Doanh nghiệp Ðiện Biên chật vật hỗ trợ người lao động

Ðể tồn tại trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết doanh nghiệp (DN) ở Ðiện Biên phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Vì thế, họ rất cần được hỗ trợ để duy trì hoặc có thể chống đỡ trước nguy cơ phá sản đang hiện hữu…

Nhiều tháng nay, Khu du lịch sinh thái Him Lam gần như không có khách ghé thăm.

Ðể tồn tại trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết doanh nghiệp (DN) ở Ðiện Biên phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Vì thế, họ rất cần được hỗ trợ để duy trì hoặc có thể chống đỡ trước nguy cơ phá sản đang hiện hữu…

Khó khăn nhiều bề

Ðây là ghi nhận của chúng tôi khi làm việc với đại diện một số DN sử dụng nhiều lao động tại Ðiện Biên. Ông Nguyễn Chí Ba, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và TMDV Hoa Ba, cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách mua sắm tại siêu thị giảm 75% so với trước. Ðể cân đối nguồn lực, bảo đảm đời sống người lao động (NLÐ), công ty đã cắt giảm các khâu hoặc chi phí không cần thiết. Ðáng chú ý, không để NLÐ phải nghỉ việc vì không có việc làm, công ty tạm thời cho NLÐ ở tất cả các bộ phận tăng số ngày nghỉ từ bốn ngày/tháng lên 10 ngày/tháng và đồng thời giảm 50% lao động/ca. Trong những ngày NLÐ nghỉ, công ty vẫn hỗ trợ lương, đóng đủ bảo hiểm cho 110 lao động, với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng mỗi tháng. "Với công ty, đây là nguồn kinh phí hết sức lớn trong điều kiện rất khó khăn, song vì nghĩ đến đóng góp của NLÐ, cho nên lãnh đạo công ty đã tìm mọi cách xoay xở. Thôi thì khó cùng khó, chúng tôi sẽ gồng gánh thêm để đỡ đần cho NLÐ" - ông Ba giãi bày.

Cũng là DN sử dụng nhiều lao động trên địa bàn tỉnh, nên trong thời gian này gánh nặng lương, bảo hiểm, lãi ngân hàng đang đè nặng trên vai tập thể Ban Giám đốc Công ty CP Cao-su Ðiện Biên. Trong khi các đơn hàng xuất khẩu cao-su thiên nhiên quý I-2020 giảm hơn 30%, các hợp đồng dài hạn bị tạm hoãn nhận hàng hoặc hủy bỏ giao kèo đã ký trước đó khiến công ty phải chịu thêm chi phí lưu kho, lợi nhuận sụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu nhập, đời sống NLÐ. Ngoài ra, thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 4, công ty buộc phải cho 400 lao động tạm nghỉ để tránh các hoạt động tập trung đông người song vẫn hỗ trợ lương và đóng bảo hiểm cho 100% số lao động dài hạn hiện có (500 lao động). Bởi thế mà khó khăn với công ty thêm chồng chất.

Phó Giám đốc Công ty CP Cao-su Ðiện Biên Nguyễn Trung Thành cho biết: "Không thể vì khó mà cắt hợp đồng, không trả lương hoặc dừng đóng bảo hiểm cho NLÐ. Bởi ai cũng có gia đình, có cha mẹ già, con nhỏ, lúc này mà công ty đẩy NLÐ ra thì ai giúp họ đây. Trách nhiệm và lương tâm không cho phép làm như thế. Do vậy, công ty cứ gồng gánh, được đến đâu tính đến đó chứ biết làm sao…!". Tìm hiểu thêm tại một số DN khác, như: Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại số 6, Công ty TNHH Thiên Phú, Công ty CP Du lịch Xuân Long…, chúng tôi nhận thấy một thực trạng chung là khó nhiều bề. Với Công ty TNHH Thiên Phú có một số công trình đang thực hiện ở các huyện, nhưng đều chậm tiến độ; Công ty CP Du lịch Xuân Long kinh doanh trong lĩnh vực vận tải song từ sau Tết Nguyên đán, lượng khách giảm 40%, từ đầu tháng 3 đến nay giảm 70 đến 80%. Kinh doanh đa lĩnh vực như Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại số 6 (xây dựng cơ bản, thương mại, du lịch - dịch vụ) thì lĩnh vực nào cũng khó khăn.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại số 6 Bùi Anh Tuấn cho biết: Ðã giảm giá thuê mặt bằng ở trung tâm thương mại đến mức thấp nhất để hỗ trợ các hộ kinh doanh, nhưng tiền thuê đất công ty chưa được xem xét giảm; hoạt động du lịch - dịch vụ ở Khu du lịch sinh thái Him Lam hết sức khó khăn, có thời điểm lượng khách giảm 100%.

Co kéo trong khả năng có thể, hầu hết các DN đều phải thực hiện cắt giảm các khâu hoặc chi phí không cần thiết; với NLÐ dù chưa cho ai nghỉ việc song các DN đều phải thực hiện phương án bố trí cho nghỉ luân phiên để họ ít nhất cũng có nguồn thu nhập. Và tất nhiên, để duy trì được như thế, giám đốc các DN này đã phải tính toán đủ mọi cách, bởi chính họ giờ cũng đang rất khó khăn.

