Doanh nghiệp Hà Nội bàn cách 'gỡ khó' vượt qua dịch Covid-19

Chiều 5-3, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy phát triển ngành Công Thương thành phố Hà Nội trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới. Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp 'gỡ khó' trước mắt và lâu dài, giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó với dịch bệnh và bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng...

Quang cảnh hội nghị.

Nhiều ngành nghề bị tác động

Báo cáo đánh giá về tác động bởi dịch Covid-19 của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hai tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 5,8% (cùng kỳ tăng 6,1%). Một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh như: Bia, rượu giảm 23,2%; giày, dép giảm 5,5%; sản phẩm bằng nhựa giảm 12,5%;... Kim ngạch xuất khẩu giảm 19% (cùng kỳ tăng 15,5%), kim ngạch nhập khẩu giảm 20,7% (cùng kỳ tăng 10,4%). Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát giảm 0,9% (cùng kỳ tăng 12,3%). Khách du lịch giảm mạnh, trong đó khách Trung Quốc giảm 93,5%; khách Hàn Quốc giảm 51,4%; khách du lịch nội địa giảm 27%. Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 0,5%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 3%,...

Nhận định về tác động của dịch Covid-19 với cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết, nhóm doanh nghiệp ngành du lịch chịu ảnh hưởng nhiều nhất do lượng khách giảm sâu. Bên cạnh đó, 60% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc Hiệp hội phụ thuộc từ 35 – 45% nguồn nguyên liệu nhập khẩu, thậm chí có doanh nghiệp ngành may mặc như Tổng công ty May 10 -CTCP nhập 65-70% nguyên phụ liệu từ vùng có dịch, do vậy nguyên liệu dự trữ chỉ sản xuất được đến hết tháng 3.

Với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu do có nguyên liệu đầu vào là hàng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng bị ảnh hưởng lớn. Ví dụ, Công ty cổ phần Sunhouse không thể xuất khẩu đi Mỹ 2 container mỗi tháng như kế hoạch do thiếu linh kiện, phụ tùng.

Từ góc độ làng nghề, ông Phạm Khắc Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho biết: Nguyên liệu ở nhiều làng nghề sản xuất da giày, mây tre, lược sừng, gốm sứ… chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất trong 2 tháng tới.

Đại diện cho khối bán lẻ, bà Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc điều hành Vinmart miền Bắc cho biết, 2 tháng qua, số lượng khách hàng đến với các siêu thị, cửa hàng của hệ thống này giảm rõ rệt do tâm lý e ngại tới nơi đông người và tần suất mua sắm cũng giảm đáng kể. Bên cạnh đó, hệ thống cũng gặp khó khăn do không tuyển được nhân lực bán hàng.

Sẽ có giải pháp hỗ trợ thiết thực

Liên kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau cả về nguyên liệu, vốn và thông tin thị trường... là các giải pháp mà những thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đang thực hiện để cùng nhau vượt qua khó khăn. Song, ông Mạc Quốc Anh mong muốn các cơ quan chức năng cải cách nhiều hơn các thủ tục hành chính, hải quan, đẩy mạnh đầu tư các cụm công nghiệp để có quỹ đất mở rộng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ và du lịch bằng cách giảm thuế VAT, giãn thời gian nộp thuế, giãn thời gian trả nợ ngân hàng, khoanh nợ….

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, đề xuất lùi, giãn, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 3-6 tháng để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đại diện Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội thì cho biết, căn cứ các chỉ đạo và kế hoạch tăng trưởng của UBND thành phố, Quỹ sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể triển khai các hoạt động. Cụ thể, Quỹ sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, phối hợp với các ngành báo cáo thành phố điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp….

Đại diện hệ thống Vinmart miền Bắc kiến nghị các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm gỡ bỏ tâm lý lo lắng của người dân, đồng thời ngành Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo hưng phấn mua sắm cho người tiêu dùng.

Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng khẳng định, Hà Nội tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp ứng phó trước tác động của dịch COVID-19, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trên 8%.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị của Bộ Công Thương, 57 Thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung bị ảnh hưởng của dịch bệnh (nhất là các nguyên liệu ngành dệt may, da giày, điện tử, ...). Bên cạnh đó, rà soát, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu (như thị trường Nga, châu Mỹ Latinh, châu Phi), giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp các tiêu chuẩn, quy cách, đóng gói, bảo quản, bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành, các hiệp hội ngành hàng tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực: hải quan, thuế, đất đai, ngân hàng.

Đặc biệt, Sở sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp tăng cường trao đổi thông tin với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khác để giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp các tỉnh, thành nhằm hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Về phía các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, sử dụng sản phẩm của nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm mức phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài.

Vĩnh Hà -TTXVN

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/960252/doanh-nghiep-ha-noi-ban-cach-go-kho-vuot-qua-dich-covid-19