Doanh nghiệp chủ động phòng chống thực phẩm bẩn: Đảm bảo nguồn cung

Dù hệ thống pháp luật đã được ban hành đầy đủ, song tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn là vấn đề bức xúc, được người tiêu dùng (NTD) đặc biệt quan tâm. Điều này không chỉ đòi hỏi cơ quan chức năng có những chế tài mạnh hơn nữa mà chính doanh nghiệp (DN) cũng cần nâng cao tính tự chủ, chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Doanh nghiệp sản xuất đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật

Doanh nghiệp sản xuất đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD Việt Nam, quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ của NTD đã, đang bị xâm hại và thách thức nghiêm trọng. Ngay từ khâu sản xuất, tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, thuốc kháng sinh ngoài danh mục đã diễn ra từ nhiều năm nhưng chưa giảm.

Ông Hùng dẫn chứng, năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08 và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Thông tư số 54 quy định việc kiểm tra, giám sát các chất thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi. Trước đó, từ năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấm sử dụng các chất này trong chăn nuôi; tuy nhiên, việc sử dụng chất cấm vẫn diễn ra. Nhiều địa phương tràn ngập sản phẩm chăn nuôi sử dụng chất cấm.

Trên khâu lưu thông, nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn bị phát hiện, phải tiêu hủy. Một số vụ điển hình gần đây nhất như: Công an Hà Tĩnh bắt giữ xe khách chở khoảng 2 tấn thịt, nội tạng động vật; xe ôtô tải chở hơn 500kg nội tạng động vật; Công an và Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ hơn 1 tấn nầm lợn; Công an Nghệ An bắt giữ vụ vận chuyển hơn 1 tấn thịt lợn sữa; Công an Thanh Hóa bắt giữ vụ vận chuyển gần 1 tấn bì lợn... Tất cả số thực phẩm trên đều đã bốc mùi.

Đối với hàng nhập khẩu, xuất hiện các vụ nổi cộm như sữa nhiễm melamine, thực phẩm chức năng giả có nguồn gốc Trung Quốc, thạch rau câu có chứa chất DEHP, hạt trân châu có nguồn gốc Đài Loan chứa axit maleic, thịt bò Úc, Canada hết hạn gần 2 năm, gà thải loại, phủ tạng động vật buôn lậu qua biên giới… Những vụ việc nêu trên thực sự trở thành vấn nạn, gây hoang mang trong xã hội và ảnh hưởng sức khỏe NTD.

Nhận định của các chuyên gia, tình trạng vi phạm vệ sinh ATTP vẫn diễn biến phức tạp, mặc dù Chính phủ đã có những quy định chặt chẽ hơn về ATTP. Điển hình, Nghị định 15/CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật ATTP đã có sự thay đổi căn bản về quản lý thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm cũng như tăng tính tự chủ cho DN.

Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành nhiều Thông tư quy định điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dầu thực vật, sữa và bia; Thông tư số 58/2014/TT-BCT Quy định quy định về hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP…

Để bảo đảm an toàn cho NTD, với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa và ban hành các chế tài đủ mạnh để lập lại trật tự trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, nước giải khát. Bên cạnh đó, Vụ Thị trường trong nước cũng đề nghị các DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần nâng cao tính tự chủ, chịu trách nhiệm về hoạt động của DN. Đồng thời, thực hiện các hoạt động truyền thông, marketing, xây dựng thương hiệu nhằm khẳng định uy tín của sản phẩm và phát triển thị trường bền vững, chinh phục NTD Việt Nam.

Các DN sản xuất phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến như GMP, VietGAP, HACCP, ISO… nhằm tạo nguồn cung bảo đảm ATTP ra thị trường tiêu thụ.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-chu-dong-phong-chong-thuc-pham-ban-dam-bao-nguon-cung-123675.html