Doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ 880 tỷ đồng để bỏ trạm BOT T2

Công ty cổ phần đầu tư Quốc lộ 91 (Cần Thơ - An Giang) đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành có phương án nhận lại dự án và hoàn trả chi phí cho nhà đầu hoặc Chính phủ hỗ trợ cho dự án 880 tỷ đồng thì sẽ đồng ý bỏ trạm thu phí T2 và chỉ thực hiện thu phí trạm T1.

Công ty cổ phần đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang vừa có công văn số 78 gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đề nghị được hỗ trợ công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án BOT Quốc lộ 91.

Theo đó, Công ty cổ phần đầu tư Quốc lộ 91 là doanh nghiệp dự án được thành lập bởi liên danh Tổng công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (CTI) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn km14+000 đến km50+889 theo hợp đồng BOT.

Dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 79 ngày 9/1/2014, phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1519 ngày 27/4/2015 và Quyết định số 692 ngày 14/3/2017 với tổng mức đầu tư 1.720.337 triệu đồng. Dự án được chia làm hai phân đoạn, gồm phân đoạn 1 là cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn từ km14 đến km50+889; phân đoạn 2 là mở rộng, tăng cường nền, mặt đường quốc lộ 91B đoạn từ km 0+000 đến km15+793.

Qua kiểm toán, xác định giá trị đầu tư là trên 1.651 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là trên 277 tỷ đồng; tổng vốn vay theo hợp đồng BOT là trên 1.373 tỷ đồng.

Trạm T2 xả trạm từ ngày 25/5/2019 đến nay.

Trạm T2 xả trạm từ ngày 25/5/2019 đến nay.

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, dự án đã nhiều lần bị lái xe, chủ phương tiện phản ứng bằng cách cho phương tiện dừng tại các làn thu phí của trạm T2 vì họ cho rằng trạm này thu phí bất hợp lí. Đặc biệt, sau khi cầu Vàm Cống được khánh thành, thông xe đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 19/5, tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn. Dự án cũng đã được nhà đầu tư thực hiện xả trạm từ ngày 25/5/2019 đến nay.

Theo chủ đầu tư, dự án dừng thu phí tại trạm T2 đã dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, nếu không có phương án xử lý sớm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền hoàn vốn và kế hoạch trả nợ ngân hàng tài trợ vốn cho dự án.

Để xử lý vấn đề nêu trên, chủ đầu tư dự án đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có phương án nhận lại dự án và hoàn trả chi phí đầu tư dự án cho nhà đầu tư để nhà đầu tư có nguồn vốn trả nợ ngân hàng giúp nhà đầu tư ổn định tình hình sản xuất kinh doanh...

Trường hợp Chính phủ không có phương án nhận lại dự án, để đảm bảo duy trì thực hiện hợp đồng BOT theo đúng thỏa thuận đã được ký kết giữa nhà đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư đề nghị Chính phủ có phương án hỗ trợ dự án 880 tỷ đồng (gồm chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 400 tỷ đồng và chi phí xây dựng quốc lộ 91B khoảng 480 tỷ đồng). Dự án chỉ thực hiện thu phí tại trạm T1 để hoàn vốn đầu tư xây dựng quốc lộ 91.

Nhật Huy

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/doanh-nghiep-de-nghi-duoc-ho-tro-880-ty-dong-de-bo-tram-bot-t2-1434905.tpo