Doanh nghiệp 'đặt điều kiện' để mở rộng và đầu tư mới

Những năm qua, hoạt động thu hút đầu tư luôn được các bộ, ngành, địa phương chú trọng và tạo những điều kiện thuận lợi nhất. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những vấn đề gây cản trở, khiến DN 'chùn bước' trước những quyết định mở rộng và đầu tư mới.

Các DN luôn mong muốn có môi trường kinh doanh thuận lợi để mở rộng đầu tư. Ảnh: H.Dịu.

Sự thay đổi “chóng mặt” của chính sách

Dẫn chứng ví dụ về sự thay đổi ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của DN, Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho hay, vào tháng 6/2019, Công ty Estec Phú Thọ đặt trụ sở tại tỉnh Phú Thọ đã quyết định đầu tư 8 triệu USD để xây dựng nhà máy mới trên cơ sở Dữ liệu quảng bá thu hút đầu tư nước ngoài do tỉnh Phú Thọ phát hành năm 2015. Tuy nhiên, tỉnh Phú Thọ đã đột ngột thay đổi Quy hoạch phát triển Khu công nghiệp dẫn đến khu vực mà DN này đặt nhà máy chỉ là cụm công nghiệp, không phải là khu công nghiệp. Vì thế, DN này gặp khó trong hoạt động kinh doanh do không được chỉ định là DN EPE (DN chế xuất xuất khẩu trong khu công nghiệp, khu kinh tế) – bởi chỉ các DN nằm trong khu công nghiệp của quốc gia mới có thể xin cấp phép theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế của Chính phủ.

Nhận xét về trường hợp nêu trên, KoCham cho rằng, trường hợp này có thể gây tổn hại đến niềm tin của DN đối với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và tài liệu quảng bá của tỉnh. Trong khi thủ tục đầu tiên để chỉ định khu công nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành là tỉnh lập kế hoạch và có quyền hạn, trách nhiệm nộp lên Chính phủ, vì vậy, DN FDI không còn lựa chọn nào khác ngoài việc căn cứ vào các tài liệu và thông tin quảng bá do tỉnh cung cấp làm cơ sở cân nhắc đầu tư. Vì thế, KoCham kiến nghị, chính quyền địa phương cần phải thực hiện các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với các DN FDI chịu thiệt hại do thông tin cung cấp sai lệch.

Tương tự như vấn đề trên, cộng đồng DN Hoa Kỳ tại Việt Nam lại đặt ra lo ngại về sự thay đổi thường xuyên các quy định và chính sách. Bởi trong một số trường hợp, các nhà đầu tư buộc phải dừng hoạt động kinh doanh đã được cấp phép do sự xuất hiện của các quy định mới. Do đó, Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) kiến nghị, Luật Đầu tư sửa đổi nên ban hành các điều khoản bảo vệ những hoạt động kinh doanh đã được cấp phép trong các giấy phép hiện có. Cụ thể, các hoạt động kinh doanh, điều khoản và điều kiện trong giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cần được bảo vệ trước những thay đổi về quy định.

Đề xuất nới lỏng quy định

Nhìn chung, cộng đồng DN đều đánh giá, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để nới lỏng các quy định về đầu tư. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn nhiều vướng mắc, thậm chí là những quy định chồng chéo cùng sự “cứng nhắc” của đội ngũ thi hành… đang là những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới hoạt động mở rộng, đầu tư của DN.

Theo cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, thời gian trung bình trên thực tế để bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam là 17 ngày. Nhưng các DN lại cho rằng, thời gian trung bình này thậm chí còn dài hơn, nhất là với các DN FDI, có thể mất đến ba tháng hoặc lâu hơn, đặc biệt là đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, điều cần thiết là Chính phủ phải tiếp tục giảm tải rào cản pháp lý để gia nhập thị trường; giảm thời gian cần thiết để thành lập DN bằng cách đơn giản hóa các thủ tục. Các DN đánh giá rất cao về việc Chính phủ dự định loại bỏ yêu cầu thông báo mẫu con dấu theo Luật DN hiện hành, các DN cho rằng đây là một bước tiến hữu ích, nhưng lại mong muốn nới lỏng quy định về thời gian 90 ngày để rót vốn đầu tư.

Một vấn đề khác, nhiều DN bày tỏ lo ngại quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các công ty fintech. Hiện Ngân hàng Nhà nước đề xuất mức trần 30% “room” sở hữu nước ngoài trong các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch AmCham cho biết, sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ tài chính và fintech sẽ phụ thuộc vào việc triển khai khung pháp lý, quy định và chính sách thuận lợi cho đầu tư. Vì thế, việc áp dụng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán và fintech sẽ hạn chế đáng kể các công ty khởi nghiệp fintech Việt Nam trong việc huy động vốn từ các tổ chức đầu tư nước ngoài, từ đó hạn chế khả năng thu hút nhân tài và khiến họ kém cạnh tranh hơn so với các DN khác trong khu vực.

Có thể thấy, một môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ là động lực thúc đẩy quá trình đầu tư và phát triển của DN. Nỗ lực của Việt Nam thời gian qua là rất đáng ghi nhận, nhưng việc tiếp thu, sửa đổi những kiến nghị, góp ý của cộng đồng DN luôn là điều cần thiết để có được môi trường hoàn chỉnh hơn, thu hút những dự án đầu tư theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chú trọng vào phát triển bền vững.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/doanh-nghiep-dat-dieu-kien-de-mo-rong-va-dau-tu-moi-107156.html