Doanh nghiệp nặng nỗi lo giá điện

Kiến nghị tiếp tục tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, khu vực tiêu hao nhiều điện lo lắng.

Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất tiêu thụ nhiều điện năng như thép, xi măng…

Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất tiêu thụ nhiều điện năng như thép, xi măng…

EVN muốn giảm gánh nặng lỗ

Chưa đầy một tháng kể từ ngày công bố tăng giá bán điện thêm 3%, EVN lại đề xuất tăng giá điện. Theo EVN, mức tăng 3% có thể giúp Tập đoàn tăng doanh thu khoảng 8.000 tỷ đồng trong các tháng còn lại của năm 2023, nhưng mức tăng này vẫn chưa cân đối được chi phí mua điện nên EVN vẫn bị lỗ. Với khoản lỗ từ năm 2022 chuyển sang là 26.463 tỷ đồng, dự kiến cả năm 2023, tập đoàn này có thể lỗ tới 40.884 tỷ đồng.

Vì vậy, EVN kiến nghị xin được tiếp tục tăng giá điện vào tháng 9/2023 để bù đắp chi phí đầu vào, nhưng chưa kiến nghị cụ thể mức tăng bao nhiêu.

Theo EVN, Tập đoàn đang chịu áp lực chưa từng có cả về tài chính và đảm bảo sản xuất điện. Giữa tháng 5, EVN đã có văn bản gửi Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông ty Đông Bắc - hai đơn vị chính trong cấp than cho sản xuất điện - đề nghị giãn thời gian thanh toán tiền than của Tập đoàn và các tổng công ty phát điện. Đồng thời, EVN cũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1 được vay than cho nhà máy điện Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng, với khối lượng 52.000 tấn than.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP.HCM) thông tin, EVN đang nợ tiền mua điện gần 20.000 tỷ đồng tiền mua điện đến hạn nhưng không có tiền để trả. Điều này đe dọa tài chính của các doanh nghiệp điện, khiến các doanh nghiệp không có tiền duy tu máy móc, năng lực sản xuất giảm.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 (diễn ra vào ngày 29/5) của Tổng công ty Điện lực TKV (mã DTK), lãnh đạo Công ty cho biết, tổng cộng các khoản nợ của EVN lên đến 20.000 tỷ đồng.

Không chỉ Điện lực TKV, kết thúc quý I/2023, nhiều nhà máy bán điện cho EVN còn khoản phải thu lớn từ tập đoàn này. Hiện EVN đang nợ Tổng công ty Điện lực Dầu khí (mã POW) khoảng 6.200 tỷ đồng từ các nhà máy Vũng Áng, Cà Mau, Nhơn Trạch 2.

Cuối quý I/2023, Nhơn Trạch 2 (mã NT2) ghi nhận khoản phải thu với Công ty Mua bán điện (EPTC) lên đến 4.356,2 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nặng nỗi lo chi phí

Trong đợt tăng giá điện thêm 3% vào đầu tháng 5, nhiều tính toán cho thấy, mức tăng này có tác động đến các doanh nghiệp là có, song không thực sự lớn. Doanh nghiệp có thể bù đắp bằng việc tăng năng suất lao động và giảm thiểu những chi phí sản xuất khác. Tuy nhiên, nếu giá điện tiếp tục tăng, câu chuyện sẽ khác.

PGS. TS. Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, chi phí điện đang chiếm khoảng 17 - 20% giá thành sản xuất xi măng. Việc tăng giá điện sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng cao, nhưng phần chi phí đó doanh nghiệp không thể chuyển sang cho người tiêu dùng.

“Lẽ ra, các doanh nghiệp cần phải tăng giá sản phẩm, nhưng ngành xi măng đang chịu sức ép về công suất, trong khi tiêu thụ cả trong nước và ngoài nước đều đang chậm và đi xuống. Do đó, việc tăng giá điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng”, ông Long nói.

Ông Long cho rằng, sớm muộn các doanh nghiệp sản xuất xi măng sẽ phải tăng giá nếu EVN vẫn quyết tâm tăng giá điện. Trong khi đó, nhiều nhà máy sản xuất xi măng hiện đã phải đóng cửa trước tình hình kém tích cực hiện nay.

