Doanh nghiệp Mỹ 'tiếp sức' cho chiến dịch tiêm vaccine COVID-19

Trong bối cảnh hàng triệu người Mỹ chưa chịu tiêm vaccine, các nhà tuyển dụng lớn trên toàn nước Mỹ đang đi đầu khi đưa ra một số yêu cầu và khuyến khích tiêm chủng đối với người lao động.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại California, Mỹ ngày 14/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại California, Mỹ ngày 14/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới chuyên gia y tế gần đây đã lên tiếng lo ngại về việc hàng triệu người Mỹ không tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong khi tỷ lệ người dân tiêm chủng đầy đủ của nước này chưa tới 51%.

Với số ca nhập viện và ca mắc COVID-19 gia tăng trên toàn quốc do biến thể Delta, Chính phủ Mỹ đã ra yêu cầu bắt buộc toàn bộ các nhân viên liên bang tiêm chủng và tiến hành xét nghiệm thường xuyên trong trường hợp chưa tiêm chủng. Nhưng Washington lại khó có thể yêu cầu mọi người dân Mỹ phải tuân theo yêu cầu này.

Trong bối cảnh đó, các nhà tuyển dụng lớn trên toàn nước Mỹ đang đi đầu khi tự đưa ra một số yêu cầu và khuyến khích tiêm chủng đối với người lao động.

Giới doanh nghiệp đi đầu

Với 83% số ca nhiễm mới trên toàn quốc xuất phát từ biến thể Delta, các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Mỹ nhấn mạnh tiêm chủng là cách an toàn nhất để đảm bảo nhân viên làm việc từ xa có thể trở lại văn phòng.

Quan điểm này cũng được giới quản lý doanh nghiệp đồng thuận. Bằng chứng là hơn một chục doanh nghiệp lớn của Mỹ, bao gồm Walmart, Google, Tyson Foods và United Airlines, gần đây đã công bố yêu cầu tiêm chủng cho một số hoặc tất cả nhân sự của họ.

Google và Facebook đã bắt buộc các nhân viên phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước khi trở lại làm việc ở các văn phòng đặt tại Mỹ của họ.

Chuỗi siêu thị Walmart - bên đang tuyển dụng 1,6 triệu nhân viên Mỹ - cũng yêu cầu tất cả nhân viên quản lý và doanh nghiệp phải tiêm chủng, trong khi nhân viên tại cửa hàng phải đeo khẩu trang tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

Hãng hàng không United Airlines cho hay khoảng 67.000 nhân viên người Mỹ của họ phải cung cấp bằng chứng tiêm chủng trước ngày 25/10. Động thái này đưa United Airlines trở thành hãng hàng không lớn đầu tiên của Mỹ đưa ra yêu cầu như vậy.

Nhân viên của hãng đối mặt với rủi ro bị sa thải nếu họ không tuân thủ, mặc dù vẫn sẽ có những trường hợp miễn trừ vì lý do tôn giáo hoặc y tế.

Tương tự, hãng hàng không giá rẻ Frontier Airlines cũng nhanh chóng đưa ra yêu cầu nhân viên phải trình giấy xác nhận tiêm chủng trước ngày 1/10 hoặc tự làm các xét nghiệm COVID-19 thông thường.

Tính hợp pháp của các yêu cầu tiêm chủng

Bằng cách bắt buộc nhân viên tiêm chủng, giới doanh nghiệp Mỹ đang hành động theo cách mà các nhà lập pháp luật liên bang khó có thể lặp lại.

Bà Dorit Reiss, một giáo sư tại Trường Luật Hastings thuộc Đại học California, cho hay ngoài việc bắt buộc các nhân viên của chính mình tiêm chủng, Chính phủ liên bang có lẽ không có quyền yêu cầu mọi người dân Mỹ phải tiêm vaccine hoặc đối mặt với án phạt.

Trong trường hợp này, luật pháp Mỹ đứng về phía các doanh nghiệp: Cả Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Cơ hội việc làm Bình đẳng (EEOC) đã xác định rằng các doanh nghiệp có quyền hợp pháp để yêu cầu nhân viên tiêm chủng như một điều kiện đến nơi làm việc, miễn là yêu cầu của họ tuân thủ Đạo luật Người khuyết tật và Đạo luật Dân quyền năm 1964.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Miami, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện tại tất cả các vaccine ngừa COVID-19 được quản lý theo Ủy quyền sử dụng khẩn cấp (EUA) và không được cấp phép đầy đủ. Song Bộ Tư pháp và EEOC đặc biệt tuyên bố rằng các yêu cầu tiêm chủng của chủ lao động có thể áp dụng ngay cả trong tình hình đó.

