Doanh nghiệp có thể kỳ vọng gì ở Luật Cạnh tranh sửa đổi?

Không ồn ào như các dự luật khác, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Mười bốn năm sau khi Luật Cạnh tranh ra đời vào cuối năm 2004, doanh nghiệp có thể kỳ vọng gì vào phiên bản đã được sửa đổi vào năm nay làm công cụ hỗ trợ họ được quyền cạnh tranh lành mạnh, đồng thời ngăn chặn những hành vi cạnh tranh bất chính?

Vì quy mô của luật, chỉ xin lấy hai ví dụ thường thấy trong thực tế để minh họa cho câu hỏi trên. Giả dụ một doanh nghiệp kinh doanh sản xuất bia, đang tìm cách phát triển thị trường ở một tỉnh nọ. Bỗng nhiên ủy ban nhân dân tỉnh ra chỉ thị cho các đơn vị trong tỉnh khi tiếp khách nên dùng bia do công ty của tỉnh sản xuất, không nên dùng bia của nơi khác. Liệu doanh nghiệp kia có thể dựa vào Luật Cạnh tranh mới được sửa đổi để phản bác chỉ thị này?

Luật cũ chỉ cấm cơ quan quản lý nhà nước “Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định” cho nên trong trường hợp cụ thể nêu trên, có thể luật bó tay vì chỉ thị viết theo kiểu không cấm đoán. Luật sửa đổi đã mở rộng hơn: cấm cơ quan nhà nước “Yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cụ thể hoặc với doanh nghiệp cụ thể” và đi kèm là biện pháp chế tài: Trường hợp cơ quan nhà nước thực hiện hành vi bị cấm quy định tại khoản 1 điều này, cơ quan cạnh tranh quốc gia có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước đó chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả.

Trong thực tế nhiều năm qua, không thiếu các địa phương ra lệnh tiêu thụ mặt hàng này hay mặt hàng kia do công ty địa phương sản xuất mà cuối cùng chỉ có báo chí lên tiếng. Và cho đến nay vẫn có nhiều lãnh đạo địa phương nghĩ đơn giản, ưu ái cho doanh nghiệp địa phương là biện pháp hợp lệ, không có gì sai. Nay hy vọng cơ quan cạnh tranh quốc gia thổi còi một hai vụ làm gương cho các nơi phải tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng.

Ở ví dụ thứ nhì, giả thử doanh nghiệp biết rõ địa phương đang ưu ái cho một công ty sân sau bằng nhiều ngõ ngách, liệu họ có thể dùng Luật Cạnh tranh mới để chống các biểu hiện của chủ nghĩa thân hữu trắng trợn này được chăng? Luật sửa đổi vẫn được xây dựng dựa trên các khái niệm cạnh tranh chủ yếu từ phía doanh nghiệp như thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, tập trung kinh tế... nên chưa nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, chưa thể can thiệp các hành vi hạn chế cạnh tranh từ phía chính quyền.

Tương tự mặc dù Luật Cạnh tranh sửa đổi đã cố gắng mở rộng phạm vi điều chỉnh cả hành vi thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam (gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam) nhưng các điều khoản liên quan vẫn còn chung chung, không thể áp dụng vào các trường hợp cụ thể như vụ Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, kể cả Việt Nam.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/273805/doanh-nghiep-co-the-ky-vong-gi-o-luat-canh-tranh-sua-doi-.html