Doanh nghiệp 'không kịp trở tay' vì Hải Phòng thu phí chồng phí

Việc Hải Phòng tăng phí cảng biển khiến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang kêu trời vì mức phí của Hải Phòng thu quá cao, có dấu hiệu phí chồng phí.

Từ ngày 1/1/2017, tất cả hàng hóa thông qua các cảng biển tại Hải Phòng phải nộp phí dịch vụ hạ tầng cảng cho thành phố với mức thấp dành cho một container 20 feet 250.000 đồng, hàng rời là 2.000-50.000 đồng một tấn. Riêng hàng thuộc diện tạm nhập tái xuất đóng container là 2,2-2,3 triệu đồng một container 20 feet.

Hội Doanh nghiệp trẻ cho biết cộng đồng doanh nghiệp đang rất xôn xao về mức thu phí này và cho rằng đây là một mức thu quá cao. Ngày 23/1/2017, Hội Doanh nhân trẻ đã có văn bản gửi tới Thủ tướng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến quyết định thu phí cảng biển của Hải Phòng. Hội doanh nhân trẻ nhận định trong quy định này đang có dấu hiệu phí chồng phí, tận thu, thu cho ngân sách thay vì chỉ bù đắp cơ bản chi phí liên quan hạng mục phí.

Tổng mức thu phí cửa khẩu cảng biển của Hải Phòng năm 2017 dự kiến là 1.500 tỷ nhưng theo số liệu tính toán nhanh của các Hiệp hội doanh nghiệp sau những ngày đầu áp dụng thu phí thì năm 2017, Hải Phòng sẽ thu ít nhất 2.300 tỷ.

Số tiền này, đại diện chính quyền Hải Phòng trả lời phỏng vấn báo chí cho biết sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp vì "toàn bộ sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng", giải quyết tình trạng đường nối từ cao tốc xuống cảng Hải Phòng luôn ách tắc... Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Trần Anh Vương cho rằng điều này cho thấy việc thu phí đã sai mục đích, nguyên tắc ngay từ đầu và càng có căn cứ để doanh nghiệp đánh giá Hải Phòng đã lạm thu từ phí cho ngân sách của Thành phố.

Hàng nghìn doanh nghiệp vào thế khó khăn khi Hải Phòng ra Nghị quyết thu phí cảng biển

Theo văn bản kiến nghị, Hội Doanh nhân trẻ chỉ ra hai nội dung không hợp lý khi Hải Phòng ban hành Nghị quyết thu phí.

Thứ nhất, thời điểm ban hành cuối tháng 12/2016, thông báo triển khai ngày cuối cùng tháng 12 nhưng áp dụng ngay từ 1/1/2017. Điều này đẩy hàng nghìn doanh nghiệp vào thế khó khăn, áp lực lớn vì toàn bộ các đơn hàng, hợp đồng, giá sản phẩm và dịch vụ liên quan cho năm 2017 đều đã đàm phán, kí kết với các đối tác trước đó. Doanh nghiệp không có thời gian "trở tay", nhất là trong đàm phán với các đổi tác quốc tế và không bố trí kịp nguồn lực thực hiện quy định nên nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị phạt hợp đồng, thiệt hại trong sản xuất kinh doanh, mất uy tín, mất đối tác...

Những điều này chưa thể lượng hóa được thiệt hại ở thời điểm hiện nay nhưng có thể nói, đã gây ra xáo trộn và tác động rất lớn đến niềm tin của doanh nghiệp đối với sự quản lý của địa phương nói riêng và Chính phủ nói chung. Bởi vì chủ trương của Chính phủ là đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng dường như Nghị quyết 148 đang đi ngược hoàn toàn các tuyên bố này.

Thứ hai, việc ban hành Nghị quyết diễn ra khi Hải Phòng chưa hề bố trí đủ hoặc hợp lý các nguồn lực thực hiện, mọi việc thực hiện đều thủ công dẫn tới nhiều hệ lụy vô cùng bất cập cho doanh nghiệp.

Theo khảo sát nhanh từ các hiệp hội doanh nghiệp, để thực hiện xong việc nộp phí/1 lần thông quan, mỗi doanh nghiệp phải bố trí ít nhất 1 nhân viên chuyên trách và mất tầm 90 phút để hoàn tất nộp phí. Nếu việc nộp phí diễn ra cuối ngày, doanh nghiệp còn phát sinh chi phí lưu kho, bãi qua ít nhất 1 đêm; bị chậm hàng, đình đốn kinh doanh... do không kịp giờ làm thủ tục thông quan. Và trong toàn bộ khoảng thời gian hàng lưu kho này, các doanh nghiệp phải chịu lãi suất ngân hàng đối với lô hàng gửi.

Theo số liệu các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp cung cấp, ít nhất sẽ có xác suất 18,75% doanh nghiệp làm thủ tục ở Hải Phòng bị lưu kho bãi qua 1 đêm, số còn lại thì mất độ 2 tiếng đồng hồ cho việc nộp phí (gồm cả khâu chuẩn bị).

Các thông số về thời gian, chi phí thuê kho bãi do doanh nghiệp cung cấp, kết hợp với chính số liệu hàng hóa dự kiến đi qua cảng biển năm 2017 do Hải Phòng công bố và các số liệu về xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng do Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Cục Hàng Hải (Bộ GTVT) cung cấp, đã được các chuyên gia tính toán nhanh và dự báo.

Theo đó, ngoài phí nộp cho Hải Phòng, doanh nghiệp phải gánh chịu thêm tầm 15,2 triệu USD/năm chi phí lưu kho bãi, lãi suất tiền gửi, chi phí thực hiện thủ tục nộp phí... chưa kể các chi phí không lượng hóa được do chậm đơn hàng bị phạt họp đồng, mất uy tín...

Ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ cho rằng việc các địa phương như Hải Phòng quy định các loại phí vói cách quy định bất cập như phân tích ở trên sẽ dẫn tới câu chuyện đáng báo động, đó là: nguồn thu địa phương tăng nhưng tổng thu nhập của doanh nghiệp giảm (do phí được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh) dẫn tới thuế thu nhập doanh nghiệp giảm. Điều này có nghĩa, địa phương thu phí càng cao, ngân sách trung ương càng giảm do giảm nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp. Hải Phòng thu tầm 1.500 tỷ - 2.500 tỷ tiền phí/năm, nghĩa là doanh nghiệp sẽ giảm số tiền đóng thuế cho nhà nước tầm 20% tổng chi phí đó, là tầm 300 - 500 tỷ đồng.

Hội Doanh nhân trẻ cho rằng nếu tình trạng trên diễn ra ở mọi địa phương, ngân sách trung ương sẽ thất thu nghiêm trọng, ảnh hưởng lón tới chính sách tài khóa quốc gia và làm giảm mạnh sức cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và trên quốc tế.

Hiệp hội doanh nhân cũng cho biết hiện đang có nhiều bất cập khi mỗi địa phương lại có một mức thu phí khác nhau.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/doanh-nghiep-khong-kip-tro-tay-vi-hai-phong-thu-phi-chong-phi-20170210020112316p4c145.news