Nước Mỹ đã triển khai tiêm chủng như thể các loại vaccine đều được phê duyệt đầy đủ, và các cơ quan y tế công cộng tuyên truyền rằng mọi người Mỹ đủ điều kiện đều cần tiêm chủng.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) gần đây đã thông báo đang xúc tiến quá trình cấp phép đầy đủ cho vaccine Pfizer. Nhiều khả năng loại vaccine này sẽ được chính thức thông qua vào tháng Chín tới, với các loại vaccine khác sau đó.

Một khi FDA phê duyệt vaccine COVID-19, sẽ thêm nhiều doanh nghiệp khác có khả năng đưa ra yêu cầu nhân viên tiêm chủng.

Các công ty bảo hiểm cũng có thể hỗ trợ quá trình này. Một báo cáo mới đây của tờ The New York Times cho biết dựa trên chính sách từ chối bảo hiểm cho các chấn thương gặp phải trong hoạt động nguy hiểm, các công ty bảo hiểm có thể bắt đầu "phạt" khách hàng cho việc họ từ chối tiêm chủng.

Lý do được đưa ra là quyết định đó sẽ trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.

Những khó khăn khi triển khai thực tế

Dù có những thuận lợi về tính pháp lý, các yêu cầu tiêm chủng của giới doanh nghiệp cũng gặp không ít trở ngại khi triển khai.

Nghiệp đoàn Alphabet Workers Union, đại diện cho hơn 800 nhân viên của Google và công ty mẹ Alphabet của họ, bày tỏ mối quan tâm về các ngoại lệ đối với yêu cầu tiêm chủng bắt buộc. Phía nghiệp đoàn nói rằng công ty đã không cung cấp chi tiết thông tin về các trường hợp được miễn trừ.

Nhiều công ty khác cũng phải đối mặt với sự phản ứng từ các nghiệp đoàn liên quan tới yêu cầu tiêm chủng.

Sau khi công ty thực phẩm Tyson Foods ra thông báo rằng tất cả 120.000 nhân viên văn phòng và nhà máy của họ phải được tiêm vaccine ngừa COVID-19, nghiệp đoàn United Food & Commercial Workers đại diện cho 24.000 lao động của công ty đã bày tỏ lo ngại về yêu cầu đó khi các vaccine đều chưa được FDA cấp phép đầy đủ.

United Airlines và Hiệp hội Phi công hàng không quốc tế (ALPA) vào đầu năm nay đã đồng ý không yêu cầu tiêm chủng đối với gần 13.000 phi công thuộc nghiệp đoàn này.

Bất chấp hướng dẫn của EEOC, một số doanh nghiệp vẫn hạn chế đưa ra các yêu cầu tiêm chủng vì sợ mất nhân viên, nhất là nhóm nhân công làm việc trực tiếp tại cơ sở và không thể chuyển sang làm việc từ xa.

Lý do cho sự chần chừ này rất rõ ràng: tình trạng thiếu hụt lao động. Các nhà tuyển dụng vẫn đang cạnh tranh khá khốc liệt để "giữ chân" người lao động phổ thông khi thị trường nhân lực ngày một thắt chặt. Do đó, họ không muốn khiến người lao động lo ngại về những yêu cầu bắt buộc tiêm chủng.

Các hãng hàng không bao gồm American Airlines, Southwest Airlines và Delta Airlines cho biết họ khuyến khích chứ không bắt buộc nhân viên phải tiêm vaccine ngừa COVID-19. American Airline và Delta Airlines thậm chí đưa ra các ưu đãi như tăng thêm thời gian nghỉ cho nhân viên lựa chọn tiêm chủng.

United Airlines cũng đồng ý trả thêm khoản phụ cấp cho các phi công đã tiêm chủng, đồng thời cho các thành viên đội bay nghỉ tối đa ba ngày để tiêm chủng.

Với các biện pháp khuyến khích như vậy, United Airlines cho hay hơn 90% phi công và khoảng 80% tiếp viên trên máy bay của họ đã được tiêm chủng.

Trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp, các nhà tuyển dụng lao động Mỹ phải tìm được điểm cân bằng "tinh tế" trong việc đảm bảo an toàn cho công nhân của họ, đồng thời tuân thủ luật pháp và tránh xa các tranh cãi mang nhiều màu sắc chính trị.

Dù vaccine và các công cụ khác để chống lại đại dịch như khẩu trang đã làm dấy lên nhiều tranh luận tại Mỹ, các quan chức y tế nước này khẳng định đó là những công cụ cần thiết để bảo vệ sinh mạng của người dân và đảm bảo các hoạt động kinh tế trở lại bình thường.

Khi ngày càng nhiều ưu đãi khuyến khích tiêm chủng được doanh nghiệp đưa ra cho người lao động, giới chuyên gia kỳ vọng tỷ lệ tiêm vaccine tại Mỹ sẽ ăng lên và giúp củng cố đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới./.

H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-my-tiep-suc-cho-chien-dich-tiem-vaccine-covid19/733094.vnp