Doanh nghiệp Fintech: Cần gỡ rào cản pháp lý

Thị trường Fintech (công nghệ tài chính) Việt Nam mặc dù xuất hiện muộn nhưng đã có bước phát triển nhanh, đạt mức 4,4 tỷ USD năm 2017 (dựa trên giá trị giao dịch). Tuy nhiên, hiện còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của làn sóng Fintech, nhất là rào cản về pháp lý.

Dự kiến đạt ngưỡng 7,8 tỷ USD

Fintech là một trong những lĩnh vực có sự phát triển sâu rộng trên phạm vi toàn cầu. Sự xuất hiện của làn sóng Fintech đã và đang đem lại hiệu ứng tích cực với người tiêu dùng và ngành dịch vụ tài chính bằng tư duy đổi mới sáng tạo, nhạy bén với nhu cầu người dùng.

Bình Dương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghệ cao

Tại Việt Nam, các Fintech startup xuất hiện từ khoảng năm 2015 và nhận được nhiều sự quan tâm của người dùng trong lĩnh vực tài chính, tập đoàn, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước. Theo nghiên cứu của Solidiance - công ty tư vấn chiến lược và tiếp thị chuyên về thị trường châu Á, tính đến hết năm 2017, thị trường Fintech Việt Nam đã đạt mức 4,4 triệu USD (dựa trên giá trị giao dịch) và dự kiến có thể đạt ngưỡng 7,8 tỷ USD vào năm 2020.

Tại hội thảo của Làng khởi nghiệp công nghệ tài chính tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia mới đây, ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) - cho biết, tại thị trường Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 công ty Fintech đang hoạt động với đa số các công ty Fintech của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thanh toán.

Đến nay, đã có 26 doanh nghiệp (DN) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Các DN khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến (như Moca, Payoo, VinaPay, MoMo...), hoặc cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS.

Xây dựng khung pháp lý

Tuy nhiên, so với các nước khác trong khu vực, sự phát triển của DN Fintech còn khiêm tốn, ví dụ, tại Singapore có khoảng 490 DN Fintech, Indonesia có 262 DN, Malaysia có 196 DN… Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, hiện việc phát triển thị trường Fintech Việt Nam còn nhiều vấn đề cản trở, nhất là khoảng trống về pháp lý.

Hiện, thể chế quản lý hoạt động Fintech chưa được đề cập tại bất kỳ văn bản pháp lý cụ thể nào, cũng chưa có quy định về đơn vị chuyên trách hỗ trợ, xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, hầu hết các công ty Fintech có tuổi đời còn khá trẻ (dưới 5 năm), nên thiếu kinh nghiệm và chiến lược phát triển DN.

Hơn nữa, vấn đề hạ tầng cũng là bài toán khó, ảnh hưởng đến sự phát triển của DN Fintech. Hiện nay, việc mở rộng chi nhánh, cây ATM đang là gánh nặng chi phí. Tại Việt Nam, trung bình cứ 3 chi nhánh phục vụ 100.000 dân, 24 ATM phục vụ 100.000 dân. Trong khi đó, trung bình trên thế giới, 10 chi nhánh phục vụ 100.000 dân, 53 ATM phục vụ 100.000 dân.

Ngoài ra, nếu phát triển độc lập, DN Fintech sẽ có ít niềm tin từ khách hàng, khó tăng trưởng quy mô người dùng. Trong khi đó, công ty Fintech và ngân hàng đều có những ưu điểm riêng biệt mà cả hai bên có thể khai thác lẫn nhau. Các công ty Fintech mang tính chất là startup nên rất sáng tạo và năng động, có nhiều sản phẩm mới, hiện đại để xây dựng các giao diện thân thiện với người sử dụng. Ngược lại, các ngân hàng vẫn giữ được những lợi thế cạnh tranh nhất định, đó là mối quan hệ từ lâu với khách hàng, hành lang pháp lý quy định cụ thể, chặt chẽ, kinh nghiệm trong quản trị rủi ro…

Ông Nghiêm Thanh Sơn nhận định, việc kết hợp này sẽ biến Fintech trở thành “cánh tay nối dài” của các ngân hàng tới những đối tượng dùng chưa có tài khoản ở ngân hàng truyền thống hay những đối tượng chưa tiếp cận dịch vụ truyền thống (unbanked), mang lại những trải nghiệm tốt, linh hoạt, nhiều tiện ích cho khách hàng, hỗ trợ đắc lực cho phổ cập tài chính sâu rộng hơn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Theo các chuyên gia, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tổng thể cho lĩnh vực Fintech bởi đây là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trước mắt, có thể ban hành cơ chế quản lý thử nghiệm khi chưa thể ngay lập tức xây dựng được một khuôn khổ pháp lý tổng thể.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-fintech-can-go-rao-can-phap-ly-113324.html