Doanh nghiệp 'kêu trời' với quy định phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT

Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất phân bón đang 'kêu trời', và đặc biệt là bà con nông dân phải mua phân bón giá cao hơn kể từ khi ra đời Luật số 71/2014 (sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế) quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Bởi lẽ, trước đây sản xuất PB chịu thuế đầu vào chủ yếu là 10%, thuế đầu ra 5%, tuy nhiên...

Nghịch lý

Nói về Luật số 71/2014 quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhiều lãnh đạo công ty phân bón lớn bức xúc: Việc từ diện áp dụng thuế GTGT với thuế suất 5% chuyển sang đối tượng không chịu thuế GTGT nghe qua tưởng như… có lợi cho DN và nông dân, nhưng thực ra không phải vậy.

Cần sớm sửa luật chuyển PB thành đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 0%, vừa tạo sự bình đẳng với hàng nhập khẩu, vừa hỗ trợ nông dân

Cần sớm sửa luật chuyển PB thành đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 0%, vừa tạo sự bình đẳng với hàng nhập khẩu, vừa hỗ trợ nông dân

Bởi lẽ, trước đây sản xuất PB chịu thuế đầu vào chủ yếu là 10%, thuế đầu ra 5%, tuy nhiên thuế đầu vào được khấu trừ và thậm chí hoàn thuế nếu mức thuế này cao hơn thuế đầu ra. Giờ đây khi áp dụng quy định mới thì DN không được khấu trừ thuế đầu vào, mà phải hạch toán vào chi phí.

Ông Liên, giám đốc một doanh nghiệp nhận định, nếu tỷ trọng các chi phí đầu vào chịu thuế GTGT 10% thấp, ví dụ 10%, còn 90% giá bán được cấu thành từ các khoản không chịu thuế GTGT như nguyên liệu là phân bón nhập khẩu: ure, kali, lân, rồi tiền lương, khấu hao máy móc, lợi nhuận… thì giá bán giảm đi so với khi phải chịu 5% thuế GTGT đầu ra và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (vì thuế GTGT đầu vào không đáng kể).

Đối tượng chính được hưởng lợi trong trường hợp này là phân bón NK hoặc những đơn vị chuyên dùng nguyên liệu là các loại phân đơn NK (không chịu thuế GTGT) để phối trộn một cách đơn giản và cho ra sản phẩm NPK mà người dân hay gọi nôm na là "công nghệ cuốc xẻng” hiện đang nhan nhản trên thị trường do lách luật.

Ngược lại, nếu tỷ trọng chi phí đầu vào chịu thuế GTGT 10% chiếm từ 50% giá bán trở lên, mà đây lại là tình trạng phổ biến ở các DN sản xuất phân bón lớn tại Việt Nam, thì phần thuế GTGT đầu vào lớn hơn khoản 5% thuế GTGT đầu ra, do đó việc miễn khoản 5% đầu ra nhưng không cho khấu trừ 10% đầu vào sẽ khiến giá thành tăng lên so với khi DN được hoàn thuế GTGT (do thuế đầu ra nhỏ hơn thuế đầu vào khi phân bón chịu thuế GTGT 5%). Kết quả là, giá thành SX tăng mà giá bán sản phẩm giữ nguyên thì DN chịu thiệt.

Còn nếu DN muốn lợi nhuận không giảm quá nhiều thì buộc phải tăng giá bán, và người chịu thiệt cuối cùng là nông dân. Nhưng nếu DN tăng giá bán, hàng ngoại sẽ thừa cơ tràn vào, do hàng nhập khẩu vừa hưởng thuế GTGT 0% tại nước xuất khẩu, vừa không chịu thuế GTGT tại Việt Nam.

Việc chuyển phân bón sang đối tượng không chịu thuế GTGT tưởng có lợi cho doanh nghiệp và nông dân, nhưng thực tế đang ngược lại

Như thế, Luật 71 đã vô tình tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng và có lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài XK phân bón sang Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc khuyến khích nhập khẩu và làm các DN sản xuất phân bón trong nước không cạnh tranh được về giá bán.

Ông Liên cho biết thêm: Chi phí sản xuất kinh doanh của các DN phân bón tăng lên do không được khấu trừ thuế đầu vào bình quân khoảng 5 - 7,6%, kéo theo giá bán phân bón và chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp của nông dân cũng tăng đáng kể. Vì phân bón là vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng 40 - 50% tổng chi phí đầu tư.

Cần sớm sửa đổi

Theo tìm hiểu của NNVN, để giảm thiểu thiệt hại trước tình hình SXKD phân bón khó khăn này, các DN trong nước buộc phải tính đến việc XK (vì khi XK các DN sẽ được hoàn thuế GTGT đầu vào, do thuế suất XK là 0%). Điều này có thể tạo ra thiếu hụt hàng và những cơn sốt giá phân bón ở trong nước khi vào vụ, gây ra hệ lụy phức tạp đối với thị trường.

Ngoài ra, do chi phí tăng cao các DN sẽ ngần ngại khi đầu tư SX, đặc biệt là các dự án có công nghệ cao do không được hoàn thuế GTGT cho nhà xưởng, thiết bị, vật tư… Điều này vô hình chung dẫn tới tình trạng ngành SX phân bón trong nước mất động lực phát triển, có nguy cơ bị hàng nhập khẩu đánh bại ngay trên sân nhà.

Thế nên, để cứu vãn tình trạng này, ngày 28/9/2016, Bộ Công thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức hội thảo về thị trường phân bón, thống nhất kiến nghị theo hướng chuyển phân bón thành đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 0%, vừa để tạo sự bình đẳng với hàng nhập khẩu, vừa nhằm hỗ trợ nông dân.

Tiết kiệm 3,3 ngàn tỷ đồng nếu có thuế suất 0%

Theo một số chuyên gia, nếu thuế GTGT cho phân bón là 0% thì mỗi năm giá thành sản xuất của DN và giá bán cho bà con nông dân có thể giảm tới khoảng 3,3 ngàn tỷ đồng, đồng thời có nguồn cung ứng với giá ổn định, không lo bị lệ thuộc vào nước ngoài. Thiết nghĩ, Chính phủ và Quốc hội nên sớm xem xét kiến nghị chính đáng của các DN SXKD phân bón về việc sửa đổi lại quy định về thuế GTGT đối với mặt hàng này.

ĐỨC TRUNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/doanh-nghiep-keu-troi-voi-quy-dinh-phan-bon-thuoc-doi-tuong-khong-chiu-thue-gtgt-post179016.html