Doanh nghiệp muốn trả tiền thuê máy bơm: Toan tính thật

Một công ty chuyên về quảng cáo muốn hỗ trợ số tiền thuê siêu máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, nhưng TPHCM còn cân nhắc.

Hỗ trợ tiền thuê máy bơm lấy quảng cáo

Trao đổi với Đất Việt, ngày 3/11, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng thừa nhận vừa giao Sở VH-TT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét đề xuất của một công ty quảng cáo về việc hỗ trợ trả tiền thuê máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Được biết, đơn vị đề xuất là Công ty TNHH Hội chợ Quảng cáo Thương mại Tân Việt Mỹ (Vinatafs).

Trong công văn gửi UBND TP, Công ty Vinatafs đề xuất sẽ trả toàn bộ chi phí thuê máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh. Để có nguồn kinh phí chi trả, công ty sẽ thực hiện các đề án quảng cáo thương mại trên các dải phân cách, tiểu đảo,cầu bộ hành… tại một số tuyến đường ở địa bàn TP.HCM.

Nói rõ hơn với Đất Việt, ông Tuyến cho biết: "Hiện nay, thành phố vẫn chưa thuê tư vấn đánh giá hiệu quả của dự án này đàm phán thuê giá như thế nào là hợp lý, nên không tính được chuyện là cho doanh nghiệp nào hỗ trợ về kinh phí thuê siêu máy bơm.

Siêu máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh

Và chuyện doanh nghiệp muốn tài trợ, cũng phải xem xét cân nhắc kỹ lưỡng, xem họ muốn gì, chứ không vội vã đồng ý cho họ tài trợ 10 năm toàn bộ chi phí thuê siêu máy bơm. Phải để doanh nghiệp trình bày rõ xem anh cần điều gì, không có doanh nghiệp nào lại đi làm từ thiện.

Tất nhiên theo tôi biết là họ cũng muốn xin quảng cáo ở khu vực, đây cũng là một hình thức thành phố đang nghiên cứu.

Nhưng hiện tại dự án cũng mới chỉ là đang ở giai đoạn đánh giá lại hiệu quả và mức giá 12 tỷ đồng/năm chỉ là doanh nghiệp đề xuất, thành phố chưa tính toán. Ngay ban đầu, thành phố xác định chắc chắn không còn ngập 1cm nào nữa thì mới thuê, 12 tỷ đồng là do công ty đề xuất còn chúng tôi chưa đồng ý.

Mà người ta làm hiệu quả không còn ngập nữa thì mới lấy tiền theo từng năm, cuối năm mới lấy. Nhiều người nói sao nhà nước không bỏ tiền làm việc này, tôi chỉ hỏi lại có nhà nước nào làm thử hiệu quả mới thanh toán?

Ở đây, thành phố phải tính toán, để cho thực trạng ngập dù 1cm cũng không trả tiền, chúng ta không cần phải lo hỏng hóc máy móc, còn mức giá chi phí thì cũng đang tính toán sao cho hợp lý, chưa có con số cụ thể".

Vẫn chưa xác định hiệu quả

Bên cạnh đó, ở góc độ khác, theo ông Tuyến, sắp tới việc đánh giá hiệu quả có 2 cách: một là, thuê tư vấn chuyên gia để đánh giá; hai là, lấy ý kiến cộng đồng, đánh giá xem có hiệu quả hay không, nếu không hiệu quả thì không trả tiền.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh thường xuyên ngập úng

Trước đó, từng trao đổi với báo Đất Việt, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) chỉ rõ:

"Trong trường hợp bơm chống ngập ở TP. HCM, các đường cống dẫn nước máy bơm (đầu hút vào) cần được tính đến như một thành phần rất quan trọng (ống hút). Để máy bơm làm việc bình thường, về nguyên lý, nước trong ống hút phải luôn luôn đầy (kín tiết diện) để không sinh ra hiện tượng “quả đấm thủy lực”.

Ngoài ra, tốc độ chuyển động của nước trong ống hút (hay đường kính ống hút) cũng phải tối ưu để lực ma sát trong ống do dòng chảy tạo ra là nhỏ nhất (đạt công suất bơm lớn nhất).

Rõ ràng, trong quá trình vận hành, hệ thống thoát nước của thành phố không phải lúc nào cũng ngập đầy ắp nước.

Khi mưa lớn, nước chưa kịp thoát thì có thể đường cống đầy nước, khi máy bơm vận hành thì mực nước trong các đường cống sẽ giảm, làm cho công suất của máy bơm giảm (máy bơm từ bơm nước dần dần chuyển sang bơm không khí) đến mức không thể vận hành được.

Đặc biệt nguy hiểm là khi máy bơm có công suất hút thì lớn, nhưng nước trong đường cống lại không đầy (không kín 100% tiết diện) thì sẽ sinh ra hiện tượng “quả đấm thủy lực”.

Còn đường kính đường ống hút phụ thuộc vào tốc độ dòng chảy. Với công suất máy bơm là 96.000 m3/h: nếu tốc độ dòng chảy của nước trong ống hút đạt mức tối đa là 20m/s thì đường kính ống hút tối thiểu là 1,3m; nếu tốc độ dòng chảy của nước trong ống hút 4m/s thì đường kính ống hút phải đạt 2,9m.

Máy bơm của công ty Quang Trung chỉ thuộc loại ly tâm thì đường kính ống hút không thể lớn hơn đường kính bánh xe công tác.

Xét đến 2 yếu tố trên, cái gọi là “siêu máy bơm” công suất 96.000 m3/h dùng để chống ngập ở TP. HCM như vừa qua chỉ là trò lừa".

Theo ông Sơn, ở Hà Nội cũng như TP.HCM, cần có công trình thoát nước tương tự như ở Paris, London, New York hay St. Peterburg.

"Tôi thiên về giải pháp “ngầm” cho công trình này", ông trăn trở.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/doanh-nghiep-muon-tra-tien-thue-may-bom-toan-tinh-that-3346338/