Doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang thị trường nhỏ

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) thông tin, trong tháng qua, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang nhiều thị trường nhỏ đạt mức tăng trưởng cao, như Thái Lan tăng 55%, Nga tăng 255%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các thị trường lớn đang giảm. Theo TTXVN, trong tháng 2-2023, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam giảm 13% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt 108 triệu đô la Mỹ, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Ngư dân đánh bắt cá ngừ để phục vụ cho việc xuất khẩu. Ảnh minh họa: khanhhoa.gov.vn

Ngư dân đánh bắt cá ngừ để phục vụ cho việc xuất khẩu. Ảnh minh họa: khanhhoa.gov.vn

Theo trang web của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), tháng 2 vừa qua, việc xuất khẩu cá ngừ tại các thị trường nhỏ có mức tăng trưởng cao.

Cụ thể, ở các thị trường như Israel, Thái Lan, Nga, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng với tỷ lệ lần lượt là 131%, 55% và 255%.

Xuất khẩu cá ngừ sang nhiều thị trường nhỏ khác cũng có sự tăng trưởng cao như Hàn Quốc tăng 525%, Anh tăng 182%, Úc tăng 104%, Phần Lan là 654%…

Nguyên nhân được xác định là do sự giảm sút của nhu cầu nhập khẩu ở các thị trường lớn dẫn đến các doanh nghiệp xuất khẩu chuyển sang tìm kiếm các thị trường nhỏ có tiềm năng.

Ở chiều ngược lại, cũng trong tháng 2, xuất khẩu cá ngừ sang một số thị trường lớn ghi nhận giá trị giảm sút như Mỹ giảm 45% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này giảm 54% so với cùng kỳ.

Tương tự, một số thị trường khác trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có tỷ lệ xuất khẩu cá ngừ tăng nhưng không đủ để bù lại lượng giảm sút. Chẳng hạn, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật Bản và Mexico có mức tăng lần lượt là 28% và 194% so với cùng kỳ. Còn ở Canada, tỷ lệ này sụt giảm tới 81%. Do vậy, xét chung các thị trường trong khối CPTPP này, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 2 giảm 13% so với cùng kỳ.

Theo VASEP, nguyên nhân của việc xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang các thị trường lớn sụt giảm là do lạm phát cao, chênh lệch tỷ giá, cạnh tranh cao với các nước đối thủ và giá cá ngừ nguyên liệu tăng cao khiến nhà nhập khẩu trì hoãn, thậm chí giảm số lượng đơn hàng.

T.Đào

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-day-manh-xuat-khau-ca-ngu-sang-thi-truong-nho/