Doanh nghiệp lạc quan hơn về môi trường kinh doanh

Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp (DN) vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy. Theo khảo sát, có 52% DN tư nhân trong nước và 60% DN FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới.

Điểm số PCI bình quân cao nhất

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và cơ quan Viện trợ Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa phối hợp tổ chức công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017.

PCI là bộ chỉ số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh khác nhau như: thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng… PCI cũng đánh giá mức độ hỗ trợ của chính quyền về tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp… theo đánh giá của các DN dân doanh đang hoạt động tại địa phương.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2017 ghi nhận điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ giai đoạn khởi đầu của Báo cáo PCI từ năm 2005 đến nay. Gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số của mình, cho thấy môi trường kinh doanh ở các địa phương đã có những cải thiện rất ấn tượng dưới sự điều hành của Chính phủ. PCI 2017 ghi nhận sự cải thiện chất lượng điều hành rất ấn tượn của chính quyền địa phương cả nước. So với những năm trước, các chính quyền giải quyết kịp thời hơn các khó khăn, vướng mắc của DN.

Sau 4 năm liên tiếp Đà Nẵng đứng vị trí đầu bảng xếp hạng, năm 2017, Quảng Ninh đã vươn lên giành vị trí “quán quân”. Theo Chủ tịch VCCI, tỉnh Quảng Ninh là nơi khởi nguồn của nhiều sáng kiến cải cách táo bạo và hiệu quả. 5 năm qua, Quảng Ninh đã tập trung cải cách hành chính qua việc vận hành mô hình Trung tâm Hành chính công và thành lập Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, từ đó rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho các nhà đầu tư, DN.

Báo cáo PCI 2017 cũng ghi nhận những nỗ lực cải cách của các tỉnh, TP khác như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đã nằm trong nhóm các địa phương có thứ hạng PCI cao nhất. So với PCI 2016, TP Hà Nội tăng 1 bậc xếp hạng.

Đáng quan tâm, niềm tin của cộng đồng DN vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy. Theo khảo sát, có 52% DN tư nhân trong nước và 60% DN FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Tỷ lệ DN dân doanh có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa là rất thấp, chỉ ở mức 8%. Đồng thời, có tới 60% DN FDI cho biết có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Theo PCI 2017, cải cách hành chính có bước tiến, chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính đang có nhiều chuyển biến tích cực. 72% cán bộ, công chức giải quyết công việc hiệu quả. 67% DN cho biết, “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”, được tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc DN tại tỉnh.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho rằng, điểm xếp hạng trung bình năm 2017 đã đạt 60,2 điểm, là mức cao nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, các chỉ số tham nhũng và chi phí không chính thức đã giảm trong 2 năm vừa qua, có được điều này đó là do những sáng kiến chống tham nhũng đã được Việt Nam mạnh mẽ triển khai trong thời gian vừa qua. Những điều này đã thu hút sự tham gia ngày càng nhiều DN FDI đầu tư vào Việt Nam.

Lễ công bố kết quả điều tra PCI 2017. ảnh: P.thảo

Tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, dù đã có nhiều tiến bộ nhưng tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho DN chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Năm 2017, trung bình vẫn có trên 59% DN cho biết họ vẫn còn phải trả các chi phí không chính thức, dù chỉ số này đã giảm so với những năm trước, 28% DN vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức”, Chủ tịch VCCI nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI – GĐ dự án PCI cho biết thêm, xu hướng đáng lo ngại trong năm nay là ở lĩnh vực tiếp cận đất đai và mức độ ổn định trong sử dụng đất.

DN đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, mở rộng mặt bằng kinh doanh. DN cũng cảm thấy mức độ rủi ro bị thu hồi đất ngày càng cao. Tỷ lệ DN có đất và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm nhẹ so với năm 2016. Vấn đề lớn nhất không phải là thiếu quỹ đất sạch mà là sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, DN gặp phải rất nhiều phiền hà trong các thủ tục về giải phóng mặt bằng, bồi thường cho người dân hay các thủ tục, quy định khác.

32% DN đánh giá quy hoạch đất đai của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của DN, 1/4 các DN nhận định rằng việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng. Chỉ có 25% DN tham gia điều tra trả lời rằng họ không gặp khó khăn gì khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc mua, chuyển nhượng hay thuê đất, giảm so với con số 29,7% của năm 2016.

“Đây là mức thấp kỷ lục ghi nhận được trong lịch sử điều tra PCI. Trái lại, 75% cho biết gặp phải ít nhất 1 trong 7 khó khăn. Theo DN, vấn đề lớn nhất đó là thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết (58%) và DN buộc phải trả thêm chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ (47%)”, ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay, trong vài năm qua, báo cáo PAPI ghi nhận xu hướng ngược lại về vấn đề đất đai đối với người dân. Theo đó, người dân cho biết, rủi ro bị thu hồi đất có chiều hướng giảm, mặc dù họ cũng vẫn quan ngại về mức bồi thường.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh là giải pháp quan trọng

Cho rằng cải cách cần có thêm những động lực mới, ông Lộc nhìn nhận yêu cầu cải cách cắt giảm bắt buộc tối thiểu 30-50% thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh trong năm 2018 của tất cả các Bộ, ngành theo Nghị quyết của Chính phủ sẽ là một giải pháp quan trọng.

Tại Việt Nam, dù số lượng DN thành lập mới gia tăng, nhưng khu vực DN tư nhân lại đang nhỏ đi cả về quy mô vốn và lao động. “Một trong những thách thức phát triển quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay là năng lực còn hạn chế của các DN tư nhân trong việc cải thiện năng suất và mở rộng quy mô để cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Khu vực tư nhân vẫn hướng vào thị trường trong nước là chủ yếu, xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào các FDI (tới 70%). Đáng quan tâm, Việt Nam có chất lượng quản trị DN thấp so với các chuẩn mực quốc tế và so với chính các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam. “Vì vậy, quốc tế hóa DN tư nhân, nâng cấp chất lượng quản trị của khu vực DN tư nhân ở Việt Nam là một hướng đi cấp thiết”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

Theo Chủ tịch VCCI, để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn và có tính cạnh tranh hơn, trách nhiệm không chỉ thuộc về các cơ quan, chính quyền các cấp mà còn ở chính cộng đồng DN. Chính quyền phải đẩy mạnh cải cách thể chế còn DN phải nâng cấp về quản trị để bắt kịp với những chuẩn mực toàn cầu.

Cuộc điều tra PCI 2017 nhận được sự phản hồi của 10.245 DN tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, TP (trong đó có 2.003 DN mới thành lập trong năm 2016 và 2017) và 1.765 DN có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 47 quốc gia đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành. TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, ý nghĩa lớn nhất của Báo cáo PCI hàng năm không phải là điểm số và càng không phải là thứ hạng, mà chính là những dư địa cải cách được gợi mở và những mô hình, công nghệ cải cách được tổng kết và chia sẻ.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/doanh-nghiep-lac-quan-hon-ve-moi-truong-kinh-doanh-112581.html