Doanh nghiệp công nghệ thông tin cần tháo gỡ tình trạng độc quyền

Giữ vị trí là một trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu và trong nhóm 9 ngành dịch vụ ưu tiên của thành phố, các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin – điện tử - viễn thông hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, việc tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiêp vừa và nhỏ cũng như giải bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm là những điều kiện tiêu quyết để phát triển bền vững.

Chiều 18/9, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch TP.HCM đã chủ trì Hội nghị “Đối thoại giữa doanh nghiệp Công nghệ thông tin – Điện tử - Viễn thông với Chính quyền thành phố” tại TP.HCM. Chương trình do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với các sở, ngành tổ chức.

Đang có sự “độc quyền” của một số doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn

Hiện nay, ngành công nghệ thông tin của TP.HCM còn nhiều dư địa để phát triển, tuy nhiên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức do sự bất cập về cơ chế chính sách. Các doanh nghiệp đã mạnh dạn chia sẻ, trình bày những ý kiến, khó khăn, vướng mắt của mình trước lãnh đạo thành phố.

Phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội tin học TP.HCM, cho rằng ngành công nghệ thông tin giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành nghề của thành phố. Cụ thể, ngành này là một trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu và trong nhóm 9 ngành dịch vụ ưu tiên của thành phố.

Ông Tuấn nhận định thực tế TP.HCM có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghệ thông tin theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là xương sống của ngành công nghệ thông tin hiện nay. Các doanh nghiệp này đóng góp nhiều cho nền kinh tế, có tiềm lực và có khả năng tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao.

Đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp công nghệ thông tin cho rằng đang có sự “độc quyền” của một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội tin học TP.HCM cho hay: “Số doanh nghiệp khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ thông tin đang gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận, tham gia cung ứng cho các dự án đầu tư, mua sắm công của thành phố. Nói cách khác, ở mức độ nào đó đang có sự “độc quyền” của một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này”.

Viện dẫn cho lí lẽ này, ông Tuấn cho biết tại tại đang có 3 doanh nghiệp lớn là VNPT, VIETTEL và FPT “làm mưa làm gió” phủ sóng khắp các tỉnh thành. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ dù đủ tiềm lực để phát triển, có đủ khả năng tạo ra những sản phẩm tốt đáp ứng cho thị trường nhưng đều không thể chen chân vào. Bên cạnh đó, việc tìm đầu ra cho sản phẩm của đang là bài toán khó mà các doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp vẫn chưa thể giải được.

Cùng ý kiến trên, đại diện Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn nhất là đang có sự kiểm soát thị trường của các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, thời gian tới khi mà Luật an ninh mạng đi vào hoạt động thì chắc chắc sẽ có nhiều khó khăn hơn cho các doanh nghiệp. Vì thế, thành phố cần tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp khởi nghiệp đóng góp, phát triển.

Các doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm

Ông Nguyễn Xuân Hiền - Giám đốc điều hành Công ty Ingreetech cho biết nhìn nhận từ chính sử phát triển của bản thân doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất cho việc khởi nghiệp và phát triển đó chính là tìm đầu ra cho sản phẩm.

“Mặc dù chủ trương của Chính phủ là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia đấu thầu vào các dự án đầu tư, mua sắm công, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ nhưng trên thực tế hầu như không có doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp nào có thể tham gia vào thị trường công. Không chỉ ở các dự án lớn, quy mô cấp thành phố, mà ngay cả những dự án nhỏ như mua sắm thiết bị cho các cơ quan cấp huyện cũng khó “có cửa” cho các doanh nghiệp nhỏ”, ông Hiền cho hay.

Tạo liên kết giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa – nhỏ

Bàn về giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp công nghệ thông tin viễn thông hiện nay, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội tin học TP.HCM cho rằng việc xây dựng, phát triển các doanh nghiệp lớn là rất cần thiết nhưng phải tạo được sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn với cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, các doanh nghiệp lớn đóng vai trò là đầu tàu, làm bệ đỡ, nhà đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngành công nghệ thông tin. Ngược lại các doanh nghiệp khởi nghiệp chính là những nhân tố tạo nên sự đột phá, những sản phẩm mới, sáng tạo.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất, thành phố cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như tạo ra thị trường mở, công khai về các dự án đầu tư, mua sắm công cho tất cả các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin, đồng thời khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị, ưu tiên dùng các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia vào xã hội hóa trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đảm bảo các giải pháp của doanh nghiệp được trân trọng, có cơ sở hoàn vốn. Chính quyền cần hỗ trợ bằng cách đặt hàng, tiêu thụ các sản phẩm của những doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ.

Tạo liên kết giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa – nhỏ để cùng thúc đấy phát triển bền vững

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay: “Những phản ánh, vướng mắc của doanh nghiệp là có cơ sở vì trên thực tế hiện nay, quy trình đấu thầu đầu tư công còn khá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Nhiều dự án sau khi đấu thầu thì công nghệ đã bị lạc hậu, không còn khả năng triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, những bất cập trong quy định kiểm tra chuyên ngành cũng là vần đề cần được tháo gỡ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu các sản phẩm công nghệ. Tuy nhiên đây là vấn đề chính sách, vượt qua thẩm quyền giải quyết của thành phố, vì vậy thành phố sẽ ghi nhận và kiến nghị lên các bộ, ngành, Chính phủ có hướng điều chỉnh trong thời gian tới”.

Về phía thành phố, ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, TP.HCM đã đang và sẽ công khai thông tin các dự án đầu tư, mua sắm công của thành phố để các doanh nghiệp đủ năng lực tham gia đấu thầu, đồng thời cam kết không có cơ chế ưu tiên độc quyền cho bất cứ doanh nghiệp nào.

Trước mắt, thành phố sẽ xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn, số hóa và giao Công ty Quang Trung thực hiện. Đồng thời, xây dựng trung tâm chỉ huy điều hành, đấu thấu để chọn nhà thầu tránh tình trạng “độc quyền” như các doanh nghiệp đã phản ánh. Bên cạnh đó, TP cũng sẽ xây dựng trung tâm mô phỏng, phân tích sự phát triển của thành phố trong những năm tới.

Ông Tuyến nhấn mạnh: “Thành phố cam kết không có cơ chế độc quyền cho bất cứ doanh nghiệp nào. Các doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp đòi hỏi cần chủ động, kết nối nhiều hơn nữa để phát triển”.

HỒNG TRÂM - LÊ SÂM

Trong khuôn khổ Hội nghị “Đối thoại giữa doanh nghiệp Công nghệ thông tin – Điện tử - Viễn thông với Chính quyền thành phố”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị cơ quan thuế, hải quan tổ chức chương trình đối thoại dành riêng cho các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin. Qua đó, cơ quan chức năng có thể lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại thành phố.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/doanh-nghiep-cong-nghe-thong-tin-can-thao-go-tinh-trang-doc-quyen-12821.html