Doanh nghiệp CNHT cho ngành ô tô Việt Nam: Phát triển chậm

Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành công nghiệp ô tô chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành công nghiệp.

Phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng

Tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ năm 2019 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị ô tô toàn cầu”, diễn ra ngày 28/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã thẳng thắn thừa nhận, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Phụ tùng, linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe…

Cụ thể, Việt Nam phải nhập khẩu ròng hầu hết các nhóm sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là các bộ phận, linh kiện quan trọng thuộc hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái, yêu cầu công nghệ chế tạo ở mức cao... "Để phục vụ lắp ráp ô tô trong nước, trong giai đoạn 2010-2016, Việt Nam đã nhập khẩu các loại phụ tùng, linh kiện khác nhau với tổng giá trị nhập khẩu bình quân mỗi năm khoảng 2 tỉ USD, chủ yếu từ Nhật Bản (23%), Trung Quốc (23%), Hàn Quốc (16%) và Thái Lan (16%)" - Thứ trưởng đưa ra con số.

Nhìn nhận thực tiễn, ngành công nghiệp ô tô không chỉ có vai trò rất to lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô mà còn góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Sự phát triển của CNHT ngành ô tô sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập kinh tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), góp phần tăng trưởng bền vững. Đồng thời, phát triển CNHT ngành ô tô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng các cụm liên kết ngành, tạo lập mạng lưới các nhà cung ứng sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại diễn đàn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại diễn đàn

Mặc dù đã có sự gia tăng trong thời gian qua, tuy nhiên doanh nghiệp CNHT cho ngành ô tô Việt Nam phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực. Hiện nay, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. So với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít.

Đáng chú ý, giá trị sản xuất của CNHT cho ngành công nghiệp ô tô chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành công nghiệp.

Quyết tâm tăng nội địa hóa để giảm giá thành

Theo Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đến nay, tỷ lệ nội địa hóa một số dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước khá cao do khả năng cung ứng các sản phẩm CNHT nội địa được cải thiện trong thời gian qua. Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 20% đến 50%).

Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp: mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra cũng như thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) - nêu vấn đề, ngành ô tô trong nước vốn còn non trẻ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải hội nhập sân chơi lớn. “Chính vì vậy Thaco đã có kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng thay đổi để tiếp tục phát triển. Năm 2018, doanh nghiệp đã giữ được thị phần 30-35%, coi như là cạnh tranh được. Đến năm 2019, dù con số xe nhập khẩu ngày càng tăng nhưng Thaco vẫn có kế hoạch bán ra thị trường 90.000 xe. Để làm được điều này, doanh nghiệp đã chủ động gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, phát triển CNHT, không chỉ thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu... " - ông Phạm Văn Tài thông tin.

Theo ông Lê Ngọc Đức - Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công (TC Motor) - để các doanh nghiệp ngành ô tô đạt được mục tiêu như chiến lược phát triển ngành đề ra, cần các chính sách ưu đãi, hỗ trợ như một đòn bẩy. “Nhà nước không nên tính thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư và linh kiện phụ để sản xuất linh kiện nội địa hóa trong nước, điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị nội địa hóa ô tô, áp dụng các gói tín dụng dành cho phát triển ngành CNHT. Ngoài ra, cần đưa sản phẩm ô tô vào danh mục "sản phẩm công nghệ cao" để khuyến khích” - ông Lê Ngọc Đức nêu ý kiến.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trao đổi với các doanh nghiệp ô tô bên lề diễn đàn

Chính sách cần linh hoạt hơn

Tại diễn đàn, đại diện Công ty Ô tô Toyota Việt Nam - đề xuất định hướng chính sách để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Theo đó, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm ban hành các chính sách nhằm duy trì và thúc đẩy thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, dài hạn. “Các doanh nghiệp mong muốn các chính sách về ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt nên bình đẳng về cơ hội được hưởng ưu đãi cho tất cả các nhà sản xuất xe; không tạo ra mức biến động lớn trên thị trường” - đại diện Toyota Việt Nam nêu kiến nghị.

Cùng chung quan điểm với Toyota Việt Nam, Thaco cũng kiến nghị các giải pháp phát triển ngành công nghiệp ôtô. Trong đó. Chính phủ nên xem xét bỏ tiêu chuẩn để được áp dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu linh kiện ôtô sản xuất trong nước. Vì khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc bằng 0% từ năm 2018, nếu vẫn áp dụng chính sách thuế đối với linh kiện thì sẽ khó giảm giá thành xe sản xuất trong nước.

Mặt khác, Thaco cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét giảm thuế nguyên liệu để sản xuất linh kiện, vật tư ôtô về 0%. Khi giảm thuế nguyên liệu, vật tư để sản xuất ra linh kiện thì chắc chắn giá thành sẽ giảm và kéo giá xe sản xuất trong nước giảm. Cuối cùng là người tiêu dùng sẽ được lợi.

Thực tế, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô, CNHT. Đặc biệt, sau khi triển khai Nghị định 111 về phát triển CNHT, Bộ đã cấp 39 giấy xác nhận ưu đãi thuế, tín dụng, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp thuộc các ngành dệt may, điện tử, ôtô, công nghệ cao và cơ khí.

Để tạo đà phát triển ngành công nghiệp ô tô, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết là phải có ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển, mở ra cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần phải gắn mình vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu các chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghiệp ôtô, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thúc đẩy thị trường ôtô tăng trưởng ổn định và dài hạn trên cơ sở cho vay ưu đãi với người tiêu dùng mua ôtô, quy hoạch hạ tầng đồng bộ.

Thứ trưởng giao nhiệm vụ cho Cục Công nghiệp cùng các đơn vị thuộc Bộ Công Thương nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp để tham mưu cho lãnh đạo Bộ phối hợp với các Bộ ngành nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với CNHT trong thời gian tới. Đặc biệt, cần đề xuất những chính sách, giải pháp quyết liệt, đủ mạnh để tiếp tục duy trì và từng bước phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng như CNHT ngành ô tô trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, phù hợp với thực trạng phát triển, lợi thế cạnh tranh của đất nước cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ trưởng mong muốn các hiệp hội, ngành hàng phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò là cầu nối liên kết các doanh nghiệp CNHT, đóng góp nhiều tiếng nói hơn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước trong ngành tiếp tục đồng hành với Bộ Công Thương, với Chính phủ, đóng góp các nguồn lực của mình để thúc đẩy phát triển ngành. “Chính phủ và Bộ Công Thương cam kết sẽ luôn hành động vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp để công nghiệp ô tô và CNHT cho ngành ô tô có thể cất cánh trong thời gian tới” - Thứ trưởng nêu rõ.

Lan Anh- Vũ Cương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-cnht-cho-nganh-o-to-viet-nam-phat-trien-cham-129017.html