Doanh nghiệp nào cũng nói mình khỏe, chỉ khi nhìn vào bài toán này mới thấy bệnh

Công ty càng lâu đời, căn bệnh trên càng nghiêm trọng, không chữa trị sớm, thì hậu quả để lại sẽ nặng nề.

Vấn đề của một doanh nghiệp gia đình thuộc lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hàng may mặc. 23 năm trước, doanh nghiệp mới chỉ là một xưởng sản xuất gia công, sau đó tạo dựng được chỗ đứng, xây dựng được thương hiệu.

5 năm gần đây, doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, cả chiều ngang và chiều dọc, đặc biệt là mua lại một số nhà máy sản xuất và đơn vị phân phối ở các tỉnh, thành. Hiện nay doanh nghiệp đã phát triển với hệ thống sản xuất và phân phối rộng khắp cả nước.

Mặc dù CEO là người có tư duy khá chuyên nghiệp, hệ thống được xây dựng quy mô và bài bản. Tuy nhiên, do sự lớn mạnh nhanh chóng nên các cổ đông nhận thấy CEO chưa kiểm soát được hết hoạt động của doanh nghiệp mình.

Với thiện chí hỗ trợ CEO hoàn thành công việc quản lý và điều hành, cổ đông đề xuất thành lập ban giám sát độc lập. Bộ phận này sẽ hoạt động như một bên thứ ba, khách quan, kiểm soát và báo cáo trực tiếp tình hình doanh nghiệp lên HĐQT.

Bởi nếu tiếp tục phụ thuộc vào các vị trí kiểm soát hiện tại, gồm những thành viên vừa là quản lý vừa là kiểm soát chính bộ phận của họ, chẳng khác nào vừa “đá bóng”, vừa “thổi còi”. Họ sẽ khó vô tư và khách quan trong vai trò kiểm soát. Thêm vào đó, các vị trí này vẫn trực thuộc cùng một cấp quản lý nên thiếu tính khách quan và có thể có sự nể nang.

Trong khi đó, CEO phản đối vì cho rằng, các vị trí kiểm soát hiện tại trong các quy trình và chức năng giám sát hiện tại toàn đội ngũ cốt cán lại là người trong gia đình.

Nếu thông tin này truyền ra ngoài, mọi người sẽ thấy, người trong nhà còn không tin được nhau, không lấy ai gắn bó với doanh nghiệp. Đó là chưa kể nếu thành lập chức năng kiểm soát độc lập mới thì lấy nhân sự ở đâu và làm thế nào để tin tưởng được.

Liệu đã giải quyết được gốc rễ vấn đề?

Nói về bài toán trên, ông Trần Lê Văn - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện & Thương mại Phương Linh, ủng hộ cần có những cơ chế kiểm soát hiệu quả. Nhưng vị CEO này cho rằng, kiểm soát từ bên ngoài chưa phải là giải pháp tối ưu.

Bởi đây là căn bệnh xuất phát từ lỗ hổng cơ chế, quy trình trong nội bộ. Việc thuê ngoài chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt, thỏa mãn ý kiến của các thành viên HĐQT, mà không đi sâu được vào bài toán.

Ông Trần Lê Văn - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện & Thương mại Phương Linh

Câu chuyện của doanh nghiệp là phải tự mình đi lên, nói cách khác là tự tạo ra một quy trình hiệu quả. Việc thuê ngoài rất đơn giản, nhưng lại tốn kém về mặt chi phí, chưa kể các thành viên vốn đang đảm nhận vị trí kiểm soát sẽ thành lực lượng dư thừa.

Khó tránh khỏi tâm lý bị kiểm soát

Ông Trần Quốc Việt - Thành viên HĐQT kiêm Quyền Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Ecopark) cho biết, rất thẩu hiểu với CEO vì khó tránh khỏi tâm lý bị kiểm soát.

“Mình đang làm chủ, đang tự do. Bỗng dưng có một đội nhóm ở ngoài vào kiểm soát, tâm lý này chắc chắn không thể thoải mái. Nhưng với tư cách là người đứng đầu công ty, chúng ta cần nhìn về cái xa hơn, về cái chung nhất, là một quy trình minh bạch, đem lại niềm tin cho HĐQT”, ông Việt nói.

Giải pháp ở đây, CEO không nên coi vấn đề kiểm soát là tiêu cực. Mà nên coi đây là một bài toán về cơ chế thông thường.

Trước kia, cơ chế quản trị của các công ty gia đình thường là hướng tới sự thuận tiện, tiết giảm chi phí. Nhưng một khi đã lớn mạnh, các công ty cần hướng tới sự chuyên nghiệp. Mà chuyên nghiệp phải cần tới hệ thống kiểm soát minh bạch, quy trình rõ ràng.

Là người bệnh sẽ khó tự phát hiện ra bệnh

Theo ông Hoàng Đức Hùng - Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam, bài toán quản trị công ty gia đình ở đây có 2 vấn đề, không riêng CEO mà hầu hết các doanh nghiệp cần nhìn vào.

Thứ nhất là bài toán phát hiện lỗ hổng trong doanh nghiệp. Ông Hùng cho rằng, nếu chỉ riêng CEO, việc phát hiện lỗ hổng là không thể. Bởi bản thân CEO sẽ có rất nhiều trách nhiệm và công việc cần giải quyết.

Điều này dẫn tới bài toán thứ hai, đó là doanh nghiệp không thể “tự khám và chữa bệnh”. Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam lấy ví dụ, bản thân doanh nghiệp nào cũng nói mình “khỏe”, nhưng bên trong luôn tồn tại những “căn bệnh” chưa thể nhìn ra.

Do đó, doanh nghiệp cần tới những người có chuyên môn thực sự, và phải là người ở bên ngoài mới nhìn ra được vấn đề. Cụ thể, ở đây là một ban kiểm soát độc lập.

Theo ông Hùng, mặc dù trước đó doanh nghiệp đã có những quy trình kiểm soát như ISO, nhưng nên nhớ, đây chỉ là một chuẩn chung và cơ bản cho rất nhiều công ty. Trong khi đó, mỗi công ty lại có những vấn đề rất riêng, nên chuẩn chung đó sẽ không hiệu quả.

Vậy đâu mới là lời giải thỏa đáng cho doanh nghiệp?

Câu trả sẽ có tại Chương trình CEO – Chìa khóa thành công chủ đề: "Doanh nghiệp gia đình - Quản trị chuyên nghiệp" phát sóng vào 10h00 sáng Chủ nhật ngày 20/05 và phát lại vào 8h00 sáng Thứ 2 ngày 21/5/2018 trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/doanh-nghiep-nao-cung-noi-minh-khoe-chi-khi-nhin-vao-bai-toan-nay-moi-thay-benh-2018052115061565.htm