Doanh nghiệp có đặc thù mùa vụ không muốn giảm thời gian làm thêm

Do đặc thù ngành hàng nên một số doanh nghiệp như may mặc, da giày thường chỉ tập trung đơn hàng trong một vài tháng trong năm. Điều này khiến doanh nghiệp phải tăng ca để đáp ứng hợp đồng. Vì vậy, góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), một số doanh nghiệp lĩnh vực này không muốn giảm số giờ làm thêm, thậm chí muốn tăng mạnh số giờ làm thêm cho người lao động.

Mức quy định về cách tính tiền làm thêm giờ như hiện tại được coi là hài hòa cho cả doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: Hương Dịu.

Đặc thù thời vụ

Là một doanh nghiệp có 17 xí nghiệp thành viên với hơn 12.000 lao động, trong 8 tháng đầu năm 2019, Tổng công ty May 10 đạt doanh thu trên 2.180 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 48 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động trên 8,3 triệu đồng/người/tháng. Đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 kiến nghị giữ nguyên quy định như hiện nay về tiền lương làm thêm giờ. Làm thêm ngày thường thì hưởng 150% lương, làm thêm ngày thứ Bảy, Chủ nhật hưởng 200% lương và làm thêm ngày lễ, tết được hưởng 300% lương.

“Mức quy định như hiện tại được coi là hài hòa cho cả doanh nghiệp và người lao động. Quy định cao hơn nữa sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh về chi phí lao động của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và gây bất lợi cho doanh nghiệp nội”, ông Thân Đức Việt chia sẻ.

Cũng theo ông Thân Đức Việt, đặc thù ngành may làm việc theo mùa vụ, mỗi năm chỉ có 6-8 tháng nhiều việc, còn lại là các tháng ít việc, nên muốn làm nhiều cũng không có việc. Vì thế, nếu người lao động đồng ý thì cần bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 12 giờ/ngày. Tổng giờ làm việc trong tuần vẫn giữ nguyên ở mức không quá 48 giờ và đợi khi nào kinh tế đất nước tốt hơn thì mới tính đến việc giảm giờ làm việc trong tuần xuống 44 tiếng. Về thời giờ làm thêm, Giám đốc Tổng công ty May 10 kiến nghị tăng trần tối đa thỏa thuận làm thêm giờ trong năm từ 300 giờ/năm thêm 100 giờ lên 400 giờ/năm; tăng trần tối đa thỏa thuận làm thêm giờ trong tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng hoặc bỏ quy định về trần số giờ làm thêm trong tháng và quy định cụ thể các trường hợp được thỏa thuận làm thêm giờ đến 400 giờ/năm.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, dự thảo được sửa theo hướng giảm giờ làm việc, giữ nguyên giờ làm thêm là không thực tiễn. Việc sửa luật phải dựa trên lợi ích của các chủ thể, Nhà nước, người lao động, doanh nghiệp.

“Với ngành da giày, khách hàng nhập khẩu, nhất là các doanh nghiệp lớn luôn quan tâm đến trách nhiệm xã hội với người lao động và doanh nghiệp sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt nếu không họ sẽ không mua hàng. Do đó, với số giờ làm thêm như hiện nay, vốn đã không đáp ứng yêu cầu, nay dự thảo lại giảm giờ làm, không tăng giờ làm thêm, thì doanh nghiệp sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của đối tác về tiêu chuẩn lao động. Do đó, giờ làm thêm tối đa nên được tăng lên để các doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ hợp đồng, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Bởi trên thực tế, có tới 70% người lao động muốn được làm thêm giờ, nhất là vào dịp giáp Tết để tăng thu nhập. Nhiều công nhân sau giờ làm đã đi làm việc khác để tăng thu nhập”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết thêm.

Lo tăng chi phí, vi phạm hợp đồng

Đáng chú ý, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May 10, Bộ phận đánh giá khách hàng của các đối tác nước ngoài thường “soi” rất kỹ các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Chỉ cần 1 vi phạm nhỏ, như giờ nghỉ, giờ làm thêm sai quy định lập tức sẽ bị các đối tác nước ngoài đánh giá không đạt và sẽ cắt hợp đồng ngay. Hiện May 10 đang có 1 đơn hàng trị giá 24 triệu USD nhưng phải dừng lại do bị đánh giá chưa chấp hành đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Điều này cho thấy doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ vi phạm chính các điều khoản do Việt Nam đưa ra. Nếu luật quá chặt chẽ, cứng nhắc sẽ dẫn tới làm khó chính doanh nghiệp Việt, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cũng cùng một nỗi lo lắng như ông Vũ Đức Giang, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM (FFA) cho biết, nếu thông qua những quy định như trong dự thảo luật, doanh nghiệp sẽ bị buộc đưa mình vào thế vi phạm pháp luật vì không thể tuân thủ.

Phân tích kĩ hơn về vấn đề này, bà Chi cho rằng, việc hoàn thành đơn hàng là sống còn với doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, nhất là với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gia công, phụ thuộc rất lớn vào đơn hàng, vào nhà nhập khẩu... Bởi vậy mới có thuật ngữ sản xuất mùa vụ để chỉ khoảng thời gian các doanh nghiệp chạy đơn hàng. Với ngành dệt may - da giày, mùa vụ tập trung vào khoảng tháng 12; với doanh nghiệp thủy sản là tháng 5-6 và tháng 9 -10 hàng năm… Mùa vụ ở đây là cả nguyên liệu và hợp đồng. Đến thời gian giao hợp đồng hay đến thời điểm bà con mang hàng đến, doanh nghiệp buộc phải làm hết công suất, bất kể có vi phạm thời gian làm thêm giờ cũng phải làm. Chưa kể nhà nhập khẩu thay đổi mẫu mã, cắt giảm hay tăng đơn hàng tùy theo thị trường tiêu thụ, nếu chúng tôi không làm thêm ở thời điểm giao hàng, không giao hàng kịp, thì hoặc bị phạt, hoặc phải vận tải bằng máy bay, coi như mất cả công lẫn lãi.

Cũng là một doanh nghiệp trong ngành dệt may, có số lượng lao động lớn, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sông Hồng đã nêu lên một thực tế, khi tổ chức làm thêm giờ tiền công sản phẩm trả cho người lao động cao hơn đơn giá bình thường, không được tính vào chi phí giá thành, mà phải trừ vào lợi nhuận doanh nghiệp. Chính vì vậy, tôi đề nghị tăng giờ làm thêm lên 400 hay 500 giờ/năm để giúp người lao động có thêm một khoản thu nhập; doanh nghiệp có khoảng thời gian an toàn để xử lý các tình huống bất bình thường về hàng hóa trong một số thời điểm nào đó mà không lo ngại tới việc vi phạm pháp luật. Vì các chi phí làm ngoài giờ về tiền công, năng lượng... rất cao, nên doanh nghiệp hoàn toàn không coi đó là khoảng thời gian làm việc nhằm thu thêm lợi nhuận. Không ít doanh nghiệp đã phải chịu tổn thất nặng nề vì quy định thời gian làm việc ngặt nghèo ở Việt Nam, hàng nghìn lao động ở các nơi đó đã bị rơi vào thảm cảnh mất việc làm. Vậy nên tôi đề nghị khung làm thêm giờ cho các doanh nghiệp khoảng 450- 500 giờ/ mỗi năm là ổn thỏa và đủ an toàn.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-co-dac-thu-mua-vu-khong-muon-giam-thoi-gian-lam-them-112194-112194.html