Doanh nghiệp lên triển lãm ảo chào hàng xuất khẩu

Đặc thù của ngành đồ gỗ, nội thất là khách hàng muốn trực tiếp 'sờ, nắm' được sản phẩm mới quyết định mua hàng. Dịch Covid-19 diễn ra đã thay đổi cách thức truyền thống này.

Hương Nga Fine Arts là công ty nội thất sơn mài hoạt động trên thị trường từ năm 1988. Giai đoạn Covid-19 diễn ra, Hương Nga không thể tham dự các hội chợ, triển lãm - vốn là cách tiếp cận tối ưu nhất với các nhà mua hàng quốc tế. Đối tác nước ngoài cũng không thể đến Việt Nam tham quan nhà máy, showroom để trực tiếp xem xét sản phẩm.

Bà Đinh Thị Hương Nga, giám đốc công ty cho biết doanh thu sụt giảm, đội ngũ bán hàng phải hoạt động với công suất gấp ba lần bình thường để duy trì và tìm khách hàng mới.

Xây dựng nhà máy, showroom ảo

"Chúng tôi gửi email hỏi thăm liên tục, không để khách quên mình, đến khi ra mắt bộ sưu tập mới lại gửi hình ảnh và thông tin cho khách. Nhưng dù quan tâm thì họ cũng chưa mua, vì còn đợi sờ, nắm được sản phẩm, đó là đặc thù của ngành", bà nói.

Thế nhưng, trong vòng 1 tháng kể từ khi hoàn thiện nhà máy, showroom 3D trực tuyến, doanh nghiệp đã có 2 đơn hàng xuất khẩu sang Anh và Đức. Bà Hương Nga cho biết, những đơn hàng này có thể giúp duy trì công ăn việc làm cho mấy chục nhân viên và hoạt động kinh doanh đến hết năm.

 Showroom 3D trực tuyến của Hương Nga Fine Arts. Ảnh chụp màn hình.

Showroom 3D trực tuyến của Hương Nga Fine Arts. Ảnh chụp màn hình.

Thông qua nền tảng HOPE (HAWA Online Platform for Exhibition) được phát triển bởi Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), chi phí doanh nghiệp bỏ ra để đưa nhà máy và showroom rộng 300 m2 lên không gian ảo chưa đến 10 triệu đồng.

"Chúng tôi có lượng khách ổn định và hệ thống thông tin rõ ràng nên quá trình chuyển đổi số không quá khó khăn. Hiện nay, EVFTA đã chính thức có hiệu lực cũng giúp các đối tác châu Âu tự tin mua hàng hơn", bà Hương Nga nhận định.

Thực tế, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó chủ tịch HAWA, các doanh nghiệp ngành gỗ bước đầu đã ghi nhận đơn hàng xuất khẩu từ tháng 7. Kết quả này có được chủ yếu nhờ các hoạt động xúc tiến và quảng bá trực tuyến.

Thậm chí, một số sản phẩm còn ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn trước dịch Covid-19 bởi phù hợp với nền tảng online. Do đó, thông tin từ một số doanh nghiệp lớn, số hóa nhanh cho thấy doanh số không sụt giảm.

Bên cạnh xuất khẩu, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng bối cảnh Covid-19 hiện nay cũng là cơ hội để các doanh nghiệp ngành gỗ tìm về thị trường nội địa. Do đó, khi xây dựng nền tảng HOPE, ông kỳ vọng có thể hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đồng thời với cả đơn vị nhập khẩu nước ngoài và người tiêu dùng, nhà phân phối nội địa.

Tại đây, người mua có thể tìm hiểu thông tin sản phẩm, nhà máy, lưu lại các nhà cung cấp yêu thích và kết nối trực tiếp. Trong khi đó, người bán, ngoài việc giới thiệu sản phẩm, còn có thể nắm được hành trình tham quan triển lãm ảo của người dùng, từ đó có dữ liệu thống kê, phân tích và đưa ra chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó chủ tịch HAWA. Ảnh: HAWA.

Ngày 7/8, trang triển lãm trực tuyến này sẽ chính thức ra mắt. Đến nay, khoảng 50 nhà sản xuất và xuất khẩu nội thất đã phát triển showroom ảo trên nền tảng này. HAWA dự kiến nâng con số tham gia lên 100 trong năm nay.

Ông Nguyễn Đại Hải, CEO showroom nội thất 3D trực tuyến Fitin cũng cho biết các giải pháp ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường được doanh nghiệp áp dụng đang mang lại hiệu quả tích cực. Người tiêu dùng hiện chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ để hoàn tất thiết kế nội thất cơ bản cho một căn nhà, thông qua việc lựa chọn các sản phẩm 3D đưa vào từng bố cục.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh phát triển gian hàng trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Năm 2019, Amazon cho biết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam tiếp cận với hơn 300 triệu người mua hàng quốc tế, còn Alibaba nêu rõ gỗ và nội thất là một trong ba ngành hàng chính mà hãng đang đẩy mạnh tại Việt Nam.

Không phải giải pháp tạm thời

Tuy nhiên, ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch HAWA cho rằng quá trình chuyển đổi số còn nhiều khó khăn. Đơn cử như với nền tảng HOPE, rất nhiều nhà máy của Việt Nam trước nay chưa có showroom, hoặc showroom chưa đẹp, chưa đạt chuẩn để tự tin đưa lên không gian ảo.

Ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Ngọc Dũng nhận định một trong những rào cản đối với ngành gỗ là nỗi lo bị ăn cắp thiết kế, mẫu mã sản phẩm khi giới thiệu trên Internet.

"Giờ đã là thế giới phẳng, chúng ta không thể không online được. Bản thân tôi khi xây nhà đã tìm kiếm nội thất trên mạng nhưng không thể chọn mua vì quá thiếu thông tin. Bởi vậy, nói đến chuyển đổi số thì chưa cần gì sâu xa, bản thân doanh nghiệp phải số hóa dữ liệu, số hóa cách vận hành trước", ông Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ.

Đại diện các hiệp hội cho rằng những giải pháp công nghệ không chỉ để ứng phó tạm thời với Covid-19, mà cần được xem xét như những giải pháp tối ưu cho kinh doanh lâu dài của ngành gỗ Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6 đạt 947 triệu USD, tăng 22,7% so với tháng trước. Nửa đầu năm, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 5,04 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, kết thúc tháng 6, so với mục tiêu 12 tỷ USD đề ra hồi đầu năm, xuất khẩu gỗ đã thực hiện được hơn 40% kế hoạch, bất chấp những khó khăn từ Covid-19.

Tổng cục Lâm nghiệp dự báo, tổng giá trị xuất khẩu trong quý III/2020 sẽ đạt khoảng 3,12 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng khoảng 43% so với quý II/2020. Đặc biệt, quý IV/2020 dự kiến là thời điểm toàn ngành đạt tăng trưởng cao nhất, khi giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức 3,82 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-len-trien-lam-ao-chao-hang-xuat-khau-post1114253.html