Doanh nghiệp là bệ đỡ

Phải khẳng định các tỉnh ở ĐBSCL triển khai khá thuận lợi mô hình CĐML trong một thời gian ngắn. Qua vài vụ đã chứng minh được hiệu quả tích cực mang lại và tâm lý thích ứng rất nhanh của nông dân. Tuy nhiên, cốt lõi của mô hình này là phải tiêu thụ được sản phẩm thuận lợi hơn ngoài mô hình.

Sức lan tỏa CĐML

Mô hình CĐML đang được triển khai ở khắp các tỉnh trong khu vực và bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Từ vụ HT năm 2011, Cần Thơ bắt đầu triển khai mô hình CĐML với diện tích 400 ha. Vụ HT 2013, Cần Thơ đã có 41 CĐML, tổng diện tích hơn 9.000 ha với hơn 5.100 hộ tham gia.

Ông Phạm Văn Quỳnh, GĐ Sở NN-PTNT Cần Thơ nhận xét: “Quy mô CĐML được nhân rộng nhanh là nhờ làm tăng lợi nhuận từ 15 - 20% so với SX nhỏ lẻ thông thường. Những lợi ích mà mô hình mang lại cho nông dân là kỹ thuật canh tác tốt hơn, sản lượng tăng và đặc biệt là mua vật tư nông nghiệp tận gốc và bán sản phẩm trực tiếp cho DN bớt qua trung gian".

Ông Đoàn Trí Vững, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Xuất phát từ đề án “Xây dựng cánh đồng lúa theo hướng hiện đại” ở HTX Tân Cường, huyện Tam Nông từ đó tỉnh tích cực triển khai phát triển rộng rãi mô hình CĐML. Theo đó, tỉnh chủ động chọn địa điểm triển khai là các HTX hoặc tổ hợp tác có hệ thống đê bao tương đối hoàn chỉnh, thuận lợi cho việc tưới tiêu.

Quy mô mỗi CĐML ở Đồng Tháp từ 100 - 200 ha được ứng dụng đồng bộ những TBKT vào SX từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân và thực hiện bằng cơ giới hóa. Hiện Đồng Tháp đã hình thành các CĐML gần 1.600 ha tập trung ở hầu hết các huyện. Tổng kết vụ HT vừa qua, các CĐML đã tiết kiệm được lượng giống gieo sạ khoảng 30 kg/ha, phân bón giảm khoảng 30 kg urê/ha, đã tạo được sự chênh lệch lợi nhuận so với các cánh đồng bình thường từ 2 - 2,5 triệu đồng/ha.

CĐML đang phát huy tốt, nhưng đầu ra nông dân còn lo ngại

Vụ HT năm nay tỉnh Long An thực hiện mô hình CĐML có 6.400 hộ nông dân tham gia với 7.803 ha. Tại các huyện Mộc Hóa, Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh… nhiều CĐML đã cho kết quả khả quan, năng suất đạt 6,5 - 7 tấn/ha, giá bán cao hơn 150 - 200 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn bên ngoài mô hình từ 2 - 3 triệu đồng/ha.

Ông Lê Minh Đức, GĐ Sở NN-PTNT Long An cho rằng: Cần nhanh chóng kéo nông dân tham gia vào SX tập trung và mô hình CĐML đã chứng minh hiệu quả. Ở đó, nông dân được hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật, thu hoạch, bao tiêu đầu ra... nhằm giảm chi phí giá thành, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo.

"Quan điểm SX CĐML là phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo lợi ích nông dân là phải tìm cách kéo DN vào mô hình liên kết. Ở đó, DN là người đặt hàng cho nông dân SX, nhằm giảm tình trạng làm đại trà, tự ý như lâu nay", ông Đức chia sẻ.

Chưa an tâm

Hầu hết các CĐML ở ĐBSCL được thực hiện khá tốt, giúp tăng năng suất, chất lượng hạt lúa. Nông dân tham gia CĐML đều sử dụng cùng 1 loại giống lúa chất lượng cao, có sổ sách ghi chép nhật ký mùa vụ, cơ giới hóa nông nghiệp nên giúp nông dân tăng lợi nhuận trên cùng diện tích. Tuy nhiên, nông dân lo lắng nhất là hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Ông Đoàn Ngọc Phả, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, mô hình CĐML được tỉnh chính thức triển khai khoảng 35.000 ha và sẽ tăng diện tích theo từng năm. Theo ông Phả, thực tế qua mấy vụ SX cho thấy, mô hình CĐML mang lại nhiều kết quả thiết thực: Chi phí đầu tư giảm, năng suất tăng, từ đó giảm giá thành SX, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa.

Mối liên kết “4 nhà” ở An Giang cũng được tăng cường, nhất là nhà DN cung cấp đầu vào với nông dân. Xây dựng CĐML sẽ xóa bỏ tập quán SX nhỏ lẻ để hình thành vùng SX hàng hóa lớn, tập trung, góp phần nâng cao giá trị lúa gạo của VN khi xuất khẩu. Tuy nhiên, mọi khâu làm trong CĐML đều tốt, nhưng “nút thắt” lớn nhất trong phát triển mô hình CĐML ở An Giang hiện nay chính là khâu đầu ra.

Vì mấy vụ qua DN chỉ thực hiện bao tiêu được một phần, cách triển khai thu mua cũng còn bất cập nên nông dân chưa được yên tâm. Hiệu quả như vậy nhưng việc triển khai CĐML không chỉ ở An Giang mà nhiều nơi tại ĐBSCL hiện vẫn gặp không ít khó khăn do họ chưa tin vào mối liên kết giữa nông dân và DN tiêu thụ.

Ông Đoàn Trí Vững, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết thêm: Thời gian qua, tình trạng nông dân và DN “bẻ kèo” nhau trong hợp đồng bao tiêu thường xuyên là nguyên nhân dẫn đến tâm lý này. Khi lúa xuống giá DN ép nông dân, ngược lại nông dân cũng ép DN khi lúa được giá, nguồn cung thiếu hụt.

Chính quyền không chỉ quy hoạch vùng SX cho từng loại giống lúa, vận động nhân dân tham gia CĐML mà điều quan trọng là phải tìm cho ra những DN có trách nhiệm và tiềm lực để ký hợp đồng với nông dân.

"DN đầu tư vốn, chuyển giao TBKT, bao tiêu sản phẩm... còn nông dân chỉ quyết định được SX. Chính vì vậy muốn SX hiệu quả, bền vững thì DN cần phải tham gia cùng nông dân trong quá trình SX gắn chặt với tiêu thụ. Khi DN tham gia vào CĐML, mô hình này mới thực sự phát huy hiệu quả", ông Vững phân tích.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/45/45/113939/doanh-nghi%e1%ba%b9p-la-be-do.aspx