Doanh nghiệp ngành gỗ đối mặt với nhiều sức ép

Chi phí nguyên vật liệu, logistics, hàng tồn kho… tăng cao, trong khi đó nhiều thị trường xuất khẩu (XK) sản phẩm gỗ và nội thất liên tục giảm đơn hàng do lạm phát. Đặc biệt, thị trường XK chủ lực là Mỹ đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng XK của Việt Nam khiến các DN ngành gỗ gặp không ít khó khăn…

Sau thời gian tăng trưởng liên tục, từ tháng 4/2022 XK gỗ đã chững lại và đến tháng 7/2022 đã có dấu hiệu tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2021. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, XK gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2022 chỉ đạt 1,3 tỷ USD (giảm 7,1% so với cùng kỳ), trong đó XK sản phẩm gỗ chỉ đạt 845,9 triệu USD (giảm 9,7% so với cùng kỳ). Đây là tháng đầu tiên ngành gỗ tăng trưởng âm trong vòng hơn 1 năm trở lại đây.

Ngành gỗ xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm.

Ngành gỗ xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm.

Theo các doanh nghiệp (DN), nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số thị trường XK chủ lực của ngành gỗ lạm phát dẫn tới chi tiêu của người dân giảm, các thị trường XK chính như Mỹ, EU, Australia... liên tục giảm mua hàng trong khoảng 3 tháng trở lại đây khiến lượng hàng tồn kho của DN tăng cao. Điển hình, Công ty CP gỗ An Cường chuyên XK sang thị trường Mỹ, trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2022 (đã soát xét) vừa công bố cho thấy giá trị hàng tồn kho tính đến hết tháng 6/2022 đã hơn 1.527 tỷ đồng, tăng hơn 140 tỷ đồng so với hồi đầu năm nay. Bên cạnh đó, DN có khoản nợ phải trả là hơn 1.421 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với hồi cuối năm ngoái.

Không chỉ lạm phát tại nhiều thị trường XK chủ lực, tại thị trường Mỹ vào tháng 6/2022, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), DOC đã gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc này đến ngày 17/10/2022 cũng như khuyến cáo các DN thực hiện đầy đủ, tránh bị đưa vào trường hợp không hợp tác theo đánh giá của DOC. Điều này đã khiến các DN gỗ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn vì Mỹ là thị trường rất lớn của DN Việt Nam (chiếm tỷ trọng hơn 60% tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam). Bên cạnh đó, ngoài khó khăn ở thị trường XK, DN còn “gánh” tiếp nhiều khó khăn khác trong quá trình sản xuất ra thành phẩm khi giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển, chi phí lao động... tăng cao.

Để ứng phó với tình hình sụt giảm đơn hàng XK, nhiều DN đã phải cắt giảm thời gian sản xuất, bố trí cho công nhân làm luân phiên, giảm số lao động ở khối văn phòng. Bên cạnh đó, một số DN cũng quay trở lại khai thác thị trường nội địa để giảm phần nào áp lực kinh doanh. Nhiều DN cho biết, trong thời điểm khó khăn hiện nay, việc “Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ XK Việt Nam - VIFA-EXPO 2022” sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 31/8 đến ngày 3/9 tới có sự tham gia của 34 DN nước ngoài sẽ là một cứu cánh cho DN, bởi đây là sự kiện xúc tiến XK sản phẩm gỗ và nội thất lớn nhất tại Việt Nam.

Ông Trần Hoài Hữu - Giám đốc Công ty Gia Nhiên cho biết, khi tham gia ở các kỳ hội chợ trước, Công ty Gia Nhiên đều ký kết được hợp đồng với nhiều khách hàng. Có nhiều đơn hàng được ký ngay tại hội chợ nhưng cũng có nhiều đơn hàng được ký sau khi hội chợ kết thúc. Đặc biệt, sau thời gian bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và những biến động toàn cầu, hoạt động giao thương bị gián đoạn, các DN ngành gỗ hiện đang gặp khó khăn về đơn hàng thì VIFA-EXPO 2022 được tổ chức kỳ vọng sẽ giúp DNXK gặp gỡ, tiếp cận được nhiều khách hàng, nhà nhập khẩu mới. Từ đó, hai bên có thể cập nhật xu hướng, nhu cầu thị trường và thiết lập quan hệ hợp tác, ký kết đơn hàng XK trong thời gian tới.

T.Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-nganh-go-doi-mat-voi-nhieu-suc-ep-i665591/