Doanh nghiệp mía đường bội thu

Nhờ hạn chế nhập khẩu và giá đường ở mức cao, các doanh nghiệp trong ngành ghi nhận kết quả khả quan trong vụ mía 2020-2021.

Các công ty mía đường có niên độ tài chính thường trùng với vụ mía, tức bắt đầu từ 1/7 năm trước đến 30/6 năm sau. Do đó, thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành phần lớn đã có kết quả kinh doanh cho năm tài chính 2020-2021 với nhiều kết quả khả quan.

Đà tăng trưởng trong kinh doanh cũng giúp cổ phiếu có được mức tăng giá tích cực gần đây và là một trong số ít các ngành thu hút được dòng tiền thời gian qua như cổ phiếu SBT, LSS, SLS, KTS…

Lợi nhuận đồng loạt tăng

Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa (TTC Sugar - SBT) vừa thông báo doanh thu thuần đạt hơn 4.152 tỷ đồng trong quý cuối niên độ, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu chủ yếu là đường mía với giá trị 3.882 tỷ đồng, doanh thu còn lại đến từ mật đường, điện, phân bón…

Tuy nhiên, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đồng thời tăng mạnh trong kỳ. Do vậy, công ty báo cáo lợi nhuận sau thuế chỉ còn hơn 195 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế niên độ tài chính 2021, TTC báo cáo doanh thu đạt 14.901 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ và đường vẫn đóng góp chính với tỷ trọng gần 95% doanh thu. Kết quả này nhờ việc tiêu thụ thành công 1,16 triệu tấn đường, tăng 10% so với niên độ trước.

Công ty cho biết việc kiểm soát tốt chi phí đầu vào giúp cải thiện biên lãi gộp, nhờ đó lợi nhuận sau thuế thu về 675 tỷ đồng, tăng 86% so với niên độ trước và là mức lợi nhuận kỷ lục của công ty đầu ngành mía đường này.

Diễn biến giá cổ phiếu mía đường trong một năm qua. Đồ thị:TradingView.

Tại miền Bắc, công ty Mía đường Sơn La (SLS) cũng có kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận sau thuế tăng 38%, lên 164 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty đã vượt xa mục tiêu lợi nhuận cả năm khi gấp 6,3 lần con số kế hoạch (26 tỷ đồng).

Mía đường Sơn La hoạt động ở khu vực phía Bắc với cơ cấu sản phẩm chính là sản phẩm đường và mật rỉ, bên cạnh đó còn có một phần nhỏ doanh thu từ nông sản, phân bón, mía giống, xỉ tro… Công ty này đang được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chế biến nông sản tại tỉnh Sơn La (không phát sinh thuế TNDN).

Mía đường Lam Sơn (LSS) đạt doanh thu 831 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 16 tỷ đồng trong quý cuối niên độ, tăng trưởng lần lượt 83% và 120% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm, công ty ghi nhận doanh thu tăng 9% lên 1.855 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt tăng 27% đạt 24 tỷ đồng.

Đường Kon Tum (KTS) cũng có kết quả khả quan khi ghi nhận doanh thu thuần hơn 248 tỷ đồng, tăng 62% so với niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế thu về gần 6 tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm ngoái và vượt 111% chỉ tiêu lợi nhuận cả niên độ.

Một đơn vị lớn trong ngành khác là Đường Quảng Ngãi (QNS) có niên độ tài chính thông thường kết thúc vào 31/12 hàng năm. Công ty báo cáo nửa đầu năm nay đạt 3.670 tỷ đồng doanh thu, tăng 13% và lợi nhuận sau thuế 522 tỷ đồng, tăng 19% so với nửa đầu năm ngoái.

Hoạt động của Đường Quảng Ngãi cũng có khác biệt hơn khi bao gồm 2 mảng kinh doanh chính là sữa đậu nành (thương hiệu Vinasoy) và mía đường, bên cạnh đó còn có điện sinh khối, nước giải khát, bia, rượu và bánh kẹo.

Trong đó, mảng đường ghi nhận doanh thu nửa đầu năm tăng trưởng 63% lên 867 tỷ đồng và lợi nhuận gộp gấp 41,6 lần cùng kỳ đạt gần 144 tỷ đồng. Đây là mảng có đóng góp lợi nhuận gộp cao thứ nhì tập đoàn với tỷ trọng gần 14%, chỉ xếp sau sữa đâu nành.

Giá đường đạt đỉnh

Kết quả khả quan của doanh nghiệp có đóng góp không nhỏ từ việc giá đường trên thế giới tăng mạnh. Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) nhận thấy chỉ số giá giao dịch đường thô và đường trắng vẫn giữ mức cao đến tháng 6.

Giá đường trên thị trường quốc tế vừa chạm mức cao kỷ lục hơn 4 năm trở lại đây khi sản lượng của Brazil suy giảm mạnh do các hiện tượng thời tiết cực đoan. Vụ đường ở Brazil, quốc gia cung cấp khoảng 40% sản lượng đường thế giới, cũng có thể kết thúc sớm hơn nhiều thường lệ khiến nguồn cung toàn cầu bị hạn chế hơn.

Giá đường thế giới chạm đỉnh 4 năm. Đồ thị: TradingEconomics.

Trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội cạnh tranh tốt hơn khi từ ngày 16/6, Bộ Công Thương quyết định mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức 47,64% đối với đường tinh luyện (RE) và đường thô (RS) nhập khẩu từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm. Điều này đã giúp hạn chế lượng lớn đường nhập khẩu về nước và giúp giá đường đi lên.

SSI Research dự báo các doanh nghiệp có lợi thế về quy mô trong sản xuất đường như TTC Sugar và Đường Quảng Ngãi sẽ được hưởng lợi hơn từ chính sách mới. Thời hạn hiệu lực 5 năm cũng là giai đoạn dài giúp chuỗi cung ứng đường trong nước phục hồi và phát triển hơn.

Trong đó TTC Sugar là doanh nghiệp đầu ngành với thị phần 46% sẽ hưởng lợi nhanh nhất nhờ mạng lưới phân phối đủ tất cả các kênh bán buôn, bán lẻ và hệ thống kho chứa lớn nhất cả nước. Công ty cũng đứng đầu về diện tích vùng nguyên liệu, công suất luyện đường ước đạt 2.000 tấn/ngày.

Đường Quảng Ngãi có lợi thế sở hữu thị phần và vùng nguyên liệu đứng thứ hai cả nước, với 2 nhà máy có tổng công suất ép mía đạt 20.200 tấn/năm và cung cấp khoảng 200.000 tấn đường/năm (chiếm khoảng 13% thị phần).

Chứng khoán Vietcombank cũng nhận định doanh nghiệp ngành mía đường được kỳ vọng tăng trưởng tích cực hơn trong giai đoạn mới một khi ngăn chặn được nguồn đường giá rẻ lẩn tránh thuế của Thái Lan và dịch bệnh sớm được kiểm soát.

Huy Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-mia-duong-boi-thu-post1250515.html