Doanh nghiệp 'làm xiếc' trong hoạt động nhập khẩu phế liệu

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có Văn bản số 1548/KL-UBND do ông Nguyễn Tiến Nhường, Phó chủ tịch ký về kết luận thanh tra hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Hàng loạt doanh nghiệp sai phạm đã được 'điểm tên'.

22 tổ chức, doanh nghiệp bị thanh tra

UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định thanh tra 22 tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép 16 tổ chức (có 6 doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác), do Bộ Tài nguyên môi trường cấp phép là 6 tổ chức (có 1 doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác). Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị tỉnh Bắc Giang xử phạt một doanh nghiệp sai phạm.

Sau quá trình thanh tra, UBND tỉnh Bắc Ninh đã xác định rõ “danh tính” của hàng loạt doanh nghiệp sai phạm. Đáng chú ý, có cả những doanh nghiệp tại các tỉnh thành khác cũng tham gia “làm xiếc” trong hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Nhà máy giấy Xương Giang của Công ty CP Xuất nhập khẩu Bắc Giang.

Cụ thể, tại kết luận thanh tra, UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao Thanh tra tỉnh Bắc Ninh chuyển thông tin đến UBND tỉnh Bắc Giang để đề nghị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 25 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 đối với Công ty CP xuất nhập khẩu Bắc Giang về hành vi chuyển giao phế liệu nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân ủy thác nhập khẩu không đúng hợp đồng ủy thác (Doanh nghiệp nhận; sử dụng phế liệu nhập khẩu không đúng với Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất).

Công ty cổ phần XNK Bắc Giang được xác định nhận ủy thác nhập khẩu cho Công ty TNHH Tân Huy Kiệt năm 2014 nhưng không chuyển giao trả cho Công ty TNHH Tân Huy Kiệt mà bán giấy phế liệu nhập khẩu nhận ủy thác (có một số hóa đơn bán hàng còn trong thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, hành vi được đoàn thanh tra phát hiện ngày 05/12/2018): Hóa đơn số 007898 ngày 22/5/2017, khối lượng 508.620kg; hóa đơn số 002250 ngày 05/12/2016, khối lượng 506.800kg; hóa đơn số 009927 ngày 06/7/2017, khối lượng 518.120kg.

Theo thông tin trên Báo Bắc Giang, Công ty cổ phần XNK Bắc Giang tái thành lập từ năm 1997 và chuyển đổi mô hình hoạt động vào năm 2005. Thành công nổi bật của Công ty cổ phần XNK Bắc Giang được cho là là đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy Giấy Xương Giang.

Nhiều năm liền, công ty này đã được UBND tỉnh Bắc Giang tặng danh hiệu “Doanh nghiệp Bắc Giang tiêu biểu”; tổ chức Đảng được Đảng bộ Khối DN tỉnh công nhận đơn vị trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

UBND tỉnh Bắc Ninh đồng thời giao Thanh tra tỉnh chuyển đến UBND TP Hà Nội đề nghị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 25 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 đối với Công ty TNHH Duy Hưng về hành vi chuyển giao phế liệu nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân ủy thác nhập khẩu không đúng với hợp đồng ủy thác.

Công ty TNHH Duy Hưng nhận ủy thác nhập khẩu cho Công ty TNHH sản xuất giấy và bao bì Phương Đông năm 2016, năm 2017, năm 2018 nhưng không chuyển giao giấy phế liệu nhập khẩu cho bên ủy thác mà bán cho đơn vị khác (lô hàng được thông quan không chuyển giao gần nhất ngày 09/3/2018, hành vi bị phát hiện theo BBLV ngày 04/12/2018 của Đoàn thanh tra với đại diện đơn vị).

Nhập khẩu về rồi để đấy: Vì sao?

Còn nhớ cách đây gần 1 năm, chia sẻ tại một buổi họp báo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan Mai Xuân Thành nhấn mạnh, tình trạng nhập khẩu phế liệu đã và đang gia tăng tại các cảng biển tại Việt Nam. Nhiều container nhập khẩu phế liệu về cảng như vô chủ, không ai đến nhận, gây khó khăn trong công tác tập kết. Số lượng container phế liệu đang tồn đọng tại cảng Hải Phòng và Cát Lái (TP. HCM) lên khoảng 5.000 chiếc.

