Doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động

Năm 2023, hậu quả từ dịch Covid-19 và tình hình thế giới bất ổn tiếp tục tác động đến các doanh nghiệp nên thị trường lao động - việc làm ở tỉnh Nghệ An có nhiều biến động. Mặc dù, nguồn lao động dồi dào, song việc tuyển dụng lại chưa mấy khả quan.

Tuyển dụng gặp khó

Nghệ An hiện có 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, hàng năm có 45 - 50.000 nhân lực trẻ được bổ sung nên có thể nói nguồn lao động rất dồi dào. Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra là lao động Nghệ An đi làm việc ở ngoại tỉnh hay ra nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn. Theo thống kê, năm 2022, có khoảng 20.000 người đi nước ngoài làm việc, chiếm 46% trong khoảng trên 40.000 việc làm mới trên địa bàn.

Thị trường lao động ở Nghệ An, làm thể nào để "cung -cầu" có thể gặp nhau. Nguồn: ITN

Thị trường lao động ở Nghệ An, làm thể nào để "cung -cầu" có thể gặp nhau. Nguồn: ITN

Đáng chú ý, do dịch Covid-19 và dịp Tết Nguyên đán, việc người lao động từ các nơi trở về địa phương đông là nguồn bổ sung cho thị trường tuyển dụng đang rộng mở ở Nghệ An hiện nay. Theo số liệu báo cáo cập nhật đến ngày 15.1.2023 của UBND các huyện, thành phố, thị xã, tổng số lao động về quê dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 của tỉnh Nghệ An là 60.482 người. Lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm là 11.655 người. Tuy nhiên, làm thế nào để cung - cầu có thể gặp nhau hiện đang là bài toán khó.

Đại diện Công ty TNHH Mareep cho biết hiện công ty có nhu cầu tuyển dụng 2.000 công nhân may với mức lương trên 7 triệu đồng; song, từ đầu năm đến nay phía công ty đã đăng thông tin tuyển dụng trên các trang wed cũng như liên kết với Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh nhưng chỉ mới tuyển dụng được gần 800 công nhân. Có thể thấy, mặc dù lượng lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm tương đối cao, song việc tuyển dụng cũng không hề dễ dàng, đặc biệt là lao động chất lượng cao.

Cùng cảnh ngộ, đại diện Công ty TNHH SANGWOO Việt Nam (Doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc) cho hay, năm 2023 phía công ty có nhu cầu tuyển dụng 500 - 700 công nhân vào các vị trí may, tổ trưởng... để bù đắp nguồn nhân lực thiếu hụt. Tuy nhiên, đến nay phía công ty mới chỉ tuyển dụng được gần 100 lao động.

Người lao động chưa mặn mà

Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An Trần Quốc Tuấn cho biết, dịp cuối năm 2022 thị trường lao động ghi nhận một số dấu hiệu tích cực, thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động, số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng của người lao động đều tăng so với năm 2021. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn có những khó khăn nhất định khi tình hình thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga. Ngoài ra, việc đứt gãy nguồn cung, lạm phát tăng cao... khiến chi phí nhập khẩu các nguyên vật liệu từ nước ngoài bị đội giá lên, do đó gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, nhiều cơ sở buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc đóng cửa nhà máy. Điều này cũng dẫn đến sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ theo địa bàn, theo nhóm ngành nghề và theo trình độ kỹ năng nghề.

Theo khảo sát, trong quý I.2023 có hơn 60.000 vị trí việc làm tại 150 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Nghệ An đang chờ lao động, tập trung vào các lĩnh vực như: lắp ráp điện tử, gia công, chế tạo máy móc, may mặc.

Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ đã có sự điều chỉnh về mức lương tối thiểu vùng nhưng thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, trong năm 2022, bình quân thu nhập của người lao động trên địa bàn mới chỉ đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng. Con số này thấp hơn khá nhiều so với mức tiền lương chung của người lao động cả nước 8,2 triệu đồng/người/tháng, hay tiền lương của người lao động tại Bình Dương (8,3 triệu đồng), Bắc Ninh (8,57 triệu đồng). Trong khi đó, các thiết chế cũng như chế độ đãi ngộ phục vụ công nhân chưa bảo đảm, điều kiện sinh hoạt, đi lại tại Nghệ An chưa bằng các vùng kinh tế khác khiến người lao động, đặc biệt là nhóm có chất lượng cao chưa mặn mà bám trụ làm việc tại quê nhà. Đồng thời, chưa nói đến việc khó thu hút lao động ở các tỉnh, thành phố khác đến làm việc tại Nghệ An.

Chị Đinh Thị Ngân, một lao động đang làm việc tại Bình Dương chia sẻ, năm 2022, khi dịch bệnh diễn biến căng thẳng, lo lắng nên tôi buộc phải về quê. Trong thời gian ở quê, tôi đã xin vào làm công nhân may tại khu công nghiệp Vsip. Nhưng tôi đã xin nghỉ việc. Bởi lẽ, với tổng mức lương hơn 6 triệu đồng, không đủ để trang trải cuộc sống. Trong khi đó, trước đây khi tôi làm việc tại Bình Dương, với tay nghề của mình, có tháng được tăng ca nhiều, lương của tôi đạt hơn 10 triệu. Do đó, ra Tết, tôi đã quay lại Bình Dương để làm việc.

Qua trao đổi, doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An cũng cho biết, họ rất muốn giữ chân người lao động có tay nghề cao nhưng không thể, bởi chi phí vận hành sản xuất và các điều kiện phát sinh khá lớn, khiến doanh nghiệp không thể cân đối nguồn tài chính được. Về lâu dài, các doanh nghiệp mong muốn địa phương cần có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, nhất là khâu hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật hiện đại hơn, để kéo thêm nhiều nhà đầu tư tiềm lực mạnh đến với Nghệ An, tạo vệ tinh sản xuất - kinh doanh tuần hoàn…

Nguyễn Ngân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/doanh-nghiep-kho-khan-trong-tuyen-dung-lao-dong-i315986/