Doanh nghiệp mong muốn tháo gỡ vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành

Ngày 20/6/2017, tại TP.HCM, Viện Quản lý kinh tế Trung Ương và Dự án USAID tổ chức Hội thảo “Thực thi Nghị quyết 19 cải cách các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm”.

Đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.H

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan liên quan, Tổng cục Hải quan, một số cục hải quan địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia…

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tỷ lệ và số lượng lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành (KTCN) là rất lớn, thời gian kéo dài, gây tốn kém hàng triệu USD, thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Trong hoạt động quản lý chuyên ngành, các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm hiện là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Thực tế cho thấy còn có nhiều vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các quy định này.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 19 là cải cách toàn diện về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Trong đó, giảm chi phí KTCN sẽ góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế, và sự tăng trưởng này là tăng trưởng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Tại hội thảo, các hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia đã thảo luận, đánh giá thực trạng thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, trao đổi, chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện Thông tư số 2/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 28/2012/TT-BKHCN; đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, quản lý an toàn thực phẩm nhằm rút ngắn thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Những cải cách này sẽ góp phần đạt được mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết 19 về cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK

Nêu những bất cập trong công tác KTCN, bà Nguyễn Thị Mai Hương, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, công tác KTCN chưa tách bạch giữa kiểm tra nhà nước và hoạt động đánh giá sự phù hợp; Thời gian thực hiện hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK của Việt Nam còn dài; Có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành ban hành về quy định năng lực của tổ chức đánh giá sự phù hợp; Đưa ra yêu cầu đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp không phù hợp với thông lệ quốc tế; Việc phân công trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành chưa được phân định rõ ràng về đối với một số sản phẩm, hàng hóa của một số bộ, ngành

Hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các bộ quản lý chuyên ngành còn thể hiện nhiều bất cập, như: Không quy định rõ biện pháp quản lý chất lượng trong quy chuẩn kiểm tra; Một số hành vi vi phạm chưa được quy định hoặc mức phạt quy định về xử lý vi phạm hành chính còn thấp, không đủ răn đe

Kiến nghị về giải pháp định hướng trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, cần rà soát danh mục hàng nhóm 2, thay đổi cơ chế quản lý hàng nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời khuyến khích tổ chức đánh giá sản phẩm hàng hóa nên triển khai đánh giá tại nguồn, không thực hiện kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu.

Ông Đinh Công Khương, Giám đốc Công ty Khương Mai, nội dung sửa đổi về KTCN các cơ quan ban ngành hội thảo, bình luận nhiều rồi,nhưng hiệu quả chưa như mong muốn của DN và của Chính phủ. Có những mặt hàng kiểm tra không cần thiết; Năng lực của 1 số cơ quan ban ngành kiểm tra chưa đảm bảo, còn chậm…ảnh hưởng đến chi phí tài chính của DN. DN rất mong những bất cập, vướng mắc về KTCN sớm được tháo gỡ.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Cung, với vai trò chủ trì thực hiện Quyết định của Thủ tướng về KTCN, Bộ Tài chính đã rất chủ động trong việc thực hiện. “Tôi đánh giá cao vai trò của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc chỉ đạo thực hiện về thay đổi trong việc KTCN. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ đối với từng đơn vị trực thuộc… và bước đầu đã đạt được kết quả tốt” – Ông Cung nhấn mạnh.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doanh-nghiep-mong-muon-thao-go-vuong-mac-ve-kiem-tra-chuyen-nganh.aspx