Doanh nghiệp khai thác cát vi phạm, người dân bất an

Nhiều hộ dân sống ở Bãi Trằm- gần khu du lịch suối Voi thuộc xã Lộc Tiến, H.Phú Lộc (TT-Huế) đang thấp thỏm, bất an trước việc doanh nghiệp (DN) khai thác cát vi phạm nhiều quy định gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ. Đồng thời, môi trường du lịch tại đây cũng đang bị đe dọa.

Cty 368 khai thác cát “ăn” vào khu vực đất sản xuất của người dân.

Dân bất an

Theo phản ánh của người dân xã Lộc Tiến, thời gian gần đây, hàng ngày, có hàng trăm lượt xe chở cát chạy ra chạy vào khiến con đường làng bị băm nát với nhiều ổ gà, ổ trâu, trời mưa nước đọng, trời nắng bụi bay mù mịt. Đặc biệt, tuyến đường vào khu vực khai thác cát được nối với đường vào khu du lịch sinh thái Suối Voi nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch tại địa phương. “Nhiều du khách nước ngoài chạy xe máy vào tham quan, nghỉ mát ở suối Voi nhưng chứng kiến cảnh hàng chục xe ben chở cát nối đuôi nhau, họ sợ tai nạn nên đành tấp xe vào bên đường”- chị Nguyễn Thị Th., một người bán hàng ở suối Voi cho biết.

Lần theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại khu vực khai thác cát, theo ghi nhận, cạnh bên đại công trường này là ruộng vườn, cây keo tràm của hàng chục hộ dân nghèo đang ngày càng sạt lở nghiêm trọng. Việc khai thác cát tại đây đã diễn ra trong thời gian dài nên đã hình thành những hồ nước sâu hoắm trên diện tích nhiều héc-ta. Những hồ nước này không hề được rào chắn hoặc chỉ được rào chắn sơ sài, không có biển cảnh báo, nên rất nguy hiểm cho người dân và vật nuôi khi đi qua đây. “Ở đây điện đường không có mà mỗi lần trời mưa xuống thì tối om. Vì rứa, cứ buổi chiều, khi mấy đứa trẻ trong làng tan học nhưng chưa thấy về thì người lớn cứ thấp thỏm, lo nghĩ chuyện dại khi các cháu đi qua các hố “tử thần” do việc khai thác cát để lại...”- bà V. nói trong lo lắng.

Theo tìm hiểu, trước đây, khu vực này được HTX Song Thủy, xã Lộc Tiến trồng cây lâm nghiệp và giao cho những hộ dân kinh tế mới quản lý. Tuy nhiên, đến năm 2014, người dân rất bất ngờ khi chính quyền địa phương đến bàn giao đất cho DN để khai thác cát. “Trước đó, chính quyền có mời họp để đền bù nhưng chúng tôi không đồng ý. Vì việc khai cát này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi sau này”- một hộ dân khu kinh tế mới 327 thông tin.

Dù việc khai thác cát này từng được nhiều hộ dân lên tiếng về sự nguy hiểm, ảnh hưởng đến đời sống dân cư nhưng từ năm 2015 đến nay, hoạt động này vẫn ngang nhiên diễn ra khiến người dân luôn sống trong cảnh bất an. Một số người dân cho biết, trước đây, khi họ phản đối hoạt động khai thác cát làm sạt lở vườn nhà mình thì bị một số đối tượng tìm đến đe dọa. Vì sợ bị trả thù nên từ đó đến nay, nhiều người không còn dám phản đối.

Những hố sâu xuất hiện, đe dọa cuộc sống và hoạt động kinh tế của người dân địa phương.

Nhiều vi phạm

Theo tìm hiểu của PV, việc khai thác cát tại khu vực Bãi Trằm do Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng 368 (gọi tắt là Cty 368) thực hiện. Vào năm 2015, UBND tỉnh TT-Huế có Văn bản số số 31/GP-UBND cấp phép cho Cty 368 khai thác cát tại Bãi Trằm để làm vật liệu san lấp. Theo nội dung giấy phép, DN được khai thác cát trên diện tích 3 héc-ta, độ sâu so với bề mặt hiện trạng là 3m, trữ lượng khai thác là 65.000m3; việc khai thác phải bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường. Nội dung giấy phép là vậy nhưng những gì Cty 368 thực hiện lại hoàn toàn khác.

Ông Vương Đình Cẩm- Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết, hoạt động khai thác, vận chuyển cát của Cty 368 đã làm hư hỏng đường sá, khu vực mỏ cát chưa bảo đảm an toàn theo quy định. Theo ông Cẩm, tại mỏ cát Bãi Trằm từng xảy ra vụ việc vật nuôi của người dân bị chết do rơi xuống hố sâu. Về độ sâu khai thác, ông Cẩm nói, theo quy định Cty 368 được khai thác sâu 3m nhưng trên thực tế doanh nghiệp này đã khai thác sâu hơn 5m. Theo Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, trước việc đời sống bị ảnh hưởng, người dân địa phương từng nhiều lần chặn xe chở cát của Cty 368. Sự việc đã phần nào ảnh hưởng đến tình hình ANTT ở địa phương.

Trước lo lắng của người dân về công tác hoàn thổ sau khi Cty 368 khai thác rút đi, ông Nguyễn Tánh Vũ, Chuyên viên phòng TN&MT H.Phú Lộc cho biết, DN đã ký Quỹ Bảo vệ môi trường với mức 223 triệu đồng. Nếu sau này DN hoàn thổ không đảm bảo, ảnh hưởng đến đường dân sinh của địa phương, chính quyền địa phương sẽ dùng số tiền này để thực hiện việc hoàn trả lại hiện trạng mặt bằng. Tuy nhiên, theo một cán bộ của Sở TN & MT, qua ước tính,với số tiền 223 triệu đồng mà Cty 368 đã ký quỹ thì chỉ mới đủ để hoàn thổ khoảng 1/5 diện tích mặt bằng như trước, đó là chưa nói đến kinh phí tu sửa lại đường sá bị hư hỏng do việc vận chuyển cát gây nên.

H.LAN

CHỦ TỊCH CÁC QUẬN HUYỆN PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM NẾU XẢY RA VI PHẠM TRONG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng triển khai thực hiện Công văn số 8960/VPCP-CN ngày 19-9-2018 của Văn phòng Chính phủ liên quan đến tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản trên phạm vi cả nước năm 2017. Văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, xã, phường có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn TP Đà Nẵng đã được UBND thành phố ban hành tại Quyết định số 6937/QĐ-UBND ngày 12-12-2017. Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài mà không xử lý, khai thác trái phép gây hậu quả nghiêm trọng, thất thoát tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm lớn tới môi trường. Thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Cục Thuế thành phố và UBND các quận, huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản, kiên quyết xử lý theo quy định đối với các hành vi khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường đồng thời phối hợp với các Sở: Xây dựng, Công Thương rà soát nội dung quy hoạch sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố.

BẢO NAM

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_197589_doanh-nghiep-khai-thac-cat-vi-pham-nguoi-dan-bat-an.aspx