Doanh nghiệp FDI vẫn nắm 'phần hồn' của ngành xuất khẩu da giày Việt Nam

Theo Lefaso, hiện các doanh nghiệp FDI vẫn đang nắm 'phần hồn' của ngành công nghiệp xuất khẩu da giày, túi xách. Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội tiếp tục xu hướng giảm một thời gian dài.

Số liệu từ Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho thấy, kết thúc năm 2018, ngành da giày, túi xách đã mang về tổng kim ngạch xuất khẩu 19,5 tỷ USD, duy trì được mức tăng trưởng 10% so với năm 2017. Nhưng đằng sau con số tăng trưởng xuất khẩu này vẫn còn nhiều điều đáng nói, dù không phải là câu chuyện mới.

Hiện các doanh nghiệp FDI vẫn đang nắm “phần hồn” của ngành công nghiệp xuất khẩu lớn thứ 4. Cụ thể theo số liệu của Lefaso, doanh nghiệp FDI nắm giữ 78,2% tổng kim ngạch xuất khẩu da giày, túi xách, với tổng giá trị tính trong 11 tháng 2017 gần 14 tỷ USD, trong đó, giày dép đạt 11,63 tỷ USD và túi xách 2,34 tỷ USD.

Hiện có hơn 500 doanh nghiệp ngành da giày tham gia xuất khẩu

Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội đã tiếp tục xu hướng giảm một thời gian dài, từ mức 25% năm 2017 xuống còn 19,7% năm 2018.

Dù được nhận định là ngành có tiềm năng lớn với hơn 500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, đặc biệt là trong việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực từ đầu năm nay, nhưng nhiều doanh nghiệp trong mảng giày da vẫn gặp thách thức, mà mấu chốt chính là chưa chủ động được nguồn cung ứng da nguyên liệu, vẫn phải phụ thuộc từ nguồn nhập khẩu.

Được biết, một trong những nội dung trọng tâm của Lefaso trong năm 2019 là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phổ biến chính sách nhà nước và thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu hướng đến mục tiêu gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và duy trì phát triển bền vững.

Dự báo năm 2019, cơ hội thị trường với ngành giày dép, túi xách Việt Nam vẫn khá triển vọng, do tăng nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính yếu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, đặc biệt là Trung Quốc. Các doanh nghiệp da giày, túi xách vẫn đang có nhiều cơ hội để tận dụng gia tăng xuất khẩu, đặc biệt với một số thị trường trong CPTPP mà giày dép còn chưa vào được nhiều như Canada, Mexico, Australia...

Trên cơ sở đó, ngành da giày, túi xách đặt mục tiêu xuất khẩu 21,5 tỷ USD trong năm 2019, tăng thêm 2 tỷ USD so với thực hiện của năm 2018.

Mục dù mục tiêu này được đánh giá là không dễ dàng bởi thách thức đối với ngành giày da là không hề nhỏ. Để đáp ứng rào cản về thương mại, kỹ thuật, ngành cần có chiến lược.

Câu chuyện nguyên phụ liệu là muôn thuở đối không chỉ với ngành giày da, vì thế mỗi ngành đều cần có những giải pháp cụ thể và quyết liệt. Trên thực tế, Bộ Công Thương đã ra Nghị quyết 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp không tận dụng được các điều kiện đã có cũng như chưa thể hiện rõ quyết tâm tìm một hướng đi bền vững cho chính mình cũng như toàn ngành.

Lê Minh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/doanh-nghiep-fdi-van-nam-phan-hon-cua-nganh-xuat-khau-da-giay-viet-nam-535176.html