỉ đồng.

Tại 14 DN được giám sát, có trên 1.200 người lao động (NLĐ) thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nhưng chưa được DN thực hiện các thủ tục để tham gia theo quy định của pháp luật... Kết thúc giám sát, đoàn giám sát liên ngành đã đưa ra trên 130 kết luận, kiến nghị đối với các DN và cơ quan chức năng của 5 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tại thời điểm giám sát, gần 11 tỉ đồng tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN đã được các DN khắc phục.

Cũng theo ông Hiểu, Công đoàn (CĐ) Việt Nam với tư cách là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, trong những năm qua đã luôn chủ động trong việc tham gia, góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm; huy động và phối hợp nhiều nguồn lực khác nhau để cùng thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BHTN để đoàn viên, NLĐ tham gia được hưởng đúng, đủ, kịp thời chế độ, quyền lợi của mình.

“Tổ chức CĐ đã có nhiều nỗ lực trong việc khởi kiện các DN nợ BHXH. Tuy nhiên, từ phản hồi ở phía tòa án, chúng tôi rất tiếc đến nay nhiều vụ việc chưa được chính thức thụ lý. Theo giải thích của tòa án thì quy định của pháp luật hiện còn nhiều bất cập. Việc khởi kiện DN nợ BHXH chịu chi phối của Bộ Luật Tố tụng Dân sự, Luật CĐ, Luật BHXH năm 2014 và Bộ Luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, do các quy định và cách hiểu chưa đồng nhất nên tòa án các cấp vẫn từ chối thụ lý”, ông Hiểu cho biết thêm.

Đào tạo 50 luật sư để 'xử' doanh nghiệp chây ỳ đóng bảo hiểm

Ở góc độ là tổ chức đại diện cho NLĐ, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, CĐ là tổ chức đại diện đương nhiên của NLĐ, do vậy việc yêu cầu ủy quyền là không cần thiết. Ngoài ra, do chưa có sự đồng nhất của các luật trên, bởi có luật quy định CĐ cơ sở được khởi kiện, luật thì quy định phải có chữ ký ủy quyền của từng NLĐ - trong khi có những DN có tới hàng vạn lao động nên khi CĐ tiến hành khởi kiện, nộp hồ sơ thì nhiều nơi tòa án từ chối thụ lý.

Bên cạnh đó, rất ít cán bộ CĐ cơ sở "dám" đứng ra để khởi kiện chủ sử dụng lao động bởi sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Điều này khiến những vụ nợ BHXH bị kéo dài và lan rộng ra các DN nợ BHXH vì họ cho rằng pháp luật hình như đang bó tay trước hành vi vi phạm nợ BHXH. Ngoài ra, chúng ta đã có Bộ Luật Hình sự nhưng cũng chưa xử lý được DN nào do những vướng mắc mà chưa có hướng dẫn. Những yếu tố chưa thống nhất về mặt pháp luật là lý do dẫn đến việc khởi kiện DN nợ, trốn đóng BHXH chưa được thụ lý, giải quyết như mong muốn của tổ chức CĐ.

“Nhưng một tín hiệu tích cực ở đây là nhiều vụ việc khi đại diện CĐ có đơn chuyển cho TAND, ngay lập tức DN thực hiện nộp các khoản bảo hiểm cho NLĐ. Cụ thể, vừa qua, đơn vị chuyển 39 hồ sơ sang TAND, lập tức DN nộp 1.000 tỉ đồng các khoản bảo hiểm cho NLĐ”, ông Hiểu chia sẻ.

Để việc khởi kiện DN nợ BHXH được diễn ra thuận lợi, theo ông Hiểu, trong thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn được làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TAND Tối cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam để tìm ra giải pháp, điều chỉnh những vướng mắc hiện nay; có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc CĐ đại diện NLĐ khởi kiện chủ DN nợ BHXH, để các cấp CĐ khi chuyển hồ sơ sang, tòa án sẽ tiếp nhận và các cơ quan tiến hành xử lý hình sự đối với DN nợ BHXH. T

ổng LĐLĐ Việt Nam cũng đang có đề án xây dựng lực lượng luật sư CĐ để chuyên xử lý những vụ việc liên quan đến pháp luật lao động (đến năm 2023 sẽ có 50 luật sư); nâng cao năng lực của cán bộ CĐ cấp cơ sở…

Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, đến 31/3/2019, BHXH chuyển 150 hồ sơ vụ việc DN nợ BHXH sang cơ quan điều tra. Trong đó, riêng cuối năm 2018 là 45 vụ, 3 tháng đầu năm 2019 là 105 vụ. Hiện trong số 45 vụ án của năm 2018 đã khởi tố 2 vụ. Tuy nhiên khi cơ quan điều tra khởi tố thì chuyển sang tội danh khác như lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chứ không khởi tố theo Điều 216 Bộ Luật Tố tụng hình sự về vi phạm trong hành vi trốn đóng, chiếm đoạt BHXH.

An Phú

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/doanh-nghiep-chay-y-dong-bao-hiem-cong-doan-dao-tao-50-luat-su-xu-ly-1409387.tpo