Doanh nghiệp lo ngại tình trạng lao động trẻ ưa 'nhảy việc'

Trong nền kinh tế thị trường, 'nhảy việc' đang trở thành xu hướng phổ biến, nhất là với lực lượng lao động trẻ. Tự do lựa chọn, thay đổi môi trường làm việc sẽ khiến họ có điều kiện tích lũy kinh nghiệm, khẳng định bản thân. Đây cũng chính là vấn đề mà các doanh nghiệp lo ngại.

Tìm kiếm môi trường phù hợp

Theo những báo cáo gần đây của các công ty tuyển dụng nhân sự cho thấy, tỷ lệ thay đổi công việc ở lao động trẻ ngày một cao. Một khảo sát mới đây của Navigos Group chỉ ra rằng, tại Việt Nam, có tới 70% người được hỏi làm việc trung bình từ 4 năm trở xuống tại một công ty. Điều này có thể thấy mức độ gắn bó thấp của thế hệ trẻ với doanh nghiệp.

Nói về lý do nhảy việc Nguyễn Thu Trang (25 tuổi, đang làm kế toán tại 1 công ty ở quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Khi mới ra trường, tôi từng làm nhân viên chăm sóc khách hàng ở một công ty mua sắm cho Hàn Quốc đầu tư, nhưng vì áp lực công việc và môi trường không tốt, tôi đã nghỉ việc sau 6 tháng. Sau đó, tôi làm nhân viên văn phòng, không có áp lực, nhưng công việc đơn điệu, tôi lại nghỉ và gắn bó với công việc hiện tại. Chuyển môi trường làm việc, tôi được nhiều hơn mất: tích lũy được kinh nghiệm, học được cách làm việc nhóm, sống hòa đồng với mọi người”.

Không phải ai "nhảy việc" một, hai lần cũng tìm được công việc như ý, Lê Vũ Anh (24 tuổi, Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội) mới tốt nghiệp đại học, nhưng đến nay đã chuyển việc 3 lần mà vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp. Giống như Nguyễn Thu Trang, lý do mà Lê Vũ Anh chuyển việc chủ yếu liên quan đến môi trường làm việc không phù hợp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với kỳ vọng.

Thực tế, không hiếm lao động trẻ, đặc biệt là những sinh viên mới ra trường rất năng động, muốn khẳng định bản thân nên không chịu chấp nhận công việc đơn điệu, thường có xu hướng nhảy việc. Tình trạng người lao động chuyển việc thường xuyên đã khiến cho không ít doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn.

Giữ chân nhân tài bằng lương, thưởng

Với nhiều năm làm công tác liên quan đến vấn đề nhân sự, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, thay đổi môi trường làm việc, "nhảy việc" là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường, khi mối quan tâm lớn nhất của người lao động là quyền lợi, thu nhập và khả năng thăng tiến. Điều này sẽ tạo ra sự xáo trộn không nhỏ trong thị trường lao động. Dù vậy, đối với những lao động trẻ, mới bắt đầu sự nghiệp, thay đổi công việc một cách hợp lý sẽ giúp họ gặt hái được thành công.

Dưới góc độ nhà tuyển dụng, đa số đều cho rằng người trẻ có thể chuyển việc, nhưng nếu chuyển quá nhiều công việc trong 1 thời gian ngắn, họ không đánh giá cao ứng viên đó cho vị trí công việc tiếp theo. Do đó, lao động trẻ cần lưu ý "nhảy việc"có thể mở rộng con đường thăng tiến nhưng hết sức cẩn trọng vì nó là con dao hai lưỡi. Nếu không xác định rõ mục tiêu, thì có nhảy việc nhiều lần cũng vẫn phải bắt đầu lại với mức lương khởi điểm.

Theo các chuyên gia, lương thưởng là yếu tố hàng đầu để người lao động quyết định có tiếp tục gắn bó với công ty này hay chuyển sang công ty khác. Thước đo về tài chính cũng được những người trẻ sử dụng để đánh giá mức độ phát triển của bản thân trên con đường sự nghiệp và là động lực thôi thúc họ dấn thân vào những thử thách. Do đó, doanh nghiệp không nên chỉ quan tâm đến đầu tư sản xuất, mà còn phải có thái độ đúng đắn, ưu tiên việc đầu tư đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần lên lộ trình thăng tiến cụ thể cho từng vị trí và mở ra cho nhân viên cơ hội học hỏi và trau dồi kỹ năng không ngừng trong công việc hàng ngày của họ.

An Nhiên

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/doanh-nghiep-lo-ngai-tinh-trang-lao-dong-tre-ua-nhay-viec/763181.antd