Doanh nghiệp da giày không lo quy tắc xuất xứ trong CPTPP

Với 50% nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước, các doanh nghiệp ngành da giày không quá lo lắng với quy tắc xuất xứ quy định trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2019.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), năm 2018, ngành da giày đặt kỳ vọng tăng trưởng 10,7%. Tính đến hết tháng 11, ngành vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng nhằm đạt mục tiêu này. Mặt hàng túi xách được coi là điểm nổi bật trong năm nay khi xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc luôn đạt ở mức cao. Dự kiến năm 2018, ngành sẽ đạt 19,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, cao hơn khoảng 1 tỷ USD so với mục tiêu đề ra.

CPTPP dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019, đây là xung lực rất tốt cho các doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, Nhật Bản là thị trường có sức mua lớn, dưới tác động của CPTPP, năm 2019 tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường này sẽ đạt khoảng 15%. “Với cơ hội như vậy, CPTPP sẽ không chỉ giúp ngành da giày tăng trưởng xuất khẩu mà còn thu hút đầu tư, phát triển sản xuất nguyên phụ liệu, giúp các doanh nghiệp da giày trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Xuân nói.

Doanh nghiệp da giày không lo quy tắc xuất xứ quy định trong CPTPP

Quy tắc xuất xứ được cho là quan ngại lớn của ngành khi CPTPP được thực thi, với 55% nguyên phụ liệu phải có xuất xứ nội khối. Doanh nghiệp chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ các nước ngoài khối để sản xuất ra 1 sản phẩm, kể cả chi phí gia công.

Tuy nhiên, lãnh đạo Lefaso lại khá lạc quan với khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ của doanh nghiệp trong nước khi cho biết, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, những năm gần đây, nhận thức của doanh nghiệp về quy tắc xuất xứ đã được nâng lên. Tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu đã giảm, nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất nguyên phụ liệu trong nước. Hiện tỷ lệ nội địa hóa trong ngành đã tăng từ 35% lên 50%.

Mặc dù vậy, bà Phan Thị Thanh Xuân cũng chỉ ra những trở ngại doanh nghiệp sẽ gặp phải khi CPTPP chính thức đi vào thực thi. Theo đó, việc tiếp cận thị trường của doanh nghiệp là khá khó khăn. Nguyên do, doanh nghiệp Việt mới chỉ quen thực hiện các đơn hàng nhỏ, quy mô sản xuất cũng hạn chế, rất khó để đáp ứng được các đơn hàng có số lượng lớn. Năng lực tài chính, nhân lực cũng là vấn đề còn nhiều khó khăn.

Một điểm quan trọng nữa, yêu cầu về chất lượng sản phẩm, trách nhiệm xã hội, môi trường, lao động của doanh nghiệp của các thị trường xuất khẩu cũng rất cao và khó đáp ứng.

Do đó, để có thể tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan, gia tăng xuất khẩu, các doanh nghiệp cần đầu tư tăng năng lực, bao gồm cả năng lực sản xuất và năng lực đáp ứng các yêu cầu về trách nhiệm xã hội, môi trường, lao động.

Riêng về nguyên phụ liệu, ngành da giày mang tính thời trang cao, sẽ không cố định được mặt hàng nguyên phụ liệu nào khuyến khích đầu tư. Do đó, những quy định trong Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ không còn phù hợp với ngành. Hiệp hội kiến nghị nên có 1 nghị định riêng của ngành dệt may, da giày cho phát triển nguyên phụ liệu mới đáp ứng được nhu cầu thực tế của ngành. “Trong thời gian tới Lefaso cũng sẽ làm việc với Bộ Công Thương để xây dựng những chính sách phù hợp nhất cho sự phát triển của ngành”, bà Xuân nói.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam: Sản lượng sản xuất của ngành hiện là gần 1,2 tỷ đôi giày dép mỗi năm, trong đó 90% xuất khẩu, 10% tiêu thụ nội địa.

Việt Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-da-giay-khong-lo-quy-tac-xuat-xu-trong-cptpp-112630.html