Doanh nghiệp chế biến chờ 'ánh sáng cuối đường hầm'

Kết quả kinh doanh không mấy khả quan của doanh nghiệp ngành gỗ, dệt may trong 3 tháng đầu năm nay đã lộ rõ trước nhu cầu suy yếu kéo dài trên toàn cầu, dẫn đến chậm đơn hàng, xuất khẩu sụt giảm. Đây cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp sản xuất chế biến. Tuy nhiên, các doan nghiệp ngành này vẫn lạc quan chờ 'ánh sáng cuối đường hầm' với mong mỏi tình hình thị trường tốt hơn và giải được các bài toán về nhu cầu, tính cạnh tranh, vốn vay...

Lẽ ra, như mọi năm, đến thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ sẽ tấp nập đơn hàng đồ gỗ ngoài trời và chuẩn bị nguyên liệu để đến tháng 5, tháng 6 thì hàng phải làm xong. Thế nhưng năm nay, bà Vũ Trần Phương Uyên, đại diện Công ty TNHH Đồng Quốc Hưng - chuyên sản xuất đồ nội thất ở Đồng Nai, cho biết hiện tại các đơn hàng rất chậm.

Ngành gỗ và dệt may ở "đầu sóng"

Theo bà Uyên, công ty chỉ mong tình hình cải thiện hơn và đang cố gắng làm thêm nhiều mẫu hàng mới, ra nhiều thiết kế mới cho khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Công ty cũng đang xem xét cắt giảm một phần chi phí như một yếu tố để thu hút khách hàng.

Các DN chế biến mong mỏi thị trường khả quan hơn trong quý 2/2023 giữa thời điểm các đơn hàng đang rất chậm.

Còn theo phán đoán của ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long (Bình Dương), phải qua tháng 6/2023 thì tình hình sản xuất kinh doanh của DN ngành đồ gỗ mới có thể bình thường trở lại. Để có được đơn hàng như năm 2022 là điều không thể.

Số liệu mới đưa ra từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch XK sản phẩm gỗ ước đạt 1,87 tỷ USD, giảm đến 38,5%.

Trong khi đó, theo kỳ vọng từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect, lĩnh vực XK gỗ và sản phẩm gỗ sẽ bớt khó khăn hơn trong quý 2/2023 và phục hồi dần trong quý 3/2023.

Tuy vậy, các DN XK đồ nội thất bằng gỗ có tỷ trọng XK cao tới thị trường Mỹ như CTCP Phú Tài (PTB), CTCP Chế biến gỗ Đức Thành (GDT), CTCP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (SAV) sẽ bị sụt giảm doanh thu XK khoảng 10 – 15% so với cùng kỳ trong năm nay.

Vào thời điểm này, nhiều DN ngành gỗ không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ cần có đơn hàng để giữ lao động và đủ chi phí trang trải cho hoạt động của nhà máy. Họ sẽ phải giảm giá bán bình quân để thu hút nhiều khách hàng hơn.

Mục tiêu của các DN trong nửa đầu năm 2023 là hòa vốn, và hy vọng đến quý 3, quý 4, thị trường sẽ tốt lên, vẫn có sẵn lực lượng để sản xuất. Và có thể biên lợi nhuận gộp của các DN ngành gỗ sẽ giảm 0,6% -1 điểm % trong năm 2023.

Trong khi đó, ngành dệt may cũng đang cho thấy khó khăn vẫn còn kéo dài. Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 tổ chức ở Tp.HCM cuối tuần qua, ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc CTCP Sợi Thế Kỷ (STK), than phiền kết quả kinh doanh trong quý 1/2023 không mấy khả quan, doanh thu ước khoảng 270 tỷ đồng, sụt giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế chỉ vài tỷ đồng, trong khi kế hoạch là hơn 20 tỷ đồng.

Đơn hàng cho mùa thu đông 2023 của STK cũng không nhiều. Theo ông Hòa, sự phục hồi sẽ bắt đầu từ quý 3 và trở lại bình thường trong quý 4/2023, tức là chậm hơn một quý so với kế hoạch. Tuy nhiên, quý 4/2023, dự kiến tồn kho của các thương hiệu lớn về thể thao, may mặc ngoài trời vẫn còn cao nhưng bù lại đơn đặt hàng cho mùa thu đông 2024, dự kiến bắt đầu từ cuối năm 2023 tới tháng 6/2024 sẽ phục hồi mạnh.

Lạc quan giữa khó khăn

Trong năm nay, STK đặt mục tiêu doanh thu hơn 2.149 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 253 tỷ đồng, tăng lần lượt 2% và 5% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, ông Hòa lưu ý kế hoạch này được đưa ra từ cuối năm 2022 với dự kiến nhu cầu dần phục hồi từ quý 2/2023 và quý 3, quý 4 sẽ lạc quan, nhưng thực tế diễn ra kém hơn, không tích cực như dự báo.

Theo Bộ phận phân tích của VnDirect, nhu cầu ở các thị trường XK dệt may chính của Việt Nam như Mỹ, EU và Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong năm nay. Tuy vậy, với DN ngành sợi sẽ phục hồi kể từ quý 3/2023 nhờ nhu cầu phục hồi từ thị trường Mỹ.

Thực ra, khó khăn không chỉ riêng với hai ngành gỗ và dệt may, mà còn ở nhiều ngành hàng chế biến XK chủ lực khác. Tuy vậy, trong báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 1/2023 và dự báo quý 2/2023 vẫn cho thấy mức độ lạc quan của DN với kỳ vọng tình hình tích cực hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, theo kết quả điều tra khảo sát, có 79,4% DN dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 2/2023 khả quan hơn quý I/2023 (44,1% cho rằng tốt hơn, 35,3% giữ ổn định), chỉ có 20,6% DN đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

79,5% DN chế biến cũng dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý 2/2023 tăng và giữ nguyên so với quý I/2023 (41,2% tăng, 38,3% giữ nguyên), chỉ có 20,5% DN dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Thực tế cho thấy trong quý 1 vừa qua, yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” đã ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong ngành công nghiệp chế biến. Và đây cũng là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến sản xuất kinh doanh của DN trong 5 năm gần đây.

Bên cạnh đó, “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” và “lãi suất vay vốn cao” cũng là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của DN.

Cho nên, trước tình hình thực tế khó khăn, dù lạc quan trông chờ thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, các DN vẫn mong các cơ quan quản lý và khâu chính sách có thêm sự hỗ trợ trong việc tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.

Hơn nữa, “lãi suất vay vốn cao” là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn tới nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Vì vậy, điều mong mỏi của các nhà sản xuất là được giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để họ có thể có nguồn vốn sản xuất kinh doanh kịp thời và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-che-bien-cho-anh-sang-cuoi-duong-ham-1091740.html