Doanh nghiệp đào tạo lại lao động đến 70% là đào tạo những gì?

Mỗi năm, hơn 1.200 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX – CN) TPHCM cần từ 20.000 – 25.000 lao động, trong đó có hơn 8.000 lao động chất lượng cao. Tỷ lệ lao động lao động gia nhập thị trường lao động đã qua đào tạo là 90%, tuy nhiên tỷ lệ lao động mà DN phải đào tạo lại đến 70%.

Ngày hội việc làm 2018 thu hút gần 4.000 sinh viên năm cuối các ngành của trường Đại học Tôn Đức Thắng tham dự.

Tại buổi tọa đàm “Đào tạo – Việc làm – Thực tập – Kết nối DN và nhà trường”, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn cần có sự phối hợp, kết nối nhiều hơn nữa giữa nhà trường và DN để nâng cao chất lượng nguồn lao động và tạo việc làm cho sinh viên.

Buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội việc làm năm 2018 do Trung tâm dịch vụ việc làm và hỗ trợ DN (JESC) (thuộc Ban quản lý các KCX – CN TPHCM - HEPZA) và Trung tâm hợp tác DN và cựu sinh viên (CECA) trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức vào ngày 1.12 tại trường.

Ngay ngày hội, có 61 DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài tại TPHCM tiếp nhận hồ sơ phỏng vấn tuyển dụng tại chỗ với nhiều ngành nghề.

Theo ông Trần Công Khanh – Trưởng phòng Quan hệ lao động HEPZA, nhu cầu lao động của các DN dệt may cao nhất chiếm tới 40%, sau đó là công nghệ thông tin với 14%, cơ khí chiếm 8,1%... Tỷ lệ biến động lao động ở các KCX – CN TP khoảng 10% (tương đương 20.000 – 25.000 người).

“Tỷ lệ NLĐ đã qua đào tạo khi tham gia vào thị trường lao động là 90% nhưng tỷ lệ lao động DN phải đào tạo lại đến 70%, mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Do đó, muốn khắc phục tình trạng này rất cần sự kết nối, hỗ trợ đào tạo giữa nhà trường và DN để trình độ, kỹ năng của NLĐ và nhu cầu của DN không bị vênh nhau!”, ông Khanh nói.

Theo bà Nguyễn Ngọc Điệp – Giám đốc JESC, công tác đào tạo lại của DN cũng cần được hiểu rõ hơn: “Đào tạo lại không có nghĩa là DN phủ nhận những kiến thức nhà trường đào tạo cho sinh viên, NLĐ mà đào tạo lại có thể là huấn luyện các kỹ năng để quen với các công việc, quen với môi trường làm việc, văn hóa của DN. Kiến thức mà NLĐ đã được học vẫn là nền tảng để họ làm tốt công việc ở DN”.

Các DN tham gia tuyển dụng có nhiều hình thức thu hút ứng viên khá mới mẻ.

Bà Phạm Thị Quý Hiền – Giám đốc Nhân sự cấp cao Cty TNHH Sản xuất First Solar VN (Củ Chi, TPHCM) - chia sẻ: “First Solar chuyên sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời, đây là một ngành mới. Khi tuyển, chúng tôi gần như đào tạo lại cho NLĐ 100% với thời gian khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, chúng tôi không phủ nhận kiến thức mà NLĐ đã được học ở nhà trường mà kiến thức đó là nền tảng để NLĐ làm việc. 3 tháng đào tạo đó, chúng tôi để NLĐ làm quen với công nghệ, văn hóa của công ty”.

Trong khuôn khổ Ngày hội việc làm năm 2018, trường Đại học Tôn Đức Thắng và các DN đã ký kết chương trình hợp tác đào tạo và tạo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Ngoài ra, các đơn vị đã tổ chức các chuỗi huấn luyện cơ hội nghề nghiệp - kết nối tương lai để trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên, tự tạo cơ hội việc làm.

Dịp này, ban tổ chức trao tặng 35 suất học bổng (5 triệu đồng/suất), 5 suất học bổng Tiếng Anh trị giá 50 triệu đồng cho sinh viên vượt khó học tốt của trường Đại học Tôn Đức Thắng

LÊ TUYẾT

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/doanh-nghiep-dao-tao-lai-lao-dong-den-70-la-dao-tao-nhung-gi-644333.ldo