Rất cần sự hỗ trợ kịp thời

Trao đổi về khó khăn trước mắt cũng như lâu dài của cộng đồng DN tỉnh Ðiện Biên, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Ðiện Biên Bùi Ðức Giang, cho biết: Qua nắm bắt từ các DN thành viên, Hiệp hội nhận thấy thực trạng chung là dù hoạt động trong lĩnh vực gì thì DN đang rất khó khăn. Trong quý I-2020 có đến 90% số DN thành viên Hiệp hội phải giảm quy mô sản xuất, kinh doanh, một số DN phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh để tồn tại. Chẳng hạn như tính riêng trong Hiệp hội DN tỉnh, nhóm DN xây dựng cơ bản chiếm 58,8% thành viên đã, sẽ gặp khó khăn do chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào bị gián đoạn, lao động giảm về số lượng do vậy mà công trình sẽ chậm tiến độ, khối lượng và doanh thu đương nhiên giảm...

Với nhóm DN hoạt động thương mại - du lịch và dịch vụ (chiếm 28,9% thành viên Hiệp hội) chuyên kinh doanh hàng hóa, du lịch, dịch vụ, hệ thống khách sạn, nhà hàng, quán bar, đã và sẽ hết sức khó khăn vì lượng khách từ sau Tết Nguyên đán đến nay gần như không có, trong khi tiền thuê mặt bằng, lương cho NLÐ thì DN vẫn phải chi trả. Nhóm DN hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải thì khó khăn nhìn thấy rất rõ do thực hiện cách ly xã hội trong khi đó các DN này vẫn phải thanh toán phí cho xe nằm bãi, phí đăng kiểm xe cơ giới - kiểm định ô-tô, công nhân phải tạm nghỉ việc nhưng chủ DN vẫn phải trả lương để "giữ chân" họ. Chính vậy mà hiện tại DN không xác định được mục tiêu và kế hoạch kinh doanh. Còn với nhóm DN hoạt động chế biến lâm - nông sản thực phẩm (thu mua nguyên liệu, chế biến và kinh doanh chè; mắc ca; cây dược liệu; rau sạch công nghệ cao…) thì khó khăn nhìn thấy chính là sản lượng hàng tiêu thụ chậm hơn nhưng DN vẫn phải thu mua và chế biến hết nguyên liệu đã cam kết với nông dân, vì thế hàng tồn kho cứ ngày càng nhiều hơn.

Theo tính toán của ông Giang, nếu dịch bệnh kéo dài trong sáu tháng thì có ít nhất 65% số DN ở địa phương bị giảm doanh thu hơn 50%; nhiều DN lâm tình trạng dừng hoạt động hoặc phá sản. Còn nếu dịch bệnh kéo dài hơn sáu tháng thì ít nhất 30% số DN ở địa phương có nguy cơ phá sản do không thể bù đắp chi phí hoạt động, lương cho NLÐ, lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cùng các chi phí khác. Số DN khác dù không phá sản thì hoạt động cũng èo uột "như người bệnh nặng cần thời gian dài mới bình phục". "Bởi thế mà lúc này đây, cộng đồng DN ở Ðiện Biên rất cần sự hỗ trợ kịp thời để không lâm tình trạng phá sản hoặc cận kề phá sản trước khi quá muộn" - ông Giang nhấn mạnh.

Ðể hỗ trợ DN địa phương vượt qua khó khăn, ông Giang cho biết: Với vai trò Hiệp hội, ngay trong tháng 4, Ban Chấp hành Hiệp hội đã tiến hành khảo sát nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh để có căn cứ báo cáo UBND tỉnh, các ngành. Theo đó, liên tiếp trong tháng 4 và tháng 5, Hiệp hội đã khẩn trương gửi văn bản đến UBND tỉnh và các sở, ngành: kế hoạch và đầu tư; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Ðiện Biên và BIDV Chi nhánh Ðiện Biên… để thông tin đầy đủ khó khăn của DN; đồng thời đề nghị các sở, ngành, các ngân hàng thương mại căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó dịch Covid-19, sớm có hướng dẫn và hỗ trợ DN được hưởng các hỗ trợ cũng như tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất tín dụng, bảo hiểm cho NLÐ. Vậy nhưng, việc tiếp nhận thông tin DN, hướng dẫn DN thực hiện các thủ tục để hỗ trợ tại một số sở, ngành ở Ðiện Biên còn khá chậm trễ, có ngành còn thờ ơ và cho rằng "DN cần thì phải đến đề nghị" nên đến thời điểm này mới có 38% số DN được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của ngân hàng; 2% số DN được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và con số DN chưa được tiếp cận các chính sách hỗ trợ lên tới 60%. Chính việc chậm triển khai, chậm xem xét hỗ trợ DN khiến nhiều DN ở Ðiện Biên đã nghĩ rằng "chính sách hỗ trợ DN rất xa vời", trong khi họ thực lòng mong, dù ít dù nhiều thì sự hỗ trợ với họ được sớm ngày nào sẽ càng tốt ngày ấy để họ có thêm niềm tin, nghị lực vực dậy cơ đồ đã rất khó khăn suốt những ngày qua…

Bài và ảnh: LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44961302-doanh-nghiep-%C3%B0ien-bien-chat-vat-ho-tro-nguoi-lao-dong.html