Doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài: Nhiều khó khăn cần hóa giải

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy, hỗ trợ DN mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài. Tuy nhiên, để hoạt động này hiệu quả hơn, các DN vẫn cần nhiều giải pháp để hóa giải những khó khăn khi làm ăn ở thị trường nước ngoài.

DN đầu tư ra nước ngoài không chỉ cần nguồn lực, kinh nghiệm mà phải tăng cường ý thức trách nhiệm xã hội. Ảnh: Danh Lam

Nhiều khó khăn, rủi ro

Trong gần 3 thập kỷ qua, khuôn khổ pháp lý nhằm quản lý, thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của cộng đồng DN Việt Nam đã khá hoàn thiện, góp phần giúp các DN thuận lợi “mang chuông đi đánh xứ người”, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng hội nhập cho các DN nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 35 quốc gia, vùng lãnh thổ; tổng vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm là hơn 430 triệu USD, lũy kế hơn 22 tỷ USD.

Ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy, hỗ trợ DN mở rộng phạm vi đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài để tận dụng những cơ hội thuận lợi từ bên ngoài cũng như phát huy những lợi thế của DN tại thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, ông Chung cũng thừa nhận, hoạt động đầu tư này của các DN Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn từ nguyên nhân bên ngoài cũng như nội tại.

Nghiên cứu của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, các lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài đều tiềm ẩn rủi ro. Ví dụ như lĩnh vực nông nghiệp, ngoài những rủi ro truyền thống như thời tiết, thiên tai, thị trường, lĩnh vực này còn tiềm ần những rủi ro liên quan đến môi trường và xã hội do nhu cầu về quỹ đất và lực lượng lao động lớn. Đặc biệt, nghiên cứu còn chỉ ra rằng, những rủi ro này càng rõ ràng hơn khi phần lớn dự án đầu tư nông nghiệp của Việt Nam ra nước ngoài tập trung vào các quốc gia như Lào, Campuchia – nơi hệ thống đăng ký và quản lý đất đai chưa hoàn thiện, tập quán lao động chưa định hình rõ nét. Do đó, điều này rất dễ dẫn đến các tranh chấp ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong khu vực.

Hơn nữa, nghiên cứu của Oxfam còn cho biết, nhiều DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài nhưng không thông báo với các cơ quan quản lý, tham tán thương mại, nên các cơ quan này rất khó hỗ trợ nếu DN gặp phải những rủi ro, khó khăn. Trong khi đó, các hành vi lừa đảo thường rất tinh vi, các “cò” dự án thậm chí còn photo đầy đủ bộ hồ sơ, bản đồ đất đai của dự án để bán cho các DN Việt Nam, khiến không ít DN nhẹ dạ bỏ hàng triệu USD để mua dự án nhưng sang đến nơi mới biết dự án “ma” hoặc thuộc sở hữu đơn vị khác…

Thu hẹp khoảng cách

Nói về nguyên nhân gặp phải rủi ro trong hoạt động đầu tư nước ngoài của các DN Việt Nam, ông Vũ Văn Chung cho hay, ngoài những nguyên nhân khách quan do khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật nước sở tại chưa đầy đủ, các DN Việt Nam còn gặp rủi ro do chưa thực hiện hết, chưa quan tâm đúng mức trách nhiệm, nghĩa vụ trong hoạt động đầu tư. Vì thế, DN đầu tư ra nước ngoài không chỉ cần nguồn lực, kinh nghiệm mà phải có sự hiểu biết nhất định về pháp luật; DN phải nghiên cứu bài bản, tăng cường ý thức trách nhiệm với các vấn đề xã hội tại nước sở tại…

Chia sẻ về hoạt động đầu tư tại Lào của DN, theo bà Nguyễn Thị Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk, DN đã phải thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục những khó khăn, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa. Tiêu biểu là năm 2012, DN đã xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng tại Lào, trình độ hiểu biết của người dân còn hạn chế, họ không hiểu được những hoạt động của DN cũng như quyền lợi họ được hưởng. Vì thế, DN đã phải thay đổi từ cách tiếp cận bằng ngôn ngữ sang hình ảnh, trong đó nhấn mạnh tới chế độ bảo hiểm, quyền lợi cho công nhân, các vấn đề môi trường…, qua đó, khoảng cách giữa DN và người dân sở tại đã được thu hẹp.

Tương tự, ông Diệp Xuân Trường, Phó Ban công nghệ, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho biết, DN đã có cái nhìn toàn diện hơn về phát triển bền vững nên đã xây dựng các hoạt động liên kết giữa các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì môi trường, vì quyền lợi công nhân… để tìm ra giải pháp cũng như cách thức nâng cao trách nhiệm xã hội trong hoạt động đầu tư. DN đã tổ chức các chương trình tập huấn cho cán bộ, công nhân viên tại các công ty thành viên tại Lào và Campuchia để nâng cao nhận thức, giúp xây dựng hình ảnh nhà đầu tư có trách nhiệm, xây dựng được các chính sách đầu tư hiệu quả.

Theo các chuyên gia, hoạt động đầu tư dù ở nơi đâu cũng cần ý thức trách nhiệm xã hội để hiệu quả đầu tư của DN được phát huy tối đa. Do đó, nhiều chuyên gia kiến nghị cần nâng cấp các quy trình phát triển bền vững lên thành những tiêu chuẩn, quy chuẩn để giúp phân biệt các DN đầu tư có trách nhiệm; làm được như vậy DN mới nâng cao được năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, uy tín với các bạn hàng, đối tác, người lao động, chính quyền nước sở tại cũng như những nhà đầu tư trong tương lai.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doanh-nghiep-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-nhieu-kho-khan-can-hoa-giai.aspx