Doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội: Người lao động thiệt thòi

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.Biên Hòa.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Biên Hòa, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 5 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Ông NGUYỄN VIỆT DŨNG, Phó giám đốc BHXH TP.Biên Hòa cho biết tình trạng trên đã gây nhiều khó khăn cho việc cân bằng quỹ BHXH và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Thưa ông, vì sao nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở TP.Biên Hòa không tham gia BHXH cho người lao động?

- Đối với doanh nghiệp hoạt động thương mại dịch vụ phần lớn sử dụng ít lao động, quan hệ lao động chưa được xác lập đúng với quy định của Bộ luật Lao động. Có trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động không đúng quy định, thậm chí không ký hợp đồng lao động đối với người làm công như quy định. Ngoài ra, một số doanh nghiệp do thành viên trong gia đình trực tiếp lao động nên không nhận thức được đầy đủ quyền lợi lâu dài; nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động, không làm thủ tục giải thể, còn cơ quan cấp phép cũng chưa thường xuyên kiểm soát chặt chẽ doanh nghiệp có thực sự hoạt động hay không.

Thông thường các doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH thường nêu lý do là việc kinh doanh không thuận lợi, nhiều loại chi phí tăng cao khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đóng BHXH…

Mặt khác, một số doanh nghiệp cố tình để nợ kéo dài, chiếm dụng tiền BHXH, chậm trễ thanh toán tiền BHXH trong khi nhận thức của, người lao động về BHXH chưa cao; người lao động do sợ mất việc làm và vì lợi ích trước mắt nên không dám đấu tranh, thậm chí thỏa hiệp, thống nhất với doanh nghiệp không đóng BHXH như quy định. Còn có tình trạng khi nhân viên ngành BHXH đến tuyên truyền, vận động đơn vị tham gia BHXH thì doanh nghiệp phản kháng, chống đối bằng nhiều cách như: né tránh không tiếp xúc, báo là không sử dụng lao động, đôi lúc còn có những hành động xúc phạm, tranh cãi thiếu văn hóa.

Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng như thế nào khi doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, thưa ông?

- Khi tham gia BHXH, người lao động sẽ được cơ quan chuyên trách chi trả các chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm. Khi người lao động không tham gia BHXH thì mất đi rất nhiều quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài; đồng thời tác động tiêu cực đến chính sách an sinh xã hội nói chung, đặc biệt sẽ bị ảnh hưởng đến chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động.

Chính vì vậy, dù bất kỳ lý do nào thì chủ sử dụng lao động vẫn phải có trách nhiệm đăng ký tham gia BHXH cho người lao động, vì đây là
quy định bắt buộc.

Việc vi phạm quy định đóng BHXH không chỉ gây thiệt thòi quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước; tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, thiếu công bằng. Theo quy định của Luật BHXH, hành vi trốn đóng BHXH có thể bị xử lý hình sự.

Biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp nợ dây dưa, trốn đóng BHXH hiện vẫn còn một số vướng mắc. ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?

- Theo Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016), tổ chức Công đoàn được giao quyền khởi kiện doanh nghiệp, cá nhân nợ BHXH. Tuy nhiên, việc khởi kiện này đòi hỏi phải do Công đoàn cơ sở “đứng” đơn hoặc phải có giấy ủy quyền của người lao động nên quy định này chưa phát huy hiệu quả. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tổ chức Công đoàn thì quyền lợi của người lao động xem như bị “bỏ rơi”.

Người lao động liên hệ làm thủ tục hưởng chế độ tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: K.LIỄU

Do đó, Nhà nước cần bổ sung quy định về việc khởi kiện đòi nợ BHXH theo hướng khi có đủ cơ sở chứng minh đơn vị cố tình nợ, chiếm dụng BHXH thì Công đoàn cấp trên có quyền khởi kiện doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH mà không cần có sự ủy quyền của người lao động hoặc của Công đoàn cơ sở.

Đâu là giải pháp để khắc phục tình trạng các doanh nghiệp chây ì, trốn đóng BHXH, thưa ông?

- Việc khắc phục được vấn đề nợ, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH mà còn là của cả hệ thống chính trị các cấp. Chính sách này cần sự quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc phối hợp tổ chức thực hiện nhằm tác động mạnh đến nhận thức và hành động của các bên thì mới có thể thực hiện được những mục tiêu đề ra.

Trước mắt, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động, BHXH cho người lao động và người sử dụng lao động; đẩy mạnh các hoạt động thanh, kiểm tra, qua đó tìm giải pháp giảm số đơn vị chậm đóng BHXH thì mới bảo đảm được quyền lợi cho người lao động. Đặc biệt ngành chức năng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị vi phạm thì mới mong khắc phục những tồn tại trong thời gian tới.

BHXH thành phố cũng đang chờ hướng dẫn về thủ tục để chuyển hơn 20 hồ sơ doanh nghiệp cố tình chây ì về khắc phục nợ, trốn đóng BHXH sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xem xét xử lý hình sự.

Xin cảm ơn ông!

Theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, từ ngày 1-1-2018 tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3-7 năm tùy theo mức độ vi phạm. Đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nếu tính tổng các hành vi vi phạm, doanh nghiệp có thể bị xử phạt đến 150 triệu đồng.

Kim Liễu (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201810/doanh-nghiep-khong-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-nguoi-lao-dong-thiet-thoi-2917348/