Doanh nghiệp chờ gì ở Luật Giao dịch điện tử sửa đổi?

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, qua đó phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Dù vậy, cũng còn rất nhiều vấn đề băn khoăn và chưa thống nhất trong các quy định của dự thảo luật so với các luật hiện hành.

Kỳ vọng “thực sao thì số vậy”

Những lỗ hổng của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 bắt nguồn từ việc luật được xây dựng vào thời điểm ngành công nghệ thông tin của Việt Nam cũng như lĩnh vực giao dịch điện tử, chính phủ điện tử và thương mại điện tử chưa phát triển. Sau 18 năm, “cuộc sống số” ở Việt Nam đang đặt ra những vấn đề mới mà Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa tính đến.

Giờ đây, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn bằng sự tham gia các hiệp định thương mại tự do, nổi bật như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA)... Trong giai đoạn mới, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số đặt ra nhiều thách thức về chính sách và mô hình quản lý giao dịch điện tử.

Đến nay, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần phải được sửa đổi. Sự phát triển của đất nước trong tình hình mới cũng đòi hỏi luật phải được bổ sung để hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số của quốc gia theo đúng định hướng mà Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 nhằm xây dựng luật trở thành nền tảng pháp lý điều chỉnh các vấn đề chung phát sinh trong giao dịch trên môi trường điện tử theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia, tạo hành lang pháp lý ghi nhận và bảo vệ quyền của tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 tập trung vào nhiều mục tiêu cụ thể. Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các quy định trong luật để giải quyết những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các quy định trong luật nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp thực tiễn phát triển, nhu cầu về giao dịch điện tử tin cậy, an toàn và áp dụng được các công nghệ, kỹ thuật đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ; đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, luật sửa đổi cũng đồng bộ các quy định trong Luật Giao dịch điện tử với các văn bản pháp luật được Quốc hội, Chính phủ ban hành từ năm 2005 đến nay như Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ luật Hình sự, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng…

Cuối năm ngoái, trong phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông từng nhấn mạnh, Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi theo nguyên tắc “thực sao thì số vậy” và “số phải phong phú hơn thực”. Trong đời thực có những loại giao dịch gì về độ tin cậy khác nhau, chi phí khác nhau, độ phức tạp khác nhau đã được luật pháp quy định thì cũng sẽ được ánh xạ vào môi trường số. Tuy vậy, vẫn có nhiều đánh giá cho rằng một số quy định chưa hoàn toàn bám sát các yêu cầu của cam kết hoặc còn thiếu các quy định so với yêu cầu của cam kết.

Doanh nghiệp lo phát sinh thêm thủ tục

Một trong những quy định gây nhiều băn khoăn nhất là khoản c, Điều 48 về “Trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin”. Cụ thể, điều khoản này quy định các doanh nghiệp phải “Bảo đảm sẵn sàng thực hiện kết nối kỹ thuật phục vụ giám sát, kiểm tra, báo cáo số liệu hoạt động với hệ thống giám sát của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật này và pháp luật liên quan”. Như vậy, các doanh nghiệp có nền tảng số phải kết nối, chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Bàn về quy định này, đại diện Shopee Việt Nam cho rằng quy định yêu cầu bảo đảm sẵn sàng thực hiện kết nối kỹ thuật, nhưng không quy định bảo đảm như thế nào và xác định tiêu chí thế nào là bảo đảm. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử hiểu quy định này theo hướng doanh nghiệp phải có hệ thống hạ tầng cung cấp thông tin riêng chạy song song với hệ thống hiện hành, và khi được yêu cầu kết nối thì tiến hành kết nối. Còn khi cơ quan quản lý không yêu cầu kết nối thì vẫn phải chạy hệ thống chờ sẵn ở đó.

Ngoài ra, quy định này cũng không làm rõ được nội dung là phạm vi cung cấp thông tin như thế nào và cơ quan giám sát, tổ chức kết nối là cơ quan nhà nước nào. Các chủ thể là các sàn thương mại điện tử như Shopee bày tỏ lo ngại bí mật kinh doanh, thông tin khách hàng sẽ bị lộ nếu buộc phải chia sẻ dữ liệu.

Chung quan điểm với Shopee, đại diện Grab Việt Nam cũng lo ngại rằng quy định này sẽ tăng thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tạo thêm gánh nặng chi phí vận hành, chi phí tài chính; trong khi chưa rõ về tính khả thi và hiệu quả trong thực thi. Bên cạnh đó, thực tế là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ xuyên biên giới không có hiện diện thương mại tại Việt Nam, không chịu ràng buộc bởi quy định này. Như vậy sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về chi phí vận hành hoạt động. Kéo theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không vào Việt Nam mà chọn phương án cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) thì bày tỏ sự băn khoăn về quy định công nhận chữ ký điện tử (Điều 28 dự thảo luật). Trên thực tế, doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực từ sản xuất, thương mại, dịch vụ… đã triển khai sử dụng chữ ký điện tử quốc tế trên các nền tảng được chấp nhận bởi châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên với quy định của Điều 28, doanh nghiệp hiểu rằng kể cả trường hợp sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số trên các nền tảng đã được nước ngoài công nhận, thì khi áp dụng ở Việt Nam vẫn cần qua một bước công nhận của tổ chức tại Việt Nam.

Hiếu Ngân

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/doanh-nghiep-cho-gi-o-luat-giao-dich-dien-tu-sua-doi-20180504224284659.htm