Doanh nghiệp địa ốc 'nín thở' chờ được giãn, hoãn nợ

Không ít doanh nghiệp khẳng định không 'ngán' lãi suất, chỉ sợ bị nhảy nhóm nợ. Vì vậy, những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đang được nhiều 'đại gia' bất động sản 'nín thở' chờ đợi.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản.

Động thái quyết liệt về cơ chế

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiêu chí đánh giá năng lực khách hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần phát triển hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trước ngày 25/4/2023.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng xem xét giải quyết theo thẩm quyền kiến nghị của doanh nghiệp… về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản…

Doanh nghiệp vẫn đang ngóng chờ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Doanh nghiệp vẫn đang ngóng chờ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Cần nhấn mạnh, trong thời gian qua, việc giãn, hoãn nợ là một trong những vấn đề nóng liên tục được các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đề cập, kiến nghị tháo gỡ.

Điển hình như Novaland. Trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 vừa công bố, tập đoàn ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất gần 11.151 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 2.182 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tới ngày 31/12/2022, tổng nợ vay và nợ trái phiếu của Novaland là 64.869 tỷ đồng, số đã thanh toán được đạt 1.985 tỷ đồng. Số nợ còn lại đang được Novaland đàm phán với các chủ nợ để gia hạn hoặc thanh toán một phần bằng cách thanh lý tài sản.

Nói về các khoản nợ của tập đoàn, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland, từng khẳng định trong giai đoạn đầy khó khăn này, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ về cơ chế.

Cụ thể, ông Nhơn kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án.

Tương tự, đại diện Hưng Thịnh Land, tại một hội nghị mới đây, cũng cho hay hiện doanh nghiệp chưa bị nhảy nhóm nợ nhưng không có nghĩa là không nhảy.

“Nếu không có chính sách hỗ trợ thì dư nợ của doanh nghiệp sẽ nhảy nhóm nợ trong thời gian tới. Vì vậy, tập đoàn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu nợ, tránh tình trạng nhảy nhóm nợ cho doanh nghiệp”, đại diện Hưng Thịnh Land nhấn mạnh.

Doanh nghiệp hồi hộp chờ đợi

Hồi cuối tháng 3, trong bối cảnh khó khăn bủa vây, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình kiêm Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) cũng gửi công văn đến Thủ tướng và cơ quan chức năng kiến nghị các giải pháp giãn, hoãn, khoanh nợ cho các nhà thầu.

Đặc biệt, trong công văn gửi đi, có 21 doanh nghiệp thành viên của Ban chấp hành SACA đã ký tên kiến nghị Chính phủ 3 nội dung. Nổi bật trong số đó là đề nghị cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng.

Mục đích thì dễ lý giải, là để giúp các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng có thời gian thu hồi nợ, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu để dần dần thanh toán nợ vay.

Có thể thấy, các doanh nghiệp địa ốc và xây dựng đang rất ngóng chờ một thông tư chính thức về vấn đề cơ cấu lại thời hạn trả và giữ nguyên nhóm nợ, quá đó giảm nỗi lo rơi vào “danh sách đen” nợ xấu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết thực tế Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành dự thảo thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Tuy nhiên, thông tư này được áp dụng cho các tổ chức tín dụng và tất cả khách hàng bao gồm cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người mua nhà...

Vì vậy, vị đại diện HoREA kiến nghị, trong bối cảnh vô cùng cấp bách, cần xây dựng và ban hành thông tư này theo trình tự, thủ tục rút gọn, để nhanh chóng đi vào thực tiễn, gỡ khó cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc ban hành một thông tư về cơ cấu nợ, giãn nợ cho riêng lĩnh vực bất động sản là rất khó, cả về phía Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động.

Trước đó, dù khẳng định sẽ tiếp thu và nghiên cứu đề xuất cơ cấu nợ, nhưng đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, rất khó đưa ra cơ chế ưu ái riêng cho doanh nghiệp bất động sản, bởi nếu vậy thì các ngành nghề khác cũng đòi cơ chế tương tự, trong khi bất động sản không phải là lĩnh vực ưu tiên.

Theo đó, để tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trước hết các doanh nghiệp phải tự lực tái cơ cấu phù hợp với khả năng quản lý và tình hình tài chính của mình, bên cạnh trông chờ sự tháo gỡ của các bộ, ngành.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/doanh-nghiep-dia-oc-nin-tho-cho-duoc-gian-hoan-no-1092076.html