Ông Lưu Đình Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (mã HT1) chia sẻ trong đại hội cổ đông năm 2023 rằng, năm nay, Công ty sẽ chỉ tăng giá khi giá điện tăng để bù đắp vào chi phí điện tăng thêm. Nếu áp dụng giá điện mới, mỗi tháng, công ty này phải chi tăng thêm hàng chục tỷ đồng tiền điện nên chủ trương của Công ty là sẽ tăng giá bán để bù lỗ.

Sản xuất thép cũng là ngành sản xuất chịu ảnh hưởng lớn khi giá điện tăng. Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo, nếu áp dụng giá điện mới, các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá bán để bù đắp chi phí sản xuất và người tiêu dùng sẽ phải chịu phần chi phí tăng thêm này.

Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, trong đợt tăng giá điện gần nhất vào tháng 3/2019, nhiều doanh nghiệp vật liệu như sắt thép, xi măng cũng phải điều chỉnh tăng giá mới để bù đắp chi phí sản xuất, đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Các thương hiệu như Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hạ Long, Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn… đã tăng từ 20.000 - 50.000 đồng/tấn. Trong khi đó, các doanh nghiệp thép như Gang thép Thái Nguyên, SSE Steel… cũng tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn.

Công ty đang phải chịu sức ép từ hai đầu. Ở đầu vào, giá điện tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng theo đẩy chi phí sản xuất tăng cao. Trong khi ở đầu ra, đơn hàng suy giảm mạnh.

Ông Hà Mạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10

Doanh nghiệp dệt may - ngành tiêu thụ nhiều điện năng cũng bày tỏ lo lắng về việc chi phí sản xuất sẽ “đội lên” khi giá điện tăng. Ông Hà Mạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 (mã M10) chia sẻ, việc tăng giá điện sẽ có tác động đến chi phí sản xuất của Công ty. Giá điện tăng cũng đồng nghĩa chi phí các nguyên vật liệu đầu vào tăng, song phần chi phí đó không thể chuyển vào giá thành sản phẩm nên May 10 sẽ phải chịu toàn bộ.

“Công ty đang phải chịu sức ép từ hai đầu. Ở đầu vào, giá điện tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng theo đẩy chi phí sản xuất tăng cao. Trong khi ở đầu ra, đơn hàng suy giảm mạnh, Công ty còn bị khách hàng ép giá để tăng sức cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp hiện tại dù sản xuất nhưng đang gồng lỗ và phải tìm cách đẩy mạnh năng suất để bù vào chi phí ”, ông Mạnh cho biết.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đánh giá, tăng giá điện sẽ ảnh hưởng tương đối lớn đến ngành kéo sợi. Theo tính toán, khoảng 23% tổng năng lượng sử dụng được tiêu thụ trong lĩnh vực dệt may, 34% trong kéo sợi, 38% trong xử lý hóa chất và 5% cho các mục đích khác. Mặc dù các doanh nghiệp đã có ý thức về việc tăng giá điện, tuy nhiên, việc tăng trong thời điểm này cũng là thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp do đang phải chịu áp lực cạnh tranh về thị trường, đơn hàng thiếu hụt. Các doanh nghiệp phải tính toán đến việc thắt chặt các khoản đầu tư vào chi phí để cân bằng được giá thành, đảm bảo cạnh tranh.

“Việc EVN lại đề xuất tăng giá điện có thể cần thêm thời gian, lộ trình cụ thể vì trong bối cảnh tất cả các ngành sản xuất của nền kinh tế đều vô cùng khó khăn, lượng tiêu dùng giảm khiến sản xuất sụt giảm, việc chi phí tăng sẽ là áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp, không chỉ riêng dệt may, mà cả các ngành như sắt, thép, xi măng… cũng khó”, ông Hà Mạnh bình luận.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp đang ở mức thấp. Trong 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động chỉ đạt con số 95.000, giảm 3,7% so với cùng kỳ, còn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88.000, tăng đến 22,6%.

“Các doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp thực tế đã chết lâm sàng”, ông Lộc phản ánh về khó khăn hiện tại của cộng đồng doanh nghiệp.

Kiều Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-nang-noi-lo-gia-dien-post323048.html