Doanh nghiệp Hà Lan muốn mang đến giải pháp dài hạn

Cuối tháng 3 vừa rồi, Liên đoàn Công nghiệp và Chủ lao động Hà Lan (VNO-NCW) đã mời đoàn báo chí Việt Nam sang nước này để giới thiệu về các công nghệ quản lý nguồn nước và nông nghiệp bền vững trước chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan vào tháng 4 này. Bà Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý tài nguyên nước Cora van Nieuwenhuizen cho hay, các doanh nghiệp Hà Lan đang nhắm tới việc chuyển giao công nghệ để phát triển nông nghiệp tại khu vực TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long.

 Ông Robert Moore, Điều phối viên về đồng bằng Việt Nam của Chính phủ Hà Lan, giới thiệu cách vận hành cối xay gió được cải tiến từ loại cối xay gió truyền thống.

Ông Robert Moore, Điều phối viên về đồng bằng Việt Nam của Chính phủ Hà Lan, giới thiệu cách vận hành cối xay gió được cải tiến từ loại cối xay gió truyền thống.

Ngày đầu tiên, đoàn được thăm hàng rào chống bão di động Maeslantkering, cũng là điểm du lịch nổi tiếng của Hà Lan. Đất cảng xinh đẹp này đã có thời chèo thuyền chống lũ, nên hai cánh hàng rào đã được dựng lên để chống nước tràn vào thành phố trong mùa lũ mà vẫn không ngăn cách tàu bè lưu thông giữa các cảng Rotterdam và Antwerp. Hàng rào là hai cổng thép được điều khiển bởi siêu máy tính, cao 22 mét và dài 210 mét.

Ngày thứ hai, ông Erwin Cardol, Giám đốc Trung tâm World Horti Center, đã giới thiệu với đoàn về Trung tâm nuôi trồng thông minh, đây là một chuỗi kết hợp các nhà khoa học, doanh nghiệp và trường học để nghiên cứu về nông nghiệp, bao gồm 36 loại nông sản với diện tích từ 85-170 mét vuông cho mỗi loại. Tại đây, nông sản được trồng trong nhà kính trên đá len giữ nước để tiết kiệm nước tưới tiêu. Máy tính được kết nối với hệ thống cảm biến nhiệt độ và hệ thống tưới tiêu có trộn sẵn chất dinh dưỡng.

Trong ngôi nhà kính trồng hoa và cà chua, một đàn ong bay lượn để thụ phấn cho cây trái thay vì cần nhân công cho việc này. Kế hoạch sản xuất cũng được thực hiện theo đơn đặt hàng nên không có chuyện trồng rồi mà không tìm được người mua. Các loại nông sản trồng trong nhà kính cũng giúp nhà nông tránh khỏi việc thất mùa vì thời tiết khắc nghiệt ở Hà Lan.

Cùng đi với đoàn còn có Công ty Kenlog, một công ty đang gây dựng cầu nối cho doanh nghiệp Hà Lan vào Việt Nam. Theo ông Henk van Eijk, Giám đốc điều hành của công ty, nhà nông Hà Lan đã có nhiều kinh nghiệm đối chọi với lũ lụt và thời tiết lạnh giá vốn làm thiệt hại cây trồng của họ. Đối với họ, nhà kính là lựa chọn tối ưu để giữ nhiệt độ ổn định và tránh sâu bệnh, đồng thời giúp trồng trọt được cả năm. Ông Henk cho hay năng suất của cách nuôi trồng truyền thống, ví dụ như trồng khoai tây, chỉ có thể đạt 6 ki lô gam/mét vuông/năm, trong khi đó, trồng tại nhà kính thông minh có thể cho ra 120 ki lô gam/mét vuông/năm, vì có thể trồng được quanh năm, không bị lệ thuộc vào vụ mùa. Hiện nay, Kenlog đã làm việc nhiều năm với nhà nông ở Sa Đéc (Đồng Tháp) và Công ty Lavifood để phát triển nhà kính trồng nông sản. Trong năm nay, Kenlog đang hướng tới việc hợp tác cùng Vinfood và nhà nông tại Đà Lạt (Lâm Đồng).

Tiếp lời ông Henk van Eijk, ông Mirjam Boekestijn, Giám đốc Dự án Thực phẩm quốc tế, cho biết Kenlog đang phát triển dự án xây dựng hai trung tâm Flower Collection Center (FCC) tại Đà Lạt và Flower Trading Center (FTC) tại TPHCM, kết nối chuyển giao công nghệ nông nghiệp thông minh. Ông cho rằng sự hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam để chuyển giao công nghệ trồng trọt mới này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía. Các nhà nông nghiệp dùng công nghệ thông minh tại Hà Lan đang tìm đối tác để chuyển giao công nghệ, nhất là các nhà nông trồng hoa ở Đà Lạt.

Mỹ Huyền

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286954/doanh-nghiep-ha-lan-muon-mang-den-giai-phap-dai-han.html