Doanh nghiệp có tiếng nói quan trọng trong phát triển bền vững

Trước thềm Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 (VBF), chiều 25/6, bà Virginia B. Foote và ông Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch Diễn đàn chia sẻ một số thông tin với báo chí.

2 đồng chủ tịch Diễn đàn VBF 2019 tại buổi họp báo. Ảnh;VGP/Huy Thắng.

Diễn đàn giữa kỳ 2019 dự kiến diễn ra vào ngày 26/6, với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tập trung vào chủ đề vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững.

Bà Virginia B. Foote, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ (AmCham), đồng Chủ tịch Diễn đàn cho biết, các nhóm công tác đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhau và với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

“Phát triển bền vững sẽ không phải là gánh nặng mà là cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng như người dân. Qua đó, tất cả các doanh nghiệp, người dân cùng chung tay phát triển nền kinh tế bền vững của Việt Nam”, bà Virginia B.Foote chia sẻ.

Bà Virginia B.Foote cho rằng, năm nay là năm quan trọng của Việt Nam khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực (CPTPP), Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) cũng đang trong những giai đoạn cuối cùng để phê chuẩn…

”Những hiệp định này là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư, tăng cường giao lưu thương mại, tuy nhiên mặt khác đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn”, bà Virginia B.Foote nói.

Theo tổng hợp các ý kiến trước VBF, nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài vẫn quan ngại về một số vấn đề chính sách như yêu cầu kiểm định từng lô đối với ngành kinh doanh ô tô; việc chứng nhận các phụ tùng ô tô và thuế nhập khẩu; quyền sở hữu trí tuệ đối với mẫu xe máy.
Về nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực hải quan – thuế như đánh giá hải quan, quy trình thông quan và áp dụng mã HS, hàng hóa sản xuất/gia công/xuất khẩu tại chỗ, thanh tra thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng…

Các doanh nghiệp cho rằng, môi trường đầu tư và thương mại tại Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho kinh doanh và thương mại.

Ông TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch VBF đánh giá: Mặc dù việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp đã trở nên thuận lợi hơn trước nhiều, song gánh nặng hậu thủ tục đăng ký kinh doanh vẫn còn rất lớn.

Chủ tịch VCCI cũng cho biết đang phối hợp cùng AmCham và nhiều hiệp hội doanh nghiệp khác thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch ở Việt Nam…

Là đồng chủ tịch các Diễn đàn trước, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, đã có khoảng 60% kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn trước đã được Chính phủ tiếp thu, giải quyết tích cực, song có nhiều vấn đề cần có thời gian để tiếp tục xử lý.

Ví dụ như các quy định về nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng, Chính phủ đã tiếp thu, sửa đổi thời hạn sử dụng của thiết bị được phép nhập khẩu từ 10 năm lên 20 năm…

Theo ông Vũ Tiến Lộc, có nhiều vấn đề liên quan tới sửa đổi luật tại Quốc hội, do đó chưa thể thực hiện sửa đổi ngay như vấn đề giờ làm thêm, lương tối thiểu… đang được Quốc hội thảo luận.

“Mặc dù vậy, vẫn còn những vấn đề cần phải làm thường xuyên liên tục, không có điểm dừng như vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Việt Nam trong 2 năm gần đây cho thấy đang trở thành nền kinh tế thu hút đầu tư hàng đầu trong APEC.

“Hiện dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lớn nhưng chủ yếu ở lắp ráp, do đó cần tăng chất lượng nguồn đầu tư bằng cách nâng chất lượng lao động, thu hút đầu tư vào nền kinh tế ở mức độ gia tăng và chất lượng cao hơn”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Đại diện VCCI cho rằng, Việt Nam vẫn là thị trường thu hút đầu tư lớn bởi giá nhân công, vị trí địa chính trị, quy mô thị trường và tính kết nối của thị trường. Tuy nhiên nhìn sâu vào môi trường kinh doanh có thể thấy sức thu hút này còn có thể lớn hơn nhiều nếu chính sách ra nhập thị trường thuận lợi hơn nữa.

Việt Nam cần khẩn trương gỡ vướng về thủ tục kinh doanh và các chi phí hành chính hiện cao, quy hoạch, đất đai và môi trường.

Anh Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/doanh-nghiep-co-tieng-noi-quan-trong-trong-phat-trien-ben-vung/369182.vgp