Doanh nghiệp địa ốc loay hoay tìm nguồn vốn thay thế

Tại Việt Nam, 80% nguồn vốn chảy vào bất động sản, trong khi tỷ lệ này ở các nước khác chỉ khoảng 35%. Chính vì thế mà cơ cấu vốn đầu tư vào thị trường BĐS đang bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Khoảng 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng

Hiện có khoảng 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa sử dụng được nguồn vốn ngân hàng, chủ yếu do không tiếp cận được, đặc biệt là khối doanh nghiệp khởi nghiệp.

Giải thích về nguyên nhân này, các chuyên gia cho hay do nhà nước còn nhiều khuôn khổ chính sách nên chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Ngân hàng thì còn thờ ơ trong quan hệ với khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dù vẫn cho vay bằng việc thế chấp để đảm bảo an toàn nhưng trong nền kinh tế số và khởi nghiệp, các dự án đầu tư nông nghiệp không có nhiều tài sản thế chấp để vay. Ngoài ra các dự án và ý tưởng kinh doanh là nguồn lực quan trọng lại ít được coi là căn cứ để cấp tín dụng.

LS Bùi Quang Tín - Chuyên gia Kinh tế Tài chính thuộc Đại học Ngân hàng Tp.HCM nhìn nhận, bản thân các doanh nghiệp nhỏ cũng thiếu minh bạch trong kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, các phương án kinh doanh ít khả thi nên không tạo được niềm tin từ ngân hàng. Đây cũng là lý do để các thiết chế tài chính và tín dụng từ chối cấp vốn.

Trước lộ trình giảm dần nguồn tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, ông Tín cho rằng doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm nguồn vốn khác thay thế. Việc tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư BĐS chưa khả thi vì cho đến nay, cả nước mới chỉ có 1 Quỹ đầu tư BĐS là TCREIT với số vốn điều lệ rất nhỏ chỉ có 50 tỷ đồng nên chưa huy động được nguồn vốn nhàn rỗi rất lớn trong nước và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường BĐS.

Về nguồn vốn từ quỹ đầu tư ngoại, nguồn vốn FDI các năm qua vẫn chưa thể mở rộng, hầu hết dòng vốn vào Việt Nam đều đến từ các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Trong khi đó, các nhà đầu tư đến từ châu Âu, Mỹ khá dè dặt với thị trường BĐS Việt Nam. Van tín dụng vào BĐS sẽ hẹp hơn khi ngân hàng siết vốn. Chứng khoán sẽ là kênh huy động vốn an toàn nhất trong thời gian tới.

Đối với chính sách vốn từ thị trường chứng khoán, cổ phiếu hai ngành ngân hàng và BĐS đã đạt mức tăng trưởng 3 con số, cổ phiếu nhóm ngành BĐS niêm yết trên thị trường dần thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của dòng tiền. Vị thế của thị trường tài chính Việt Nam đối với công chúng, nhà đầu tư, hứa hẹn sẽ tác động tích cực lên khả năng hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cải thiện thanh khoản của thị trường.

Việt Nam đã được FTSE Russell xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier) lên thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging). Song song đó, các yếu tố vĩ mô năm 2019 mà Quốc Hội đã thông qua khá thuận lợi: mức tăng GDP 6,6-6,8%, CPI khoảng 4%... sẽ hỗ trợ tốt cho TTCK tăng điểm nhiều hơn là rủi ro. “Quy mô thị trường chứng khoán đến nay đạt khoảng 113% GDP giúp thị trường vốn này làm chủ cuộc chơi BĐS” – ông Tín khẳng định.

Tuy nhiên, ông Tín nhận định vẫn còn tồn tại những rủi ro làm cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế điển hình như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Vì vậy, năm 2019, toàn bộ nền kinh tế cũng rất có khả năng bị ngưng trệ. Đối với nền kinh tế có sự giao lưu, tương tác mạnh mẽ như Việt Nam thì đà tăng trưởng vẫn khá ổn định nhưng vẫn có thể bị ảnh hưởng ít nhiều.

PHƯƠNG UYÊN

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/doanh-nghiep-dia-oc-loay-hoay-tim-von-thay-the-141589.html