Doanh nghiệp gặp khó khi giải trình nguồn gỗ hợp pháp

'Việt Nam là nước có diện tích trồng rừng và khai thác rừng khá lớn nhưng nguồn nguyên liệu có chất lượng và hợp pháp của Việt Nam lại hạn chế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải có những thay đổi lớn về nhận thức để lựa chọn những thị trường gỗ đảm bảo nguồn gốc hợp pháp' - ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ.

Trong 10 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 1,88 tỷ USD (Ảnh TL)

Cơ hội thâm nhập các thị trường rộng lớn

Trong 10 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 1,88 tỷ USD, tăng 5,23% so với cùng kỳ năm 2017. Những thị trường nhập khẩu chủ yếu trong 9 tháng đầu năm gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Chi Lê, Đức, Brazil, Pháp, New Zealand, chiếm 60% giá trị kim ngạch nhập khẩu.

Một thực tế hiện nay là trong khoảng 4.500 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản hiện nay thì có đến 93% là có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, không tập trung. Trong khi đó, nguồn gỗ từ rừng trồng trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, khối lượng gỗ nhập khẩu hàng năm rất lớn và từ nhiều thị trường khác nhau.

Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) được kí kết, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ sẽ có nhiều cơ hội gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu gỗ, nhất là những mặt hàng giá trị cao vào thị trường EU. Tuy nhiên đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng dần tính chuyên nghiệp hóa để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu, nhất là nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Scansia Pacific cho rằng, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ tạo ra nhiều thuận lợi để có thể thâm nhập các thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, đây cũng chính là thách thức đối với doanh nghiệp khi phải giải trình nguồn gỗ hợp pháp. Hiện doanh nghiệp cũng phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài nên để chứng minh nguồn gốc hợp pháp, buộc doanh nghiệp phải tìm hiểu và lựa chọn đối tác có gỗ sạch. Qua đó mới đáp ứng được những tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu vào thị trường EU trong những năm tới.

Đồng ý với ý kiến trên, ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay: Với VPA/FLEGT, 100% gỗ xuất khẩu vào EU phải là gỗ hợp pháp. Dù doanh nghiệp dùng gỗ nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu vẫn phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của gỗ. Như vậy, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều công đoạn để đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ rõ ràng, khiến gia tăng chi phí.

Tuy vậy, ông Quyền cũng khẳng định: “Đây là một đòi hỏi tất yếu của thị trường thế giới. Ví dụ ở Mỹ là Đạo luật Lacey Act cũng với nội dung tương tự VPA/FLEGT về trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ. Bởi vậy, để giữ vững thị trường xuất khẩu, bản thân các doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hóa trong mọi khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo, công nhân để thực hiện nghiêm túc các yêu cầu đặt ra”, ông Quyền nói.

Khoảng 4.500 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản hiện nay thì có đến 93% là có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (Ảnh TL)

Thúc đẩy việc trồng rừng, sản xuất phát triển bền vững

Nhằm tận dụng tốt cơ hội mở ra từ Hiệp định VPA/FLEGT, theo ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp: “Chúng ta phải hành động, mà thực tế là đã hành động từ lâu. Một loạt công việc như hệ thống luật pháp có bước tiến, tiếp thu ý kiến cả trong và ngoài nước sao cho có lợi chung. Về việc hỗ trợ cho nông dân, mỗi địa phương có cách làm khác nhau, sao cho thúc đẩy việc trồng rừng, sản xuất phát triển bền vững. Về nguồn gốc gỗ nhập khẩu, chúng ta có nhập khẩu gỗ từ Campuchia, Nam Phi, Cameroon nhưng đã giảm đi nhiều. Nhập khẩu gỗ từ Campuchia cũng giảm 3 -4 lần”.

Về phía Bộ, Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNN cho rằng, VPA/FLEGT là cơ hội để tăng cường công tác quản lý gỗ, tăng cường việc theo dõi giám sát hành trình của sản phẩm từ gỗ. Nguồn nguyên liệu làm đồ gỗ hiện nay Việt Nam nhập khẩu từ nhiều nước, đôi khi gặp khó khăn trong việc giám sát hành trình gỗ, buộc chúng ta phải đảm bảo gỗ đưa vào chế biến, xuất khẩu là hợp pháp, không gây hại môi trường…

Hiện nay Việt Nam đang sử dụng hai nguồn gỗ nguyên liệu từ nhập khẩu và trong nước. Đối với nguồn nhập khẩu, việc truy xuất rõ nguồn gốc phải được thực hiện nghiêm túc và triệt để. Với nguồn gỗ nguyên liệu trong nước, hiện việc cấp chứng chỉ rừng bền vững cho các diện tích rừng trồng đang được ngành chức năng, các địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện dù công việc này khá tốn kém.

Đức Minh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/doanh-nghiep-gap-kho-khi-giai-trinh-nguon-go-hop-phap-48683