Số container tồn tại Cát Lái tính đến ngày 25/7/2018 là 3.579 container, trong đó có 594 container tồn 30 - 90 ngày; 2.423 container tồn quá 90 ngày; còn lại là dưới 30 ngày.

Trả lời báo chí về trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc để xảy ra tình trạng nhập lậu phế liệu tràn lan vào Việt Nam, ông Mai Xuân Thành cho rằng cơ quan này chỉ là đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm soát thông quan. Trong khi việc cấp phép nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam là thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).

Nhật, Mỹ, Hàn Quốc là 3 quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nhiều phế liệu nhất thời gian qua.

Thủ tục nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam còn nhiều kẽ hở khiến cho doanh nghiệp lợi dụng, trong khi cơ quan chức năng rất khó điều tra, xử lý.

Ông Nguyễn Khánh Quang, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan) cho biết, danh sách doanh nghiệp được chứng nhận nhập khẩu phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất được cấp bởi Bộ TN&MT. Danh sách này chưa hề được đăng lên cổng thông tin một cửa quốc gia, do đó hải quan và các cảng biển khó có thể biết được doanh nghiệp nào được cấp phép, doanh nghiệp nào không.

Ngoài ra, thủ tục thông quan khi doanh nghiệp nhập khẩu cũng có kẽ hở, hoàn toàn có thể giả mạo khiến việc quản lý rất khó khăn. Chưa kể, Sở TN&MT các địa phương cũng có thẩm quyền cấp phép nhập khẩu phế liệu.

Với các container tồn đọng tại cảng, cơ quan chống buôn lậu cũng khó có thể tìm được chủ nhân thực sự.

“Chúng tôi mời họ không tới nhận, đến trụ sở thì lại không có thật. Ngoài ra còn phải đối chiếu giấy chứng nhận bản gốc bên Bộ TN&MT cấp. Quy trình điều tra một doanh nghiệp nhập lậu phế liệu hay bỏ tại cảng rất khó khăn”, ông Khánh nói.

Nhà nghiên cứu Baptiste Monsaingeon khi nói đến việc Đông Nam Á không muốn làm “bãi rác của thế giới” đã nhận định, “bãi rác của thế giới” có hai cách hiểu. Thứ nhất, trong thời gian dài, khoảng 20 năm, nhiều nước Đông Nam Á và đặc biệt là Trung Quốc được dùng làm nơi đón nhận xuất khẩu rác, tái chế rác thải của các nước phương Bắc.

Nói một cách khác, hơn 80% rác thải nhựa của cả thế giới đều chuyển hướng về phía Trung Quốc, Hồng Kông, từ khoảng những năm 1990 đến nay. Tuy nhiên, để thực hiện chính sách cải cách được chủ tịch Tập Cận Bình cho áp dụng, hai lần liền, Trung Quốc đã cấm nhập rác thải nhựa. Quyết định này đã dẫn đến những hậu quả trực tiếp đối với châu Á. Hai đợt cải cách mang tên “Hàng rào xanh”, được triển khai vào năm 2015 và 2017, trên thực tế là áp đặt tỉ lệ tinh khiết đối với rác thải nhập khẩu cao đến mức gần như không thể xuất khẩu rác thải nhựa sang Trung Quốc.

Trong một thời gian dài, phần lớn rác thải trên thế giới được dồn về vùng Đông Nam Trung Quốc và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến một số nước lân cận, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Ngay trong thập niên 1980, 1990, những quốc gia này bắt đầu phát triển rất nhiều hoạt động phụ thuộc vào vùng Đông Nam Trung Quốc. Vì vậy, dĩ nhiên quyết định của Trung Quốc đã tác động mạnh đến cách tổ chức thị trường tái chế rác ở các nước lân cận.

Chúng ta biết là một khối lượng rác thải nhựa, thay vì đến Trung Quốc và Hồng Kông, nay tìm cách hướng sang Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Và những nước này phải chật vật đối phó trước khối lượng phế thải nhựa quá tải.

Theo thông tin mới nhất, kể từ ngày 1/1/2025, Việt Nam sẽ chỉ cho nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm nhựa có giá trị cao, không cho nhập phế liệu về sản xuất các sản phẩm trung gian như hạt nhựa hay bột giấy.

PV (Tổng Hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/doanh-nghiep-lam-xiec-trong-hoat-dong-nhap-khau-phe-lieu-post29374.html