Doanh nghiệp kinh doanh gas 'kêu trời' vì phải lập sổ theo dõi vỏ chai LPG

TGTTO Nhiều doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại TPHCM đã gửi đơn lên Bộ Công thương đề nghị tạm dừng lập sổ theo dõi vỏ chai LPG.

Việc quy định doanh nghiệp lập sổ theo dõi bình gas với mục đích bảo vệ doanh nghiệp, kiểm soát được số lượng chai, bình mà doanh nghiệp đang sở hữu, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp có thể biết rõ nguồn gốc chai, bình đó từ đâu, từ đó người tiêu dùng nắm rõ xuất xứ.

Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng gas tại TPHCM “kêu trời” vì việc lập sổ theo dõi vỏ chai LPG.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp ủng hộ Bộ Công thương về việc lập sổ theo dõi vỏ chai LPG và các doanh nghiệp cũng đã triển khai theo đúng tinh thần Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.

Tuy nhiên, trong Nghị định này có khoản quy định về việc các thương nhân kinh doanh mua bán khí, các trạm sang chiết LPG chai và các cửa hàng bán LPG chai phải lập sổ ghi chép theo dõi vỏ chai LPG. Điều này khiến các doanh nghiệp, cửa hàng gặp nhiều khó khăn vì việc nhìn bằng mắt số seri và hạn kiểm định đã gây nhầm lẫn do số seri bị mờ, không rõ ràng, rất khó đọc vì vỏ bình luân chuyển nhiều bị trầy xước.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh gas tại quận Bình Tân cho biết, việc ghi chép số seri tại cửa hàng gây ùn tắc giao thông do xe phải dừng đỗ lâu để giao nhận và đối chiếu số seri, ngày kiểm định. Trong khi thời gian giao gas, vận chuyển từ xe xuống cửa hàng luôn phải nhanh nhất, tránh bị cảnh sát giao thông phạt, cản trở buôn bán.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp này thì lâu nay trong các cửa hàng đều có sổ bán hàng ghi loại chai, trọng lượng mỗi khi khách gọi đến đặt hàng. Nhân sự tại các cửa hàng cũng gọn nhẹ, nhanh chóng, sản lượng mỗi ngày bán tối thiểu cũng từ 20 – 30 chai LPG trở lên.

Hiện nay, các cửa hàng lại có thêm công việc lập sổ theo dõi vỏ chai nên đã tốn rất nhiều thời gian, tăng người làm, ảnh hưởng tới chi phí, giao gas chậm. Việc nhập sai do nhập nhiều và số seri không rõ khiến việc cập nhật trở nên mất tác dụng.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh gas tại quận 4 cũng chia sẻ, sau một thời gian tăng cường thêm nhân công để phục vụ cho công việc ghi số seri, đối chiếu sổ sách tốn nhiều thời gian thì doanh nghiệp này đã gặp rất nhiều khó khăn và không thể tiếp tục phục vụ bằng phương pháp thủ công này.

“Chúng tôi kính đề nghị Bộ Công thương cho tạm dừng việc lập sổ theo dõi vỏ chai LPG để tìm giải pháp khác cho phù hợp hơn. Việc tạm dừng lập sổ theo dõi vỏ chai LPG sẽ tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, tiết kiệm chi phí và tăng sức cạnh tranh cho các cửa hàng”, đại diện doanh nghiệp nói.

Việc lập sổ theo dõi vỏ chai LPG khiến doanh nghiệp cho rằng họ bị hao tốn thêm nhiều khoản chi phí khác

Liên quan đến vấn đề nêu trên, Sở Công Thương TPHCM cho rằng: việc quy định doanh nghiệp phải mở sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử phải có các thông tin chủ sở hữu, loại chai, số lượng chai, seri, hạn kiểm định, tên khách hàng, địa chỉ, ngày giao nhận... sẽ khiến doanh nghiệp đầu tư chi phí rất lớn. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp.

Do đó, Sở Công Thương TPHCM kiến nghị Bộ Công Thương có lộ trình, thời gian nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện.

Ngoài ra, Sở Công thương cũng đã gửi văn bản đến Bộ Công thương, Vụ Thị trường trong nước về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.

Sở Công thương kiến nghị Bộ Công thương hướng dẫn, làm rõ nhiều nội dung trong Nghị định này như: về thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán khí; về thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào chai, trạm nạp LPG và xe bồn, trạm nạp LPG/LNG/CNG vào phương tiện vận tải; về tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện về PCCC.

Theo Dân trí

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/doanh-nghiep-kinh-doanh-gas-keu-troi-vi-phai-lap-so-theo-doi-vo-chai-lpg-15597.html