Doanh nghiệp lúng túng vì điều kiện kinh doanh chồng chéo

Báo cáo 'Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022' của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, dù Chính phủ đã nỗ lực cải cách cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, nhưng khi thực thi vẫn phát sinh những chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cần rà soát các điều kiện kinh doanh khoa học, nghiêm túc và độc lập

Cần rà soát các điều kiện kinh doanh khoa học, nghiêm túc và độc lập

TS Nguyễn Minh Thảo- Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, các kết quả cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp; quyền tự do kinh doanh trên thực tế vẫn chưa thực sự được bảo vệ.

Theo bà Minh Thảo, trên thực tế, môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, trong đó có những bất cập chính sách; vì thế nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả. Gánh nặng chính sách đối với doanh nghiệp tồn tại dưới nhiều hình thức, thể hiện qua nhiều bất cập khác nhau.

Có những vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết; thậm chí thời gian gần đây mức độ rủi ro càng tiềm ẩn lớn hơn.

Dẫn chứng cho nhận định này, đại diện CIEM cho biết, có những văn bản quy định không biết thực hiện như thế nào cho đúng là tình trạng đáng lo ngại hiện nay, thể hiện ở sự thiếu thống nhất, không phù hợp, không khả thi, khác biệt trong các quy định liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên…). Đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu, nhưng chậm được giải quyết.

“Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 luật (năm 2022); đồng thời sửa đổi, bổ sung tương ứng hàng loạt các Nghị định liên quan.

Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật liên quan chủ yếu giải quyết một số vướng mắc trong phân cấp, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công, đầu tư bằng vốn ODA, một số dự án PPP, dự án xây dựng nhà ở và đô thị; giải quyết một phần vướng mắc về quyền sử dụng đất cho dự án nhà ở thương mại, đô thị…

Những vướng mắc cốt lõi tồn tại từ nhiều năm trước đây cơ bản vẫn còn nguyên và thậm chí chưa có phương án giải quyết”- bà Nguyễn Minh Thảo nói.

Hay về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, năm 2022, các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện cắt giảm nhưng trên thực tế, số lượng các điều kiện kinh doanh cắt bỏ rất ít hoặc chỉ cắt bỏ những điều kiện kinh doanh ít ý nghĩa, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn như quy định tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28-1-2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm hiện còn bất cập. Theo đó, Nghị định này quy định: Muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt (áp dụng từ 15/3/2017) và Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm (áp dụng từ 15/3/2018).

“Theo phản ánh của nhiều hiệp hội doanh nghiệp, các quy định này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm gia tăng chi phí quá mức, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; trong khi không đạt hiệu quả quản lý, không phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro và thông lệ quốc tế cũng như dẫn đến nguy cơ thừa i-ốt cho một bộ phận người dân.

Có doanh nghiệp chế biến thực phẩm mỗi năm chi phí tăng thêm hơn 39 tỷ đồng do quy định này; như vậy qua 6 năm, chi phí lên tới 235 tỷ đồng (chưa tính chi phí cơ hội về vốn)”- bà Minh Thảo thông tin.

Đáng chú ý là từ khi Nghị định 09/2016/NĐ-CP ban hành, các Hiệp hội đã liên tục có nhiều kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Y tế với mong muốn kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhưng đã 6 năm trôi qua, bất cập vẫn tồn tại.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Hiệp- Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho hay, riêng lĩnh vực đầu tư bất động sản, có khoảng 12 luật tác động trực tiếp vào các hoạt động trong lĩnh vực này nhưng các luật lại đưa ra những ý kiến xử lý không đồng nhất nên các dự án, các doanh nghiệp và các cơ quan hành pháp thụ lý không biết phải xử lý thế nào trong những trường hợp chồng chéo này.

Ví dụ: Luật Quy hoạch đô thị thì quy định dự án phải được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mới tiến hành làm quy hoạch và xin phê duyệt trong khi Luật Đầu tư 2020 lại quy định dự án muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có quy hoạch chi tiết được phê duyệt!

“Như vậy chỉ một vấn đề liên quan đến hai luật này đã không thống nhất: không biết con gà có trước hay quả trứng có trước? Hay Luật Kinh doanh bất động sản Điều 57 quy định bên bán chỉ được thu tiền đến 95% giá trị hợp đồng khi bên mua chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhưng ở Luật đất đai lại quy định phải nộp 100% tiền thì cơ quan quản lý mới được cấp giấy chứng nhận”- ông Nguyễn Quốc Hiệp cho hay.

Theo thống kê của VCCI, trong năm 2022, các cơ quan nhà nước tại Trung ương đã ban hành 636 VBQPPL, trong đó có 12 luật của Quốc hội, 3 pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 131 nghị định của Chính phủ, 28 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 462 thông tư của các bộ trưởng.

So với trung bình các năm, tổng số văn bản và số lượng từng loại văn bản đều có xu hướng giảm. Tuy nhiên, VCCI cũng chỉ ra những chồng chéo, bất cập, xử lý “vấn đề nóng” theo “cách nguội” của các Bộ, ngành địa phương trong năm qua.

Để khắc phục tình trạng này, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, mỗi chính sách cần được đánh giá tác động nghiêm túc, khoa học thay vì chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ; và cần thiết phải có sự tham gia của đại diện các tổ chức nghiên cứu độc lập, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong quá trình thẩm định; xây dựng cơ chế rõ ràng, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tiếp nhận ý kiến và phản hồi ý kiến. Đồng thời, cần khơi dậy động lực cải cách của chính quyền địa phương.

“Môi trường kinh doanh thiếu hấp dẫn, không an toàn sẽ ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần sự cảm thông, chia sẻ và đồng hành của Chính phủ thông qua thúc đẩy các nỗ lực cải cách, tháo gỡ rào cản đầu tư, kinh doanh”- bà Nguyễn Minh Thảo kiến nghị.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/doanh-nghiep-lung-tung-vi-dieu-kien-kinh-doanh-chong-cheo-post537183.antd