Doanh nghiệp nên ứng dụng IoT trong sản xuất để tạo khác biệt

Theo các chuyên gia, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp phải tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình. Vì thế, ứng dụng Internet vạn vật (IoT) sẽ là biện pháp hữu hiệu.

Doanh nghiệp giới thiệu về công nghệ ứng dụng IoT tại tọa đàm. Ảnh: H.Dịu

Doanh nghiệp giới thiệu về công nghệ ứng dụng IoT tại tọa đàm. Ảnh: H.Dịu

Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua sáng tạo và đổi mới công nghệ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0”, sáng 11/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội tổ chức tọa đàm về Internet vạn vật (IoT).

Tọa đàm nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức về tiền năng của Internet vạn vật và có định hướng triển khai ứng dụng trong thực tiễn.

Có thể thấy, trong những năm qua, sự bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những đột phá về công nghệ và trí tuệ nhân tạo được dự báo sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ các hoạt động kinh tế của Việt Nam và hứa hẹn mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp những cơ hội mới. Internet vạn vật (IoT), tuy mới xuất hiện – nhưng lại là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hiện nay và trong tương lai. Việc ứng dụng mạng lưới, thiết bị kết nối internet đang trở thành công nghệ có xu hướng ngày càng lớn đến đời sống con người, tác động rộng rãi đến nhiều lĩnh vực và là xu thế tất yếu của sự phát triển của thế giới nói chung và cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho hay, trước những tác động tích cực của IoT, các doanh nghiệp cần phải suy nghĩ để tìm ra đâu là giải pháp để đáp ứng và thích ứng, không thể đi ngược lại xu thế này.

Đồng quan điểm, theo ông Đào Ngọc Chiến, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhận thức của toàn xã hội và các doanh nghiệp đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng được nâng cao rất nhiều. Các bộ, ngành, địa phương đều đã có bước đi cụ thể, hiệu quả nhằm thực hiện theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng này.

Tuy nhiên, ông Chiến cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 bao gồm nhiều công nghệ cao với sự tích hợp cao sẽ đem lại nhiều thời cơ song cũng không ít thách thức. Do đó, các doanh nghiệp cần tạo dựng quan hệ mới, tiếp cận, học hỏi các công nghệ hiện đại để giúp ích cho việc phát triển sáng tạo, bền vững; đồng thời, nâng cao năng lực sản suất, sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, hợp lý hơn đối với người tiêu dùng.

“Để trụ vững và phát triển trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp buộc phải tạo ra yếu tố khác biệt trong các sản phẩm của mình. Nhưng muốn có yếu tố khác biệt, các doanh nghiệp phải làm chủ công nghệ, phải có những sáng tạo trong ứng dụng. Vì vậy, các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh hơn nữa cho các hoạt động nghiên cứu để có những sản phẩm đặc sắc, khác biệt tạo cạnh tranh tốt hơn”, ông Đào Ngọc Chiến nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội, dù IoT đã xuất hiện trong nhiều chương trình hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, nhưng đây vẫn là vấn đề mới. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn sự hợp tác của các cơ quan hữu quan, nhằm đưa ra các chương trình, chính sách hỗ trợ thiết thực như: vốn ngân hàng, công tác tài chính, kế toán, thuế, mạt bằng sản xuất…

Vì vậy, tại diễn các đại biểu được giới thiệu dự án ứng dụng IoT trong nông nghiệp, quan trắc môi trường, đô thị thông minh và sản xuất thông minh cho cộng đồng doanh nghiệp…

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/doanh-nghiep-nen-ung-dung-iot-trong-san-xuat-de-tao-khac-biet-102913.html